Muốn trở thành Ánh Viên, Phương Trâm - chọn bơi, đừng chọn học?

Mộc Miên |

Vì sao bơi lội Việt Nam lại… bơi ngược dòng nước với xu thế của thế giới. Phải chăng vì chúng ta đang mải mê luyện “gà nòi” mà bỏ qua giáo dục?

Muốn bơi giỏi phải học… bổ túc

Nói tới bơi lội Việt Nam, phải nhắc tới Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu, bởi nơi đây vốn nổi tiếng là nơi đào tạo lực lượng bơi lội hàng đầu cho Thành phố HCM cũng như cả nước.

Trung tâm Yết Kiêu từng đóng góp nhiều thành tích cho nền Bơi lội quốc gia như các VĐV Võ Trần Trường An, Nguyễn Kiều Oanh, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Trần Duy Khôi…

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh có con em đang tập luyện thì Trung tâm này hiện đang nảy sinh nhiều bất cập và tiêu cực.

Một nhóm phụ huynh học sinh đang có con em trong tuyến dự tuyển trẻ của bơi lội TP.HCM vừa gửi đơn thư tố cáo tới Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM về hàng loạt bất cập và sai phạm của Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu, TP.HCM.

Người đứng đơn đại diện cho nhóm phụ huynh là ông Nguyễn Gia Huân và bà Trần Thị Mỹ Châu, cha mẹ của VĐV trẻ Nguyễn Gia Lưu. Đơn thư tố cáo gửi tới Sở của nhóm phụ huynh thể hiện nhiều vấn đề bức xúc, bất cập, tiêu cực. Nổi cộm lên là vấn đề giáo dục.

Muốn trở thành Ánh Viên, Phương Trâm - chọn bơi, đừng chọn học? - Ảnh 1.

Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu.

Được biết, để đi theo hệ thống chuyên nghiệp tại Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu thì với các em nam là 14 tuổi, nữ 13 tuổi buộc phải chọn học bổ túc văn hóa (BTVH), thay vì học phổ thông bình thường để dành toàn thời gian ban ngày cho tập luyện, dù trong hợp đồng thi đấu vận động viên tuyến dự tuyển không có ràng buộc này.

Những em học BTVH, theo quy chế tuyển sinh từ năm 2016 của Bộ GD&ĐT thì bằng cấp có giá trị ngang như bằng PTTH khi xét tuyển đại học. Vậy tại sao phụ huynh của các VĐV bơi lội trẻ TP HCM lại lo lắng?

Ông Nguyễn Gia Huân, cha của kình ngư trẻ Nguyễn Gia Lưu cho biết: "Trung tâm Yết Kiêu bắt buộc mọi VĐV trẻ khi đi theo chuyên nghiệp phải học BTVH. Mà các anh biết đấy, BTVH thì học hành được gì?"

"Bạn đầu họ (Trung tâm Yết Kiêu) hứa cứ vào BTVH, không cần học, họ sẽ lo tốt nghiệp cho, giờ thì họ lại nói không lo được. Con tôi và các VĐV trẻ khác gần như mù chữ, sang năm cháu nó thi tốt nghiệp, gia đình chúng tôi rất lo lắng. Bản thân cháu cũng hoang mang".

Nguyễn Gia Lưu cho biết: "Sang năm em thi tốt nghiệp, tuyển đại học nên rất hoang mang, vì học bổ túc và tập luyện cả ngày em không học được chữ nào".

"Chúng tôi không mang con mình đi đánh bạc với thể thao"

Vì không muốn "luyện gà nòi" mà bỏ quên giáo dục, ông Trương Bá Dũng, cha của VĐV trẻ Trương Kim Ngân đã từ chối cho con theo học chương trình BTVH. Ông Dũng nói: "Chỉ những đứa trẻ lười học mới chọn con đường chuyên nghiệp để khỏi lo học hành. Chúng vẫn nói ở hồ bơi, cứ vào đây tập, học hành có người lo".

"Nhưng những cháu muốn học hành tử tế thì rất lo ngại. Những em như thế vẫn hay tâm sự ở hồ bơi: tao không biết tập luyện được bao lâu, cuộc đời tao không học hành được gì rồi sẽ đi về đâu. Tôi không thể mang con mình ra để đánh bạc với Trung tâm Yết Kiêu".

Kình ngư trẻ Trương Kim Ngân sinh năm 2002. Tại giải Bởi các nhóm tuổi toàn quốc năm 2015 tại Hà Nội, cô bé này đã mang về 3 HCV cho đoàn TP HCM, giành quyền đi thi giải Các nhóm tuổi Đông Nam Á vào tháng 12/2015.

Muốn trở thành Ánh Viên, Phương Trâm - chọn bơi, đừng chọn học? - Ảnh 2.

Giành được rất nhiều thành tích cao, song Lê Hoàng Bảo Minh không đi theo chuyên nghiệp vì từ chối học bổ túc văn hóa.

Nhưng vì không theo học bổ túc, không nằm trong đối tượng năng khiếu tập trung và dự tuyển, Kim Ngân không được tạo điều kiện tập luyện ở Trung tâm Yết Kiêu để thi giải Đông Nam Á, dù em vẫn nằm trong tuyến của thành phố.

Tương tự là trường hợp của VĐV trẻ Lê Hoàng Bảo Minh. VĐV trẻ này từng giành 4 huy chương các loại ở giải trẻ ĐNA nhưng không theo chuyên nghiệp vì cha mẹ không cho học bổ túc, cũng bị Trung tâm Yết Kiêu trả về quận.

Cũng giống như ông Trương Bá Dũng, ông Lê Trọng Bảo - cha của kình ngư trẻ Lê Hoàng Bảo Minh cho biết: "Tôi không thể cho con học bổ túc vì đã nhìn thấy quá nhiều bài học. Bản thân tài năng như Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng bị người ta đối xử không ra gì, hạch sách về bằng cấp khi tuyển dụng sau này".

"Về mặt đầu tư, thế là phí tiền ngân sách của nhà nước"

Nhóm phụ huynh bức xúc đã đâm đơn lên Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM. Vậy đơn vị này phản ứng thế nào? Trao đổi với phóng viên, ông Mai Bá Hùng - Phó GĐ Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho rằng về vấn đề học văn hóa của VĐV thì có nhiều giải pháp, nhưng bổ túc là giải pháp tốt nhất hiện nay, chứ không hẳn bắt buộc.

Muốn trở thành Ánh Viên, Phương Trâm - chọn bơi, đừng chọn học? - Ảnh 3.

Ông Mai Bá Hùng - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM trả lời phóng viên.

Còn về những bức xúc về trường hợp VĐV trẻ không học bổ túc, theo hướng dự bị tập trung, không được tập luyện tại Trung tâm Yết Kiêu, ông Mai Bá Hùng cho biết: "Trung Tâm Yết kiêu tập trung cho các đối tượng năng khiếu tập trung và dự tuyển, còn những em theo hướng dự bị tập trung thì đưa về các quận. Ở các trung tâm bơi lội ở các quận, các em đó vẫn được tạo điều kiện tập luyện hằng ngày, hà cớ gì cứ phải lên Trung tâm Yết Kiêu?".

Trong đơn tố cáo, các bậc phụ huynh đều đổ trách nhiệm lên đầu ông Giám đốc Trung tâm, Chung Tấn Phong.

Về phần mình, ông Phong lý giải: "Đi theo đường hướng chuyên nghiệp thì các VĐV phải ngày tập luyện 2 buổi sáng và chiều. Hiện nay tôi cũng chưa thể tìm ra có trường nào phù hợp hơn là BTVH cho các em. BTVH chỉ học có 7 môn, lại buổi tối nên phù hợp với chương trình đào tạo chuyên môn".

Muốn trở thành Ánh Viên, Phương Trâm - chọn bơi, đừng chọn học? - Ảnh 4.

Giám đốc Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu - Chung Tấn Phong.

Cũng theo ông Chung Tấn Phong: "Trung tâm chỉ ưu tiên đối tượng năng khiếu tập trung, theo chuyên nghiệp, còn các em dự bị tập trung thì về địa phương nơi xuất phát, nơi đó các em cũng được tạo điều kiện tập luyện"

"Nói đi cũng phải nói lại, vì nhà nước đầu tư cho anh, anh lại bỏ thời gian đi học bên ngoài, về mặt đầu tư thì như thế là lãng phí tiền nhà nước".

Việt Nam "bơi" ngược dòng nước

Thực tế thì việc lựa chọn giữa học văn hóa và tập thể thao chuyên nghiệp từ lâu đã là bài toán nhức nhối của nền thể thao Việt Nam, chứ không riêng gì bơi lội.

Bơi lội Việt Nam không thể so sánh với nước Mỹ, nơi những Ánh Viên hay Phương Trâm đang tập luyện. Tuy nhiên, dường như cách đào tạo, phát triển tài năng thể thao song song với phát triển giáo dục ở Việt Nam đang đi ngược lại với nước Mỹ và các nước có nền thể thao phát triển khác.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Nguyên - báo Pháp luật TP.HCM, một nhà báo có gắn bó lâu năm với nền thể thao Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Nguyên cho biết: "Tập chuyên môn và học văn hóa. Thực sự đây là vấn đề nhức nhối, bức bách. Nhiều phụ huynh buộc phải đánh đổi giữa việc cho con mình chơi chuyên nghiệp hay mất văn hóa".

"Tôi sử dụng từ mất văn hóa vì những em học ở những trường BTVH dành cho các VĐV thì thu hoạch kiến thức gần như là không có gì cả. Sau này vì lý do gì đó, VĐV không theo chuyên nghiệp nữa, họ rất khó hòa nhập vào cuộc sống bình thường".

Để minh chứng, nhà báo Nguyễn Nguyên đề cập đến nhiều trường hợp, trong đó có trường hợp của Võ Trần Trường An - một VĐV bơi lội nổi tiếng cũng từng ra lò từ Trung tâm Yết Kiêu.

Là tài năng bơi lội hàng đầu Việt Nam, Võ Trần Trường An từng tham dự Olympic Atlanta 1996. Nhưng giờ Trường An ở đâu, ai còn nhớ cô?

Muốn trở thành Ánh Viên, Phương Trâm - chọn bơi, đừng chọn học? - Ảnh 5.

Nhà báo Nguyễn Nguyên.

Ông Nguyễn Nguyên thổ lộ: "Khi tôi hỏi nếu được quay trở lại quá khứ để chọn giữa VĐV chuyên nghiệp để đi dự Olympic và việc học tập, Trường An chọn gì, thì cô ấy nói chọn đi học".

Nhà báo Nguyễn Nguyên còn cho biết: "Tôi đã đi nhiều nơi như Singapore, Thái Lan… và xa hơn là Mỹ, nơi Ánh Viên và Phương Trâm đang tập luyện. Ở đó họ phát hiện tài năng từ học đường rồi tiếp tục bồi dưỡng tài năng đặc biệt đó ở học đường. Mình thì ngược lại, phát hiện tài năng rồi lôi tài năng đó ra khỏi môi trường giáo dục mà đáng ra các em được hưởng, để… luyện gà nòi".

Trường An đã ân hận từ ngày rời đấu trường đỉnh cao Olympic trên đất Mỹ năm xưa. Các bậc phụ huynh của những Gia Lưu, Gia Hân, Kim Ngân, Bảo Minh… cũng rất hoang mang.

Và cứ đà này, bơi lội Việt Nam không chỉ sản sinh ra những lứa VĐV thiếu kiến thức văn hóa, gặp khó khăn khi ra đời, mà còn mất đi nhiều tài năng cho thể thao nước nhà?

Không bậc cha mẹ nào muốn mang tương lai con mình ra để "đánh bạc với thể thao". Vì Bơi lội Việt Nam đang… bơi ngược dòng.

Có không sự mập mờ về tài chính?

Ngoài bất cập giữa học văn hóa và tập chuyên môn, nhóm phụ huynh này còn tố cáo Trung tâm Yết kiêu có nhiều sai phạm về tài chính.

Trong đơn tố cáo gửi Ban thanh tra của Sở, bà Trương Thị Mỹ Châu nêu rõ "Ban giám đốc trung tâm thu tiền tập huấn các VĐV trẻ từ phụ huynh mà không có hóa đơn chứng từ theo quy định của Bộ tài chính".

Bà Mỹ Châu cho biết: "Trung tâm Yết Kiêu dùng tiền ngân sách của nhà nước không rõ ràng. Hằng năm họ đều nhận được tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đưa các VĐV trẻ tiềm năng đi tập huấn ở nước ngoài".

"Tuy nhiên, Trung tâm Yết Kiêu không họp thông báo về tiêu chuẩn được đi với toàn thể VĐV cũng như gia đình, mà chủ động tiếp cận gặp từng gia đình VĐV để thuyết phục họ đi với… kinh phí tự túc. Đơn cử như chuyến tập huấn Côn Minh (Trung Quốc) tháng 3/2015".

Ngoài ra, cũng theo đơn tố cáo của các phụ huynh, Trung tâm Yết Kiêu thường xuyên tổ chức những chuyến tập huấn hay thi đấu ở nước ngoài cho các VĐV trẻ theo dạng tự túc. Mức giá, theo đơn của nhóm tố cáo là khá cao.

Đơn cử như chuyến đi thi đấu giải Học sinh sinh viên ĐNÁ tháng 7/2015, mỗi VĐV phải đóng 800 USD hay chuyến tập huấn Thái Lan tháng 3/2016, mỗi gia đình VĐV trẻ phải chi 700.000 đồng tiền ăn/ngày, chưa kể tiền ở, tập và vé máy bay.

Ở những chuyến du đấu, tập huấn nói trên, theo bà Mỹ Châu là "Tiêu chí tuyển chọn không minh bạch, nhằm thu tiền của các phụ huynh".

Ngoài ra, đơn tố cáo của nhóm phụ huynh còn nêu rõ, trong suốt năm 2015, Trung tâm Yết Kiêu có ký khống về việc thuê thông dịch viên tiếng Trung Quốc, để tiện trao đổi ngôn ngữ giữa VĐV trẻ và các chuyên gia Trung Quốc gồm bà Wuna và ông Lão Luy.

Ông Nguyễn Gia Huân, cha của VĐV trẻ Nguyễn Gia Lưu cho biết: "Khi tôi và các gia đình khác phát hiện ra những sai phạm tài chính của Trung tâm Yết Kiêu và phản đối phương pháp đào tạo độc đoán của Trung tâm thì con em chúng tôi bị họ phân biệt đối xử".

Về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, cũng như lãnh đạo trung tâm Yết Kiêu và sẽ gửi câu trả lời đến độc giả ở bài viết sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại