Muốn hết tắc đường phải thông được… cái đầu

Bảo Nam |

Tắc đường có nghĩa là gì? Đó là những con đường không lối thoát, hay nơi đó ken đặc những con người không chịu cho nhau một lối thoát?

Việc Sở giao thông vận tải Hà Nội phải lắp dải phân cách cứng cho xe bus nhanh BRT chính là một hành động cứng rắn nhằm vào ý thức tham gia giao thông của người dân thủ đô. Người ta chê bai ý tưởng này là không hợp lý, cản trở giao thông vào giờ cao điểm.

Nhưng nếu người dân không cố ý đi vào làn của BRT thì lắp thêm một cái rào chắn làm gì? Đó là vấn đề.

Tôi hàng ngày đi làm dọc trục đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương và ngày nào cũng chứng kiến tình trạng: Ngay cả vào thời điểm giao thông cực kỳ thuận lợi, đường vắng, xe duy trì tốc độ ổn định, người dân vẫn hồn nhiên chạy trong làn của BRT, cả xe máy lẫn ô tô cá nhân.

Đối với tôi, cái ranh giới giữa làn BRT và làn hỗn hợp là một bài test cho ý thức giao thông của người Việt, và nó cũng là ranh giới giữa tắc đường và không tắc đường.

Muốn hết tắc đường phải thông được… cái đầu - Ảnh 1.

Dải phân cách cứng để ngăn không cho các phương tiện khác đi vào đường của BRT

Vào giờ cao điểm và đường quá tắc, thành phố đã bật đèn xanh cho phép các phương tiện lưu thông chung làn với BRT.

Tuy nhiên, vào giờ thấp điểm, việc bạn kiên nhẫn di chuyển trong làn cho phép của mình, nhường làn BRT cho BRT hoạt động không chỉ chứng tỏ bạn là người tôn trọng pháp luật, mà còn cho thấy bạn sẵn sàng tạo ra một lối thoát cho giao thông Hà Nội.

Đôi khi tôi tự hỏi: Tắc đường có nghĩa là gì? Là những con đường bị ken đặc tới mức không có lối thoát, hay những con người không chịu cho nhau lối thoát cùng chui vào một con đường?

Ví dụ rất đơn giản: Ở những nga tư lớn, một chiếc xe vượt cố khi đèn xanh chỉ còn 1, 2 giây có thể ngay lập tức tạo ra một đám đông hỗn loạn giữa ngã tư: Đám đông của một kẻ cố vượt và những kẻ đèn xanh chưa bật đã vội lao đi.

Họ đều là những con người không chịu nhường cho nhau lối thoát. Sự nhường nhịn ở đây không có nghĩa là chúng ta phải nhường đường cho một chiếc xe vượt đèn đỏ, mà chúng ta nhường cho ý thức lên ngôi.

Muốn hết tắc đường phải thông được… cái đầu - Ảnh 2.

Tắc đường ở Hà Nội, cảnh tượng không còn lạ đối với người dân

Giao thông Hà Nội là một mớ hỗn độn và ở trong đó, có hàng trăm lý do được sử dụng hàng ngày để bao biện cho sự vô ý thức của mình.

Muộn giờ làm, muộn giờ họp, muộn giờ đón con, muộn giờ nhậu, muộn giờ đá bóng, muộn trận tennis… Có hàng trăm thứ muộn và phải chăng cứ muộn là được phép vượt đèn đỏ, được ngược chiều, được chạy trong làn của BRT ngay cả khi đường xá thông thoáng?

Nếu tất cả mọi người đều ra đường với chữ "Tôi" được đặt lên hàng đầu thì dù thành phố có thêm cầu vượt, dù chúng ta có đường tàu điện ngầm, đường tắc vẫn sẽ cứ tắc mà thôi.

Cá nhân tôi luôn cảm thấy thật hạnh phúc khi được… dừng đèn đỏ. Những chiếc xe cùng dừng lại, cùng chờ đèn đỏ đếm ngược đến lượt mình và cùng di chuyển. Mọi thứ diễn ra thật quy củ, trật tự và công bằng.

Chúng ta phải hiểu rằng gần như tất cả các thành phố lớn trên thế giới đều đông đúc. Nhưng tại sao thế giới có thể tạo ra một sự trật tự trong đám đông, còn ở Việt Nam, cứ đông là loạn?

Muốn hết tắc đường phải thông được… cái đầu - Ảnh 3.

Đứng đợi đèn đỏ đôi khi cũng là một niềm hạnh phúc

Phải chăng vì thế giới người ta nhìn vào nhau để đi, để sống, còn Việt Nam luôn chỉ nhìn vào bản thân nên mỗi thân một hướng?

Thành phố đã nỗ lực hết mình để chống vấn nạn tắc đường và mỗi ngày, lại có thêm những ý tưởng xuất hiện trên mặt báo. Có ý tưởng hay, có ý tưởng bị ném đá dữ dội.

Nhưng tựu chung lại, thực ra cả giao thông Hà Nội có thể được thu nhỏ chỉ bằng một cái ngã tư thôi.

Ở đó, nếu người ta chủ động cho nhau một lối thoát, chủ động nhường nhịn để ý thức lên ngôi, thì ai rồi cũng sẽ thoát khỏi ngã tư đó mà chẳng cần một giải pháp cao siêu gì.

Đường còn tắc khi những cái đầu chưa thông…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại