Trung Quốc thúc đẩy khai thác khoáng sản chiến lược
Trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường thúc đẩy an ninh quốc gia và khả năng tự cường, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Wang Guanghua tuyên bố Trung Quốc cần phải thúc đẩy hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản chiến lược để đảm bảo chuỗi cung ứng trong "những tình huống cực đoan".
"Hiện tại, đất nước chưa đầu tư đủ vào việc thăm dò các khoáng sản chiến lược, trong khi lượng tài nguyên mới sẵn có đang ngày càng hạn chế", ông Wang viết trên Nhật báo Kinh tế.
Ông nói thêm, quá trình "tái phân phối" và "cạnh tranh khốc liệt để giành quyền thống trị" trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra đã khiến việc thăm dò khoáng sản trở thành chìa khóa để đảm bản an toàn an ninh.
"Việc thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng như việc giữ vị trí đứng đầu chuỗi cung ứng là chìa khóa để bảo vệ chuỗi cung ứng của Trung Quốc", ông Wang cho biết, đồng thời cho biết sẽ có thêm các nỗ lực tìm kiếm nguồn khoáng sản mới.
Kế hoạch Tài nguyên Khoáng sản Quốc gia của Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020 xác định 24 khoáng sản thuộc 3 nhóm - năng lượng, kim loại và phi kim loại - là chiến lược, bao gồm dầu, khí tự nhiên, đồng, lithium, đất hiếm và fluorit.
Ông Wang cho biết việc đẩy mạnh thăm dò khoáng sản sẽ tăng cường an ninh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhằm đề phòng "các trường hợp khẩn cấp bất ngờ trong nước hoặc bên ngoài có thể mang lại tác động tiêu cực".
"Đây là nhiệm vụ rất cấp bách", ông nhấn mạnh.
Nhận xét của ông Wang nhấn mạnh sự cấp bách của Bắc Kinh trong bối cảnh rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và toàn diện với Mỹ.
Bắc Kinh ngày càng tập trung vào việc tăng cường khả năng tự lực trong những lĩnh vực mà họ coi là các ngành công nghiệp chiến lược, như năng lượng và nông nghiệp, trong khi vẫn tăng cường nhập khẩu cây nông nghiệp và dầu mỏ.
Mối lo ngại ngày càng tăng, đặc biệt là về các khoáng sản quan trọng, được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ với Mỹ vì chúng là thành phần chính trong sản xuất vũ khí và chất bán dẫn.
Bắc Kinh "trả đòn" Mỹ trong cuộc đối đầu công nghệ
Trong những năm gần đây, Mỹ đã ban hành một loạt quy định kiểm soát xuất khẩu, đồng thời kêu gọi các đồng minh hạn chế nguồn cung chất bán dẫn sang Trung Quốc.
Trung Quốc đã đáp trả bằng cách hạn chế xuất khẩu gali và gecmani - hai nguyên tố đất hiếm có vai trò trong quy trình sản xuất chất bán dẫn.
Trong tháng qua, Bắc Kinh cũng tiếp tục đưa ra các hạn chế xuất khẩu đối với một số sản phẩm than chì và yêu cầu các nhà xuất khẩu khai báo khi họ vận chuyển kim loại đất hiếm và các sản phẩm oxit ra nước ngoài.
Trong khi đang dẫn trước Trung Quốc một cách áp đảo trong việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, Mỹ vẫn phụ thuộc vào một số khoáng sản từ Trung Quốc.
Hiện, thế giới vẫn đang phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm, vốn được sử dụng để sản xuất linh kiện cho nhiều loại sản phẩm, bao gồm điện thoại thông minh, xe điện và vũ khí dẫn đường chính xác.
Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc thống trị toàn cầu về trữ lượng đất hiếm phổ biến, khả năng khai thác và năng lực chế biến, một số quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung bằng cách đầu tư vào các quốc gia khác.
Wang Yunmin, học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và cựu giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm về An toàn và Sức khỏe Mỏ Kim loại, cho biết vào cuối năm ngoái khoảng 2/3 sản lượng và cung cấp khoáng sản chiến lược của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn lực bên ngoài.
Ông nói rằng trữ lượng của Trung Quốc gồm 15 loại khoáng sản chiến lược, bao gồm dầu khí, sắt, đồng, nhôm và niken, chỉ chiếm chưa đến 20% tổng trữ lượng của thế giới.
Ông cho biết thêm, trữ lượng dầu của Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% tổng trữ lượng toàn cầu, trong khi trữ lượng than của nước này chỉ chiếm 13,2%.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nói thêm rằng việc Trung Quốc theo đuổi mục tiêu về mức phát thải khí CO và phát triển "các ngành công nghiệp mới" cũng đã thay đổi cơ cấu cung và cầu đối với một số khoáng sản.
Ông cho biết sắt, mangan và nhôm sẽ tiếp tục có nhu cầu cao, trong khi nhu cầu về lithium, coban và niken sẽ tăng - tất cả đều là những nguyên liệu chính trong việc phát triển xe điện và xe hybrid.
Vào tháng 9/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải carbon cao nhất trước năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060.