Bob Savic, nhà nghiên cứu cấp cao, viện sĩ Viện Chính sách Toàn cầu ở London, Anh, cho rằng với việc Trung Quốc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và trở nên gần gũi hơn với Hàn Quốc, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể lợi dụng Mỹ để cảnh báo Nga, Trung Quốc về vị thế của Bình Nhưỡng.
Ngay cả trong trường hợp Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận với sự trung gian hòa giải của Nga, điều này dường như cũng không tạo nên khác biệt trong việc ngăn ông Kim thách thức chính quyền tổng thống Donald Trump phát động tấn công quân sự.
Trong quá khứ, chính quyền George W. Bush từng tuyên bố Triều Tiên là một trong ba nước thuộc "Trục ma quỷ", và chỉ 1 tháng sau khi Mỹ tấn công Iraq vào tháng 3/2003, Triều Tiên tuyên bố đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Năm 2006, nước này tiến hành lần thử nghiệm hạt nhân đầu tiên.
Sau đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã tạm ngừng thử hạt nhân vòng 3 năm. Đến năm 2009, vụ thử thứ hai được tiến hành.
Tương tự, sau các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đầu tiên dưới thời ông Kim Jong Un vào năm 2013, Triều Tiên đã tạm ngừng thử hạt nhân trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến đầu năm 2016, và từ năm 2015 đến giữa năm 2017 với các cuộc phóng thử tên lửa.
Các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong giai đoạn 2016-2017 đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng đáng kinh ngạc trong công nghệ của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã tiến gần khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), với tầm bắn có thể chạm tới lãnh thổ Mỹ.
Hơn 10 tháng sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền (tháng 12/2011), ông Tập Cận Bình đã trở thành lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012. Ông Tập chính thức nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, và quan hệ của ông với lãnh đạo Triều Tiên cũng không bằng phẳng ngay từ đầu.
Một vài ngày trước khi ông Tập tiếp quản quyền lực, Trung Quốc đã bỏ phiếu thuận để áp đặt một loạt lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, để đáp trả vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của ông Kim Jong Un.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) nắm tay Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn tại lễ duyệt binh ngày 10/10/2015 ở Bình Nhưỡng. Hành động được cho là thể hiện tình hữu nghị không bị sứt mẻ giữa hai quốc gia (Ảnh: AP Photo/Wong Maye-E)
Trung-Triều quay lưng
Hôm 11/9 vừa qua, để phản ứng vụ Bình Nhưỡng thử bom H ngày 3/9, Nga cùng Trung Quốc đã bỏ phiếu thuận với dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất tại Hội đồng bảo an LHQ, nhằm mở rộng cấm vận kinh tế chung đối với Triều Tiên, bao gồm cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên và những hạn chế mới đối với kinh doanh dầu thô.
Dù vậy, trong suốt thời gian "tạm lắng" giữa các lần thử hạt nhân và tên lửa, Bình Nhưỡng cũng mong muốn tăng cường quan hệ với Bắc Kinh.
Sự kiện quy cách cao và đáng chú ý nhất là chuyến thăm Triều Tiên của Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, ông Lưu Vân Sơn vào tháng 10/2015. Ông Lưu đã đứng cạnh ông Kim Jong Un trên khán đài xem lễ duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên (10/10).
Nhưng đến cuối năm 2015, sự kiện giao lưu quan trọng giữa hai nước, với sự tham gia của ban nhạc Moranbong, do nhà lãnh đạo Kim Jong Un thành lập, dự kiến tổ chức ở Bắc Kinh bị đổ bể. Ban nhạc ra sân bay về Triều Tiên, sau đó hai nước không đề cập thêm đến vụ việc. Sáng sớm ngày 6/1/2016, một cơn địa chấn được ghi nhận trên bán đảo, và Triều Tiên thông báo thử nghiệm thành công bom H.
Chuyến thăm đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến bán đảo Triều Tiên là chuyến đi đến Seoul để gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vào tháng 7/2014. Đây là lần đầu một lãnh đạo Trung Quốc chọn thăm Hàn Quốc trước thay vì Triều Tiên.
Trên thực tế, trong ba năm đầu của chính quyền Park từ năm 2013, quan hệ Trung-Hàn đã tiến triển rất tích cực, và được coi là tốt nhất kể từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao tháng 8/1992.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng hồi tháng 8/2017, đe dọa Triều Tiên sẽ phải hứng chịu "lửa và thịnh nộ" nếu đe dọa Mỹ bằng hạt nhân và tên lửa (Ảnh: AP)
Hai phương án của ông Kim Jong Un
Xét trong phạm vi rộng, quan hệ Trung-Hàn được thúc đẩy bởi các mối liên kết kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Thêm vào đó, nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm đưa Trung Quốc hướng tới một nền kinh tế thị trường đã làm tăng thêm sự chia rẽ ngày giữa tư duy về nền kinh tế hiện đại giữa ông và ông Kim.
Quan trọng hơn, những tín hiệu hòa dịu đã trở lại giữa Bắc Kinh và Seoul, sau quãng thời gian căng thẳng vì chính quyền bà Park Geun-hye quyết định triển khai lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ, điều mà Trung Quốc chỉ trích là đe dọa an ninh của nước này.
Sau khi đắc cử vào tháng 5 năm nay, tân tổng thống Moon Jae-in đã thúc đẩy chính sách tái tiếp cận Trung Quốc và trì hoãn việc bố trí THAAD, nhằm ngăn cản Bình Nhưỡng nối lại quan hệ đặc biệt với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, mục tiêu của ông Moon đang gặp khó khi Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa sau khi ông đắc cử, và thử bom H ngày 3/9, buộc ông đẩy nhanh trở lại việc triển khai THAAD. Đương nhiên, điều này khiến Bắc Kinh giận dữ.
Ông Bob Savic nhận định, có thể ông Kim Jong un đã tính kỹ hai khả năng có thể xảy ra. Một là, sự suy giảm lâu dài về tầm quan trọng của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh sớm hay muộn cũng sẽ dẫn tới việc ông bị mất vị thế trong khu vực.
Hai là, Bình Nhưỡng chấp nhận rủi ro cao, khiêu khích Mỹ tấn công Triều Tiên và buộc Trung Quốc-Nga phải can thiệp quân sự nhằm đẩy lùi sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Mỹ trên bán đảo, đồng thời khẳng định vị thế không thể thiếu của ông Kim trong vai trò lãnh đạo nước "vùng đệm" hết sức quan trọng đối với cả Bắc Kinh và Moskva.
Kết quả cuối cùng có thể sẽ xảy ra trong thời gian ngắn tới đây, khi mà Nga-Trung củng cố lực lượng và an ninh dọc biên giới với Triều Tiên, nhằm sẵn sàng cho tình huống mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo thời gian qua, rằng khủng hoảng Triều Tiên có thể dẫn đến "một thảm hoạ toàn cầu, gây tổn thất lớn về con người ".
Tổng thống Trump họp khẩn với các tướng lĩnh quân sự cao cấp để thảo luận về vấn đề Triều Tiên