Cuối năm là thời điểm dân công sở bận rộn bậc nhất bởi có vô vàn thứ phải lo: tổng kết lại những thành tựu đã đạt được trong một năm ròng rã đồng thời đặt ra những mục tiêu để phấn đấu cho năm mới; sắm sửa, tân trang bản thân để đón một cái Tết hanh thông và nhiều may mắn; tiệc tùng chúc tụng, vinh danh, vui vầy cùng đồng nghiệp, bạn bè và người thân.
Những ngày cận Tết vốn đã bận rộn, những ngày trong Tết cũng không kém cạnh sự tất tả: nào du xuân, chúc Tết; nào đi chùa cầu bình an, tài lộc; nào viếng thăm bạn bè, người thân… Và đối với người trẻ làm việc trong môi trường công sở, những ngày Tết còn trở nên đôi phần nặng nề hơn bởi câu chuyện đi chúc Tết sếp.
Nếu như trước đây, ở thời của bố mẹ chúng ta, viếng thăm, chúc Tết sếp là việc không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới; thì ở thời điểm hiện tại, người trẻ dường như khá dửng dưng với câu chuyện này. Thay vào đó, họ dành nhiều thời gian cho những thú vui cá nhân cũng như người bạn đã lâu không gặp.
Muối mặt vì mừng tuổi con sếp 20 nghìn
Tuy nhiên, nói gì thì nói, đến chúc Tết sếp vào những ngày đầu xuân luôn là thứ khiến dân văn phòng trăn trở bậc nhất. Bởi nếu đi thì bản thân cảm thấy chẳng mấy thoải mái, gượng gạo và không quen còn nếu không đi thì rất có thể để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng cấp trên.
Chưa dừng lại ở đó, một khi đã đến nhà sếp rồi thì bài toán nan giải tiếp theo khiến nhiều người đau đầu đó chính là “mừng tuổi con sếp bao nhiêu thì hợp lý”. Câu chuyện “dở khóc dở cười” của H.N (nữ nhân viên văn phòng lĩnh vực truyền thông – TP.HCM) bên dưới đây chắc hẳn là tình huống mà không ít dân công sở đã từng gặp phải.
Sau một năm bận rộn với nhiều tất tả, H.N quyết định dành hết kỳ nghỉ Tết dài để đi thăm bạn bè, người thân rồi đi du lịch, tuyệt nhiên không đặt “đi chúc Tết sếp” vào lịch trình.
Bởi lẽ, cô nghĩ rằng, dù sao mình cũng chỉ là một nhân viên bình thường, chẳng có nhiều cơ hội làm việc trực tiếp với sếp, đến chúc Tết thì cũng chẳng biết phải nói những gì, ngượng càng thêm gượng gạo nên tốt nhất là không đi cho lành.
Tuy nhiên, việc đâu có dễ dàng như vậy. Bố mẹ H.N liên tục hỏi han thậm chí là thúc ép con gái đến nhà sếp chơi với lý do “Mày không đi chúc Tết sếp như thế, không sợ năm mới gặp khó khăn trong công việc à còn?”. Sau rất nhiều hồi tranh luận, to nhỏ, H.N quyết định thôi thì ghé qua một chút cho lành. Trước khi đi, cô cũng được bố mẹ dặn dò kỹ lưỡng những thứ cần làm, không thiếu việc mừng tuổi cho mấy đứa nhỏ con sếp.
Đúng như dự đoán của H.N, người ra vào nhà sếp những ngày này đông như mắc cửi. Vốn cũng không có nhiều chuyện để nói với sếp, cho nên H.N cũng tranh thủ đôi ba câu chúc rồi chuẩn bị ra về. Trước khi về, cô cũng không quên gọi đứa nhỏ đến để mừng tuổi. Thằng bé cầm cả xấp phong bao lì xì đỏ vừa được nhận nhanh nhảu chạy đến.
Sau tiếng cảm ơn, thằng bé nhanh chóng mở chiếc phong bao vừa nhận từ tay H.N, oái lên một tiếng rồi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao cô này lì xì cho con có mỗi 20 nghìn. Nãy giờ các cô chú khác toàn 200 với 500 nghìn không thôi”. Mẹ thằng bé cười trừ rồi chỉ ái ngại mắng yêu.
H.N ngạc nhiên trố mắt nhìn thằng bé rồi mau chóng chào sếp ra về, sự ngượng ngùng vẫn chưa vơi bớt phần nào.
Việc mừng tuổi con sếp bao nhiêu là hợp lý chưa bao giờ là câu chuyện thôi khiến dân công sở suy nghĩ bởi nó không còn dừng lại ở phạm trù truyền thống văn hóa tốt đẹp cần gìn giữ mỗi dịp Tết đến, xuân về nữa.
Thời đại này, đằng sau chiếc phong bao lì xì cho con sếp là vô vàn những câu chuyện, những thông điệp mà nhiều người làm việc trong môi trường công sở muốn truyền tải; mà nếu không khéo léo, rất dễ rơi vào tình huống “muối mặt” như câu chuyện của H.N bên trên.
Mừng tuổi con trẻ dịp đầu năm là một nét văn hóa, một phong tục đẹp đẽ của người Việt kéo dài từ đời này qua đời khác. Mừng tuổi cho trẻ nhỏ là thể hiện tấm lòng, sự mong muốn người được mừng tuổi luôn khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn trong năm mới. Vậy nên số tiền trong phong bao lì xì là số tiền may mắn và chẳng quan trọng con số được in trên đó là bao nhiêu.
Cho nên, điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể trao nhau đó chính là tấm lòng, là sự chân thành thật lòng muốn đối phương gặp nhiều may mắn. Cho nên, nếu vẫn đang phân vân không biết nên lì xì cho con sếp bao nhiêu thì đừng ngần ngại chọn mệnh giá mà bản thân cảm thấy phù hợp nhất. Nếu được dạy dỗ và chỉ bảo một cách bài bản, chắc chắn con trẻ sẽ không tạo nên những tình huống “dở khóc, dở cười” dành cho người lớn.
Dạy trẻ cách nhận tiền mừng tuổi
Đứng ở vị thế là người làm sếp nói riêng, cũng như các bậc phụ huynh có con nhỏ nói chung, chúng ta cần biết cách dạy dỗ, hướng dẫn con trẻ để các bé có cách nhận tiền lì xì văn minh và khiến người mừng tuổi cảm thấy thoải mái, dễ chịu:
Hãy giải thích cho con hiểu ý nghĩa của phong tục lì xì: Giải thích với trẻ lì xì là điều may mắn, tốt lành mà người lì xì muốn gửi gắm đến trẻ, mong sang năm mới trẻ chăm ngoan, học giỏi, mạnh khỏe… Cho nên, trẻ có quyền được nhận với một thái độ và cử chỉ trân trọng, đúng mực, lễ phép.
Dạy trẻ cách thưa gửi, chào hỏi khi khách đến nhà hoặc đi chúc Tết: Khi khách đến nhà hoặc cả nhà đi chúc Tết, trẻ nhỏ cần phải chào hỏi lễ phép và chúc Tết. Cha mẹ có thể dạy trước cho bé những câu chúc đơn giản, dễ học và phù hợp với hầu hết mọi người.
Dạy trẻ không xé phong bao lì xì khi đang ở trước mặt khách: Hành động xấu chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. Đồng tiền mừng cho trẻ chỉ cần mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến niềm vui cho con trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì.
Khi trẻ nhận phong bao lì xì, cha mẹ cần dạy con có thái độ trân trọng, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết: Cần để trẻ hiểu rằng, mỗi một phong bao lì xì là một lời chúc năm mới đến trẻ chứ không phải việc đánh giá tiền ít, hay tiền nhiều trong mỗi phong bao.
Những nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống dường như đang mất dần ý nghĩa nguyên bản của nó trong một xã hội sống nhanh và thực dụng. Vì lẽ đó, là những con người văn minh, chúng ta có thể giúp lớp trẻ tìm về ý nghĩa thực sự của những phong tục thông qua việc hướng dẫn các con hiểu đúng bản chất của những nét đẹp ngày Tết. Hãy để mừng tuổi trở thành câu chuyện và hành động đẹp không phai nhòa trong mỗi dịp Tết.