Chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển khi trao đổi với tờ Dân Việt đã liệt kê 7 điều kiêng kỵ vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, để cả năm có được may mắn, tài lộc. Cụ thể gồm: Không đổ rác ngày mồng 1; Không cho lửa đầu năm; Không cho nước đầu năm; Không làm đổ vỡ đồ dùng; Không tranh cãi, bất hòa; Không vay mượn đầu năm; Kiêng nói những điều xui xẻo, kiêng nói chuyện không vui.
Ngoài một số điều trên, theo quan niệm dân gian, mùng 1 Tết người ta còn kiêng người có tang đi chúc Tết, bởi nếu gia chủ được người có tang tới chúc Tết thì cả năm sẽ gặp xui xẻo. Vào dịp Tết Nguyên đán, những gia đình có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng 3 ngày.
Người ta còn kiêng động tới dao kéo vì cho rằng những vật này có sát khí, có thể cắt đứt lương duyên cũng như tài vận, tuổi thọ của gia chủ. Mọi người có thể khắc phục bằng cách cất bớt dao, kéo và chỉ nên để lại những cái cần dùng.
Về trang phục, dân gian khuyên nên mặc quần áo màu sặc sỡ ngày đầu năm mới để mong gặp nhiều may mắn, tránh màu đen - trắng, hai màu này tượng trưng cho sự tang tóc, điều xui xẻo.
Về món ăn, theo phong tục dân gian, không nên ăn cháo vào sáng mùng 1 Tết. Bởi theo những câu chuyện còn lưu lại, người ta cho rằng chỉ có những gia đình nghèo khổ mới phải ăn cháo, do đó ngày mùng 1 nên nấu cơm để ăn. Ngoài ra, sáng đầu tiên của năm mới, muôn thần sẽ tề tựu nên việc ăn cơm nóng cũng thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh.
Có một số món ăn được coi là "xui xẻo" cũng được khuyên nên tránh ăn trong ngày mùng 1 Tết như: thịt vịt, thịt chó, cá mè, mực, ốc, trứng vịt lộn.
Ngoài ra, kiêng mừng tuổi cho người đang nằm ngủ. Bởi đây được coi là hành động dành cho một người bị ốm và là điều không hay vào đầu năm mới.
Một số điều kiêng kỵ khác cũng được lưu truyền như: Kiêng đánh thức người khác sáng mùng 1; Kiêng cắt tóc, cắt móng tay; Kiêng đóng cửa nhà; Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2; Kiêng sử dụng kim chỉ...
(Thông tin có tính chất tham khảo)
(Tổng hợp)