Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, là một trong những khu rừng phòng hộ xung yếu cho thượng nguồn của sông Hồng.
Khu bảo tồn này có hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, đa dạng mang tính điển hình của vùng núi phía Bắc Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đây cũng được mệnh danh là "đại ngàn xanh" của Yên Bái.
Hiện rừng tự nhiên tại đây vẫn còn trên 30 loài thực vật khác nhau, trong đó có những loài cây gỗ quý hiếm như lát hoa, pơ mu... phát triển chủ yếu ở độ cao 700 m trở lên.
Khu vực rừng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên còn là nơi sinh sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp, trong đó có một số loài chim bị đe dọa toàn cầu như hồng hoàng, gà lôi… Bên cạnh đó, do địa hình bị chia cắt mạnh, khu bảo tồn có rất nhiều khe suối, nhiều hang động, thác nước đẹp như thác Bản Tát, thác Suối Tiên, hang Dơi..
Hiểu rõ những giá trị của rừng mang lại, đồng bào Mông nơi đây coi rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng. Bà Hạng Thị Sơn (SN 1959, ở thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu) cho biết, trải qua hàng trăm năm chung sống hoà thuận với rừng, hiểu được luật rừng, người dân nơi đây đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng như những luật tục.
Bà Sơn nói: "Không bảo vệ rừng thì không có nguồn nước uống, không có nước trồng lúa, con cháu sau này không được hưởng không khí trong lành, bà con nơi đây cả đời gắn bó với rừng nên mọi người đều có ý thức giữ rừng, bảo vệ rừng. Hàng năm các thôn trong xã đều tổ chức lễ cúng rừng để bà con cùng lên kế hoạch cho việc bảo vệ rừng cả năm".
Ông Sà cho biết thêm, trong thời gian cúng rừng, các thôn bản đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần Rừng. Trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo…
Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa tập quán văn hóa và tín ngưỡng lễ cúng rừng của người Mông ở xã Nà Hẩu được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia .