Mức độ đắt đỏ của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thay đổi ra sao từ 2015 đến nay?

Anh Ngọc |

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, Hà Nội là địa phương có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước.

Hà Nội

Năm 2015, lần đầu tiên Tổng Cục Thống kê công bố chính thức công bố chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) và Hà Nội được chọn là gốc để so sánh giá của 62 tỉnh, thành còn lại. Vì vậy, chỉ số SCOLI của Hà Nội luôn ở mức 100%.

Về thứ hạng, năm 2015 và năm 2018, Hà Nội được xếp là địa phương có chi phí đắt thứ 2 cả nước, sau Lai Châu vào năm 2015 và TP. Hồ Chí Minh năm 2018.

Từ năm 2019 - 2021, Hà Nội giữ vị trí dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước 3 năm liên tiếp.

Hải Phòng

Năm 2015, Hải Phòng xếp thứ 13/63 tỉnh, thành cả nước về mức giá đắt đỏ với chỉ số SCOLI 95,53%. Tuy nhiên, chỉ số SCOLI của thành phố có xu hướng tăng dần qua các năm. Đến năm 2020, chỉ số SCOLI của Hải Phòng đạt 97,38% và nhảy vọt lên vị trí thứ 3, tăng 10 bậc so với năm 2015.

Hầu hết các nhóm hàng của Hải Phòng đều thấp hơn Hà Nội từ 0,13%-7,79%. Đây là địa phương tập trung nhiều ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đặc biệt là cảng trung chuyển hàng hóa chiến lược quan trọng.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao dẫn đến mức giá một số nhóm hàng hóa và dịch vụ tại Hải Phòng cao hơn so với các địa phương khác.

Năm 2021, mức độ đắt đỏ của địa phương đã giảm xuống còn 95,58%, xếp thứ 5 trên cả nước. Hầu hết các nhóm hàng của Hải Phòng đều thấp hơn Hà Nội từ 2,45%-17,06%.

Mức độ đắt đỏ của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thay đổi ra sao từ 2015 đến nay? - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đà Nẵng

Từ năm 2015 đến nay, Đà Nẵng luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành đắt đỏ nhất cả nước. Cụ thể, năm 2015, Đà Nẵng xếp thứ 9 với chỉ số SCOLI 96,44%. 3 năm sau đó, chỉ số SCOLI của Đà Nẵng tăng hơn 1,3 điểm phần trăm và vọt lên vị trí thứ 3 về mức giá đắt đỏ.

Năm 2019, tuy chỉ số của địa phương đã giảm nhưng vẫn duy trì ở hạng 3. Năm 2021, chỉ số SCOLI của thành phố đạt 98,4% và được xếp là địa phương có chi phí đắt thứ 4 trên cả nước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, mức giá của Đà Nẵng đứng ở vị trí cao do đây là một trong 5 thành phố lớn của Việt Nam, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; trung tâm văn hóa thể thao, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính, viễn thông và tài chính, ngân hàng.

Một số nhóm hàng của Đà Nẵng có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội: may mặc, mũ nón và giày dép bằng 89,07%; nhà ở và vật liệu xây dựng bằng 96,98%; bưu chính viễn thông bằng 90,08%. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội: Đồ uống và thuốc lá bằng 105,14%; thuốc và dịch vụ y tế bằng 100,25%; giao thông bằng 103,12%; giáo dục bằng 106,16%.

TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM)

TP. HCM cũng là nơi có mức giá, chi phí sinh hoạt khá cao và luôn nằm trong top 6. Năm 2015, chỉ số SCOLI của địa phương đạt 97,39%, đứng ở vị trí thứ 6, đây cũng là năm TP. HCM có xếp hạng thấp nhất.

Năm 2018, chỉ số SCOLI của TP.HCM vượt lên 101,47%, trở thành địa phương đắt đỏ nhất cả nước. Các năm sau đó, mức độ đắt đỏ của TP. HCM có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì lại địa phương đắt đỏ thứ 2 trên cả nước.

Năm 2021, TP. HCM được đánh giá là địa phương có mức giá đắt thứ 3 trên cả nước với chỉ số SCOLI 98,98%.

Một số nhóm hàng của TP. HCM có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội: May mặc, mũ nón và giày dép bằng 86,73%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,14%. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội: Đồ uống và thuốc lá bằng 111,38%; bưu chính viễn thông 112,63%; hàng hóa và dịch vụ khác 110,61%; giáo dục 113,27% chủ yếu do học phí ở các trường dân lập và dạy nghề cao hơn Hà Nội.

Cần Thơ

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ là thành phố có mức giá sinh hoạt thấp nhất. Năm 2015, Cần Thơ xếp thứ 28 trên cả nước với chỉ số SCOLI 92,14%. Năm 2019 là năm địa phương có mức giá đắt đỏ nhất với chỉ số 94,61%.

Tuy nhiên, mức độ đắt đỏ của Cần Thơ có xu hướng giảm dần từ năm 2019. Năm 2021, chỉ số SCOLI của Cần Thơ giảm còn hơn 93% và xếp thứ 28/63 tỉnh, thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại