Mục đích của Mỹ và Indonesia khi tổ chức cuộc tập trận chung lớn chưa từng có

Hồng Anh |

Giới phân tích cho rằng, cuộc tập trận nhấn mạnh quyết tâm của 2 nước trong việc tăng cường quan hệ hợp tác vốn đã bền chặt giữa lúc dịch Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế lớn tại Indonesia.

Binh sỹ Mỹ và binh sỹ Philippines trò chuyện trong giờ giải lao tại cuộc tập trận Lá chắn Garuda. Ảnh: Facebook

Binh sỹ Mỹ và binh sỹ Philippines trò chuyện trong giờ giải lao tại cuộc tập trận Lá chắn Garuda. Ảnh: Facebook

Quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Hơn 4.500 binh sỹ Mỹ và Indonesia đang tham gia cuộc tập trận kéo dài 2 tuần, tập trung nhiệm vụ bảo vệ các đảo của Indonesia. Giới phân tích cho rằng, cuộc tập trận nhấn mạnh quyết tâm của 2 nước trong việc tăng cường quan hệ hợp tác vốn đã bền chặt giữa lúc dịch Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế lớn tại Indonesia.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực thu hút các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua chuyến thăm khu vực của các thành viên cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong chuyến công du Đông Nam Á tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thăm Singapore, Philippines và Việt Nam. Tại Manila, Bộ trưởng Austin đã gặp Tổng thống Rodrigo Duterte và hai bên đã đồng ý gia hạn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) cho phép quân đội Mỹ đồn trú ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận. Thỏa thuận này đóng vai trò ngày càng quan trọng khi Mỹ đang tìm cách chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ thăm Việt Nam và Singapore trong tháng 8 này. Mục đích của chuyến thăm là nhằm tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế với hai đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tập trung ủng hộ các quy tắc quốc tế ở Biển Đông, nhấn mạnh vai trò của Mỹ với khu vực, mở rộng hợp tác an ninh. Trước đó vào tháng 5/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã trở thành quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Biden đến thăm Indonesia.

Theo giới phân tích, cuộc tập trận nói trên, nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận “Lá chắn Garuda” (Garuda Shield) do quân đội Indonesia và Mỹ tiến hành thường niên trong hơn một thập kỷ qua, cho thấy hai bên đang đầu tư sâu rộng hơn vào quan hệ hợp tác. “Lá chắn Garuda” được tiến hành từ năm 2009, nhưng năm nay diễn ra với quy mô lớn chưa từng có, kéo dài từ ngày 1 đến 14/8.

Cuộc tập trận diễn ra trên các đảo Sumatra, Sulawesi và Borneo của Indonesia. Mỹ điều động 2.282 binh sĩ, trong khi Indonesia điều động 2.246 lính. Nội dung tập trận là phòng thủ đảo, triển khai lực lượng đặc biệt, đổ bộ đường không và tập bắn đạn thật. Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia Andika Perkasa cho biết, cuộc tập trận này có rất nhiều ý nghĩa: “Điều quan trọng nhất là kết nối với những người bạn mới và xây dựng các mạng lưới, cũng như quan sát cách quân đội Mỹ huấn luyện”.

Nhận xét về cuộc tập trận “Lá chắn Garuda”, Tiến sỹ Natalie Sambhi, Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu Verve tại Perth, Australia cho rằng: “Trong những năm qua, số lượng binh sỹ tham gia ngày càng gia tăng. Tuy vậy, điều đáng chú ý là, cuộc tập trận năm nay diễn ra với quy mô lớn nhất, vào thời điểm mà dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, gây ra nhiều khó khăn và rủi ro lớn”.

Củng cố quan hệ song phương

Mục đích của Mỹ và Indonesia khi tổ chức cuộc tập trận chung lớn chưa từng có - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Retno Marsudi. Ảnh: AP

Cuộc tập trận chung giữa hai nước bắt đầu vào ngày 1/8 – cùng thời điểm Ngoại trưởng Retno Marsudi đến Mỹ trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày. Bà Retno Marsudi đã có các cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth của bang Illinois và Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Kurt Campbell.

Bà Retno cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với chương trình nghị sự tập trung vào nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19, hợp tác kinh tế, an ninh hàng hải và các vấn đề của ASEAN. Ông Blinken dự kiến sẽ tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong tuần này.

Sau cuộc gặp Ngoại trưởng Retno hồi đầu tuần, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington sẽ tặng 8 triệu liều vaccine Moderna và cung cấp thêm 30 triệu USD để giúp Indonesia trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nâng tổng số tiền hỗ trợ của Mỹ dành cho quốc gia Đông Nam Á này lên tới hơn 65 triệu USD kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Chuyên gia Natalie Sambhi đánh giá, chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Retno cho thấy Jakarta và Washington đang tìm cách thúc đẩy quan hệ song phương kéo dài 7 thập kỷ trong các lĩnh vực khác ngoài quốc phòng. “Đây là một phần trong nỗ lực của Indonesia nhằm tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác với chính quyền Biden, đặc biệt là trong lúc nước này rất cần sự hỗ trợ về y tế”.

Giữ lập trường trung lập

Các chuyến thăm nói trên cùng cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Indonesia diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang nỗ lực duy trì cách tiếp cận cân bằng với Mỹ và Trung Quốc. Sự cạnh tranh gay gắt giữa hai cường quốc này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc đụng độ lớn, buộc các nước Đông Nam Á phải chọn phe.

Dù có quan hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ song Indonesia luôn khẳng định rằng chính sách đối ngoại của nước này được phát triển dựa trên lợi ích quốc gia và Jakarta sẽ tiếp tục theo đuổi quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc – vốn là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Indonesia trong năm 2020.

“Quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia đã tiến thêm một chặng đường dài kể từ khi căng thẳng giữa hai nước leo thang liên quan đến vùng biển Natuna ở Biển Đông vào tháng 12/2019 và tháng 1/2020. Thông qua các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Indonesia, chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc và sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc trục vớt chiếc tàu ngầm Indonesia bị chìm ở Biển Java vào tháng 4 vừa qua, tôi cho rằng quan hệ 2 bên sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực”, ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức nghiên cứu Rand Corporation nhận xét.

Trước tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và sự cạnh tranh ngày càng tăng nhiệt giữa Mỹ và Trung Quốc, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã đưa ra những phản ứng khác nhau. Một số nước nghiêng về thỏa hiệp, một số nước lại nghiêng về đối đầu. Về phần mình, Indonesia tiếp tục giữ quan điểm trung lập trong khi chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại