Mức chi tiêu bình quân mỗi tháng của người Việt cho rượu, bia đã thay đổi ra sao trong 10 năm?

Giang Anh |

Theo khảo sát mức sống dân cư 2020 của Tổng cục Thống kê, trong năm 2020, trung bình một người Việt sẽ chi khoảng 26,7 nghìn đồng/tháng cho rượu, bia, tăng từ mức 14,9 nghìn đồng/tháng vào năm 2010.

Trong đó, mức chi tiêu bình quân của một người khu vực thành thị đã tăng từ 21,2 nghìn đồng/tháng vào năm 2010 lên mức 30 nghìn đồng/tháng vào năm 2020. Cùng với đó, mức chi tiêu bình quân của một người khu vực nông thôn đã tăng từ 12,3 nghìn đồng/tháng vào năm 2010 lên mức 24,8 nghìn đồng/tháng vào năm 2020.

Nếu xét theo nhóm thu nhập, mức chi tiêu bình quân cho rượu, bia của nhóm giàu nhất đã tăng từ 31,5 nghìn đồng/người/tháng vào năm 2010 lên mức 44,3 nghìn đồng/người/tháng vào năm 2020. Trong khi đó, mức chi bình quân cho rượu, bia của nhóm nghèo nhất trong năm 2020 là 15,3 nghìn đồng/người/tháng, tăng từ mức 6,5 nghìn đồng/người/tháng năm 2010.

Theo Tổng cục Thống kê, khái niệm "5 nhóm thu nhập" là tổng số nhân khẩu điều tra được sắp xếp theo mức thu nhập bình quân đầu người từ thấp đến cao, sau đó chia thành 5 nhóm với số nhân khẩu bằng nhau (mỗi nhóm 20% số nhân khẩu), bao gồm:

- Nhóm 1: nhóm có thu nhập thấp nhất (nhóm nghèo nhất);

- Nhóm 2: nhóm có thu nhập dưới trung bình;

- Nhóm 3: nhóm có thu nhập trung bình;

- Nhóm 4: nhóm có thu nhập khá;

- Nhóm 5: nhóm có thu nhập cao nhất (nhóm giàu nhất).

 Mức chi tiêu bình quân mỗi tháng của người Việt cho rượu, bia đã thay đổi ra sao trong 10 năm?  - Ảnh 1.

Mức chi tiêu bình quân mỗi tháng cho rượu, bia của một người Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Nguồn: TCTK

Nếu chia theo vùng kinh tế, người dân ở vùng Đông Nam Bộ có mức chi tiêu bình quân cho rượu, bia cao nhất trong 6 vùng kinh tế. Cụ thể, trong năm 2020, trung bình một người dân ở khu vực Đông Nam Bộ sẽ chi khoảng 34,1 nghìn đồng/tháng cho rượu, bia, tăng khoảng 23,5% so với mức 6,8 nghìn đồng/tháng vào năm 2010.

Sau khu vực Đông Nam Bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có mức chi chi tiêu bình quân cho rượu, bia cao thứ hai. Theo đó, mức chi tiêu trung bình cho rượu, bia của một người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng từ 10,6 nghìn đồng/tháng năm 2010 lên mức 29,9 nghìn đồng/tháng vào năm 2020.

Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là nơi có mức chi tiêu bình quân cho rượu, bia cao thứ ba trong số 6 vùng kinh tế. Cụ thể, trong năm 2020, trung bình một người dân ở khu vực này chi khoảng 26,7 nghìn đồng/tháng cho rượu, bia, tăng từ mức 13,6 nghìn đồng/tháng vào năm 2010.

Cũng trong giai đoạn này, mức chi tiêu bình quân cho rượu, bia của khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc trong năm 2020 lần lượt là 24,1 nghìn đồng/người/tháng, 24 nghìn đồng/người/tháng và 18,5 nghìn đồng/người/tháng.

Lượng tiêu thụ rượu, bia của Việt Nam xếp thứ bao nhiêu thế giới?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức tiêu thụ rượu bia đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Số liệu Báo cáo toàn cầu năm 2018 ghi nhận, mức tiêu thụ rượu bia bình quân trên người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít/người năm 2018.

Con số này cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít/người. Số lượng tiêu thụ như trên đã đưa Việt Nam vào top 2 ở khu vực Đông Nam Á, top 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.

Còn theo dữ liệu từ Kirin Holdings (Nhật Bản), thế giới tiêu thụ tổng cộng 177 triệu kilô lít bia trong năm 2020 (1 kilô lít tương đương 1.000 lít). Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đứng số 1 với hơn 36 triệu kilô lít bia được tiêu thụ trong năm 2020, chiếm khoảng 23% tổng lượng bia được tiêu thụ toàn cầu.

Theo sau là Mỹ với 24 triệu kilô lít bia tiêu thụ trong năm 2020, chiếm 13,6% toàn cầu. Không chỉ uống bia, Mỹ cũng là nước sản xuất bia lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về lượng bia tiêu thụ với hơn 3,8 triệu kilô lít trong năm 2020, chiếm 2,2% toàn cầu.

Trong khi đó, khảo sát mức sống dân cư 2020 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, lượng tiêu thụ rượu, bia của người dân có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2010 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020.

Trong đó, lượng tiêu thụ rượu, bia của khu vực thành thị đã tăng từ 1,01 lit/người/tháng vào năm 2010 lên mức 1,17 lit/người/tháng vào năm 2020. Cùng với đó, lượng tiêu thụ rượu, bia của khu vực nông thôn đã tăng từ 0,91 lit/người/tháng vào năm 2010 lên mức 1,38 lit/người/tháng vào năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại