A Súa sinh ra và lớn lên ở một bản người Mông heo hút trên núi cao của huyện Mường Nhé (Điện Biên), những người như A Súa từ nhỏ chỉ biết theo mẹ cha lên rẫy trồng ngô, trồng lúa nương; hết vụ lại vào rừng hái măng đắng, tìm rau dại, bẫy thú,… nên không được đi học, không biết con chữ có hình dạng thế nào. Cũng vì không biết chữ và am hiểu pháp luật nên mặc dù đã lên chức ông nội nhưng A Súa vẫn bị các đối tượng xấu lôi kéo, rủ rê rồi phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy .
“Lúc mới vào trại giam, cán bộ quản giáo bảo mình viết tên, tuổi và quê quán nhưng mình không biết viết thế nào vì mình có đi học cái chữ ngày nào đâu. Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ thấy thế mới động viên và tạo điều kiện cho mình tham gia lớp “Xóa mù chữ” của trại”, A Súa nói.
Ngồi cạnh A Súa, phạm nhân Vàng A Sáng (45 tuổi, huyện Mường Nhé, Điện Biên) đang chấp hành án tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, cũng đang 'ê, a' tập đánh vần. A Sáng cho biết trước đây ở nhà không được đi học, không biết chữ, không biết phân biệt cái sai, cái đúng nên sa chân vào con đường tội lỗi.
Sau khi vào trại, A Sáng được Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ tạo điều kiện cho tham gia lớp “Xóa mù chữ” để khi biết chữ, có thể viết thư về nhà.
“Bố mẹ tôi lên thăm mới chảy nước mắt, bảo sao trước nay ở nhà, con không biết chữ mà bây giờ đi vào trại giam lại biết viết thư về cho bố mẹ , như thế này là bố mẹ mừng lắm rồi. Con cố gắng cải tạo và học tập tốt, nghe lời các cán bộ quản giáo để được sớm về với bố mẹ và vợ con. Tôi nghe thế vui mừng và phấn khởi lắm”, A Sáng kể.
Năng nổ nhất trong lớp “Xóa mù chữ” có lẽ là phạm nhân Sùng A Páo (30 tuổi, bản Thông Ằng, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), đang chấp hành án tù chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
A Páo tâm sự, sau khi chia tay vợ, một mình A Páo gồng gánh nuôi 4 đứa con, trong đó con đầu năm nay 15 tuổi. Do không có việc làm ổn định, không biết chữ nên Páo làm liều, đi mua bán trái phép chất ma túy và giờ đang phải trả giá đắt cho tội lỗi của mình.
“Lúc mới bị bắt em khóc suốt đêm , không biết các con ở nhà có biết tự bảo ban nhau ăn uống không. Nhiều lúc, em muốn dặn chúng nó phải nghe lời bác và bà nội, chịu khó học hành để sau này có công việc, không bước theo sai lầm của bố…Nhưng em không thể nào nói được với con nên chỉ biết nằm khóc ướt gối”, A Páo nói.
Biết chuyện của A Páo, tháng 9/2022, Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ trại giam Yên Hạ đã động viên tinh thần, rồi tạo điều kiện để Páo tham gia lớp “Xóa mù chữ”. Từ đó, tinh thần của A Páo ngày càng tích cực, hăng say học tập và cải tạo hơn.
Chia sẻ về lớp “Xóa mù chữ”, giáo viên Chu Thị Thu (27 tuổi) bày tỏ: “Đây có lẽ là lớp học đặc biệt dành cho những học sinh đặc biệt nhất. Học sinh trong lớp chủ yếu là phạm nhân người đồng bào dân tộc thiểu số như Hơ Mông, Thái, Mường,…trình độ hiểu biết thấp, nhiều người không biết tiếng phổ thông nên việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn”.
Đồng thời, nhiều phạm nhân tuổi đã cao nên trí nhớ kém, học trước quên sau. Tâm lý của họ cũng khá bất ổn. Để khắc phục tình trạng này, Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ của trại giam đã đưa ra phương án là tận dụng chính phạm nhân để kèm bài cho phạm nhân. Theo đó, phạm nhân biết tiếng phổ thông mà học tốt sẽ kèm dạy chữ cho những phạm nhân không biết tiếng phổ thông học chậm. Nhờ đó, học sinh không chỉ được xóa “mù chữ”, mà còn còn biết cả tiếng phổ thông.
Chia sẻ về lớp “Xóa mù chữ”, Đại uý Chử Thị Hồng, Đội Giáo dục trại giam Yên Hạ cho biết, đối với những phạm nhân đã có tuổi thì việc giáo dục, cảm hoá họ học tập lúc đầu gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, nhờ sự nỗ lực, kiên trì và kết hợp của cán bộ, chiến sĩ trại giam Yên Hạ, nhiều phạm nhân sau khi hoàn thành lớp “Xoá mù chữ” giai đoạn một đã biết viết, biết đọc, chủ động mượn sách, báo của trại giam để đọc.
Cũng theo Đại úy Hồng, niềm vui của những người giảng dạy như cô chính là thấy các phạm nhân biết đọc, biết viết. Thậm chí, mỗi dịp đặc biệt có học sinh còn viết thư cảm ơn cô giáo. Đại úy Hồng nói rằng, trong công tác giảng dạy, bình thường giáo viên luôn phải quan tâm đến tâm tư, tình cảm của học sinh, thì tại trại giam, giáo viên lại càng phải quan tâm học sinh hơn nữa. Bởi nếu phạm nhân vui thì cần động viên, khuyến khích họ tiếp tục học tập thật tốt , còn nếu họ buồn thì cần động viên và tâm sự.
“Khi vào đây, phạm nhân thường có tâm lý nhớ nhà nên chúng tôi thường động viên họ rằng, cố học đọc, học viết để gửi thư về cho gia đình. Ai không viết thạo thì cán bộ quản giáo sửa chính tả giúp để phạm nhân có bức thư hoàn chỉnh. Nhờ thế mà phạm nhân phấn khởi lắm”, Đại úy Chử Thị Hồng chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Chi An - Đội trưởng Đội Giáo dục trại giam Yên Hạ chia sẻ, từ những phạm nhân đầu tiên được xoá mù chữ cách đây hơn 10 năm, mô hình “Xóa mù chữ” của trại ngày càng được nhân rộng và hiện có lớp “Xoá mù chữ” tại trại.
Để tổ chức các lớp học, trại giam Yên Hạ đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên trong việc hỗ trợ về chuyên môn và ra đề kiểm tra chất lượng của lớp học.
Trung tá An cho biết, hiện trại giam Yên Hạ có khoảng 500 phạm nhân không biết chữ. Mỗi năm, đơn vị tổ chức 2 lớp “Xoá mù chữ”, mỗi lớp 35 phạm nhân, thời gian học kéo dài 9 tháng. "Để đạt được hiệu quả tốt, chúng tôi sẽ chọn lọc phạm nhân, những người sắp hết thời gian chấp hành án sẽ được học trước. Đối với những phạm nhân án chung thân, chúng tôi cũng hết sức quan tâm và tạo điều kiện để họ học tập bởi những người này ở trại rất lâu", Trung tá An nói.
Chia sẻ về Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ trại giam Yên Hạ, phạm nhân Vàng A Sáng rưng rưng bày tỏ:“Đọc được con chữ, tôi mới biết sau này mình phải tránh, không được làm theo cái sai và phải học tập theo cái đúng như sách báo trong hội trường trại giam dạy. Tôi xin thay mặt anh em phạm nhân cảm ơn Đảng, Nhà nước và Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ trại giam, đã tạo điều kiện cho phạm nhân chúng tôi được đi học, được biết điều hay, lẽ phải trên đời”.
Phạm nhân Thào A Súa thì vừa cầm bút viết nguệch ngoạc tên của mình lên trang vở ô ly vừa nói: “Cái bụng của Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ trại giam Yên Hạ tốt lắm, chỉ mình đánh vần, dạy mình viết chữ o thì tròn như quả trứng gà rừng, chữ ô thì có thêm cái mũ, còn chữ ơ thì có râu như già làng. Càng học, mình càng thấy sáng cái bụng ra, thấy không còn sợ khi cầm quyển sách, tờ báo. Mình sẽ cố gắng cải tạo và học tập thật tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm được về với bà con của bản. Đến lúc ấy, mình sẽ xin sách báo của trại mang về để đọc truyện cho các con, các cháu của mình nghe. Tết này mình đã viết được tên của mình rồi cán bộ ạ”...
Còn Sùng A Páo xúc động bảo: “Hôm vừa rồi con em và mẹ em lên thăm. Con em nó dặn bố phải cố học lấy con chữ để viết thư về cho anh em chúng con, để đọc được sách, báo cho đỡ buồn, rồi bố con chỉ biết nhìn nhau mà khóc .
Giá như ngày trước em biết chữ, biết viết tên mình như ở trại giam Yên Hạ, em hiểu biết về pháp luật thì cuộc đời của em và các con em sẽ không như thế này. Hi vọng những người ngoài xã hội sẽ chăm chỉ học tập, trau dồi tri thức, tuân thủ pháp luật, sống có ích cho xã hội, đừng lầm đường lạc bước như những phạm nhân như em…”