Tục thờ Thần Tài xuất xứ từ Trung Quốc, du nhập về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20. Vào ngày này, nhiều người, nhiều gia đình, đặc biệt là người làm kinh doanh sẽ mua vàng với mong muốn tài lộc như ý quanh năm.
Theo Nhà nghiên cứu văn hoá phương Đông Nguyễn Quang Minh, việc mua vàng vào ngày 10 tháng Giêng còn mang ý nghĩa khác. Theo học thuật truyền thống, trong 10 ngày đầu năm mới thì ngày 10 thường là ngày kết quả, ngày khóa của 10 ngày, là ngày của Mẫu. Ngày 9 là ngày của Cha, số trong Lạc Thư là số 9 - số dương và số 10 là số âm là số Mẹ. Mẹ là đất, sản sinh ra vạn vật.
“Đất mẹ còn biểu trưng cho mộ khố, tức là ngày mùng 10 mua được thì mới giữ được còn ngày mùng 9 là ngày tiến công, là ngày bỏ ra. Trong đầu tư thì mua ngày mùng 9. Nhưng mà nếu như muốn bỏ ra và thu giữ được thì người xưa hay chọn mua trong ngày mùng 10”, chuyên gia cho biết thêm.
Về mặt ngũ hành thì mùa xuân thuộc Mộc, vàng thuộc Kim. Kim, Mộc khắc nhau. Tuy nhiên, như đã đề cập, ngày mùng 10 là ngày đất mẹ, Thổ sinh Kim, do đó chỉ có ngày này là ngày duy nhất mà không xung đột giữa Kim Mộc hay các cái ngũ hành khác. Cũng theo chuyên gia, kim hiểu theo nghĩa hẹp có nghĩa là tiền vàng, dù là Mộc, Thuỷ, Hoả hay Thổ thì cũng đều cần Kim.
Bên cạnh đó, trong ngày 10, chúng ta không nhất thiết phải mua vàng, mà có thể bán vàng. Mua hay bán vàng đều được coi là các động thái liên quan đến Kim. Ngoài ra nếu chỉ mua cầu may thì không cần mua số lượng nhiều. Bởi mua nhiều hay ít thì cũng đều là liên quan đến Kim. Việc mua vàng là thể hiện ước vọng và tạo động lực phát triển trong năm mới. Do đó chúng ta cũng không nên biến tướng, làm mất đi ý nghĩa của nét đẹp ngày xuân đã có từ lâu.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Quang Minh, một trong số các học thuật mà mang tính dân gian của người Á Đông, đó là người ta hay dùng một cái miếng vải sa tanh màu vàng, gói miếng vàng vào trong, sau đó mới cho vào két. Điều này mang đến sự tương tác giữa Thổ - Kim, giúp giữ được cái bền vững và kết quả lao động của chúng ta.