Vàng được các nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ hỗn loạn và là hàng rào chống lại sự mất giá của tiền tệ. Do đó, các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine, cùng với lạm phát tăng vọt hậu Covid, đã giúp đẩy giá vàng tăng lên gần đây.
Trong đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) nổi lên là một khách hàng mua vàng rầm rộ nhất.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), PBC đã tăng cường bổ sung vàng vào kho dự trữ trong 16 tháng liên tiếp. Năm 2023, PBC đã mua nhiều vàng hơn tất cả các ngân hàng trung ương khác.
Theo WGC, Trung Quốc mua 225 tấn vàng vào năm ngoái, chiếm 1/4 trong số 1.037 tấn mà tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua. Chỉ riêng trong tháng 1 và tháng 2, PBC đã tăng dự trữ vàng thêm 22 tấn. Ngân hàng trung ương Trung Quốc hiện giữ khoảng 2.257 tấn vàng trong kho.
Cũng như PBC, người tiêu dùng Trung Quốc mua tiền vàng, thỏi vàng, và trang sức vàng khi bất động sản, đồng nhân dân tệ và thị trường chứng khoán nước này suy giảm vì khó khăn kinh tế.
Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào đồng đô la Mỹ để giao dịch với phần còn lại của thế giới. Là đồng tiền dự trữ của thế giới, hầu hết hàng hóa đều được định giá bằng đô la và hơn một nửa giao dịch trên thế giới được thực hiện bằng đồng bạc xanh.
Trong quá trình phát triển và thách thức sự thống trị kinh tế của Mỹ trong 30 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng được nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ, chủ yếu bằng đô la. Nhưng Bắc Kinh lo ngại họ đã trở nên quá phụ thuộc vào đồng bạc xanh và muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ của PBC.
Theo dữ liệu của Mỹ, Trung Quốc đang giảm dần lượng nắm giữ đô la, vốn đã giảm 1/3 kể từ năm 2011 xuống còn khoảng 800 tỷ USD. Mức sụt giảm đã tăng tốc kể từ đại dịch COVID-19.
Mục tiêu đa dạng hóa của Trung Quốc tương đồng với mục tiêu của các quốc gia khác trong nhóm BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) – khối được dự báo là sẽ dẫn đầu kinh tế toàn cầu vào năm 2050.
BRICS thậm chí còn đưa ra ý tưởng về một loại tiền tệ chung trong tương lai. Điều này có thể thách thức vị thế của đồng đô là với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Các quốc gia BRICS lo ngại về việc Washington vũ khí hóa đồng đô la để duy trì vị thế kinh tế và địa chính trị toàn cầu của mình. Vị thế của đồng đô la cho phép Mỹ vay tiền với chi phí thấp hơn nhiều. Washington cũng có thể sử dụng đồng tiền này như một công cụ ngoại giao, chẳng hạn như khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, Iran và Triều Tiên.
Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra tháng 2/2022, Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt một số đợt trừng phạt đối với Moscow, bao gồm đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga.
Dưới áp lực của Mỹ, hầu hết các ngân hàng Nga cũng bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
John Reade, chiến lược gia trưởng tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận định: “Tôi nghĩ các lệnh trừng phạt đã khiến nhiều ngân hàng trung ương suy xét cẩn trọng về thứ mà họ dự trữ”. Trung Quốc lo ngại rằng nước này có thể phải đối mặt với những biện pháp kiềm chế tương tự của Mỹ nếu cuộc cạnh tranh thương mại với Washington trở nên gay gắt hơn.
Nhà phân tích của Hội đồng Vàng Thế giới kỳ vọng làn sóng mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong vài năm nữa, một tín hiệu cho thấy công cuộc đa dạng hóa còn lâu mới kết thúc.
Ngay cả sau gần 18 tháng mua vào, vàng chỉ chiếm khoảng 4% tổng dự trữ của PBC. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với ngưỡng dự trữ của ngân hàng trung ương tại các nước phát triển.
Nhiều nhà phân tích vàng cho rằng giá kim loại quý này đã bị các nhà đầu cơ thổi phồng quá mức, và nhu cầu liên tục của các ngân hàng trung ương như Trung Quốc có thể không đẩy giá lên cao hơn nhiều.
Theo DW