"Mùa sưu thuế kinh hãi" ở Hậu Lộc: Người dân có thể khởi kiện?

Hoàng Đan |

Theo các luật sư, khi người dân không hoàn thành các khoản của "mùa sưu thuế kinh hãi" mà chính quyền địa phương không xác nhận giấy tờ, tiến hành cắt điện là trái pháp luật.

"Cục nợ đáng ghét" - cái "ách tròng cổ" người dân

Liên quan đến thông tin "mùa sưu thuế kinh hãi" ở các xã Hải Lộc, Hưng Lộc của huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Công Út (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ:

"Việc chính quyền địa phương vì nôn nóng mà tận thu một cách triệt để như vậy thì rõ ràng đang có sự tái hiện tình trạng sưu cao thuế nặng, đè đầu cưỡi cổ người dân với những khoản thu chi không đúng hoặc không cần thiết.

Điều này, có thể đẩy người dân nghèo ở địa phương đến chỗ đường cùng, không chốn nương thân khi việc huy động đóng góp tài chính đó của địa phương mang tính bắt buộc, cưỡng ép với các biện pháp chế tài hà khắc do chính quyền địa phương tự đặt ra".

Mùa sưu thuế kinh hãi ở Hậu Lộc: Người dân có thể khởi kiện? - Ảnh 1.

Bảng kê các khoản đóng góp của một hộ dân vào năm 2013 tại thôn Thái Hòa xã Hưng Lộc.

Người dân thôn Thái Hòa, Hưng Lộc cho biết, họ có một sổ theo dõi thu các khoản đóng hàng năm và để có sổ này, mỗi gia đình phải bỏ tiền mua. 

Tại điều thứ 4 ở bìa sau cuốn sổ nêu rõ: "Khi giao dịch với UBND xã gia đình mang kèm theo sổ này để tập thể theo dõi trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ công dân của gia đình đối với nhà nước".

Về thông tin này, luật sư Út cho hay, "cục nợ đáng ghét" này chính là "cái ách để tròng vào cổ người dân" trong trường hợp họ không có khả năng đóng góp tài chính, hoặc có khả năng nhưng không tự nguyện chấp hành.

Nó hạn chế các quyền dân sự, các quyền nhân thân, quyền con người mà Hiến pháp và pháp luật bảo hộ đối với công dân.

"Vì các giao dịch dân sự, giao dịch hành chính không quy định các điều khoản nào về nghĩa vụ phải thi hành xong các loại sưu thuế của thôn, xã.

Nên việc buộc các hộ dân trong xã Hưng Lộc phải mua "cái ách" này để tự tròng vào cổ mình là quy định mang tính áp đặt, cưỡng bức người dân của ủy ban nhân dân xã và nó hoàn toàn trái pháp luật. Chính quyền địa phương cần phải chấm dứt ngay việc làm phi pháp này.

Tôi cũng đề nghị, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp tỉnh, thậm chí cấp Trung ương cần phải chỉnh đốn các hình thức áp đặt phi pháp này của chính quyền thôn xã đối với người dân như thế", luật sư Út nêu rõ.

Còn luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng VP Luật sư Toàn Cầu, Hà Nội) cũng nêu rõ, UBND cấp xã là cơ quan quản lý hành chính ở địa phương.

Mùa sưu thuế kinh hãi ở Hậu Lộc: Người dân có thể khởi kiện? - Ảnh 2.

Luật sư Lê Văn Thiệp.

Theo quy định của pháp luật, thì UBND xã có trách nhiệm xác nhận các giấy tờ cần thiết cho công dân trên địa bàn mình quản lý khi có yêu cầu.

"Việc UBND xã bắt người dân phải mua sổ này và chỉ xác nhận, đóng dấu các văn bản giấy tờ cho người dân khi mang theo cuốn sổ thu đã đóng góp đầy đủ là hành vi áp đặt, ngang ngược hoàn toàn trái pháp luật của chính quyền địa phương", luật sư Thiệp nêu rõ.

Người dân có thể khởi kiện

Theo người dân phản ánh, để thúc thu với các gia đình khó khăn chưa đóng góp ngay thì chính quyền sẽ cử đoàn công tác đặc biệt đến... vận động và sau đó là dọa nạt. Chưa kể dù tiền điện thu riêng nhưng khi không hoàn thành các khoản thu khác đã có gia đình bị cắt điện.

Đối với thông tin này, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, nếu đúng như phản ánh của người dân thì hành động này của chính quyền địa phương là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Luật sư Thiệp cũng cho hay, chính quyền địa phương, khi tiến hành thu bất cứ khoản nào cũng phải căn cứ trên các quy định của pháp luật, phải công khai, rõ ràng.

Còn đối với các khoản thu tự nguyện thì phải tiến hành họp người dân để bàn bạc, xin ý kiến rõ ràng, sau khi có sự đồng thuận, nhất trí thì việc thu phải công khai, minh bạch, đúng với tinh thần tự nguyện.

"Việc không vận động được thì chuyển sang dọa nạt để thu các khoản đóng góp là hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Thêm vào đó, việc cung cấp điện là dựa trên hợp đồng dân sự giữa đơn vị cung cấp điện và người dân.

Do đó, khi người dân không hoàn thành các khoản thu mà chính quyền địa phương tiến hành cắt điện của gia đình đó là trái pháp luật.

Người dân hoàn toàn có quyền tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền cấp trên và khởi kiện chính quyền địa phương ra tòa, nếu có hành vi trái pháp luật như vậy", luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, với các phản ánh về tình trạng "sưu thuế kinh hãi" của người dân xã Hải Lộc, Hưng Lộc của Hậu Lộc mà báo Trí Thức Trẻ phản ánh, tỉnh đã giao Sở Tài chính làm việc với huyện Hậu Lộc.

Quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện có sai phạm.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại