Múa rối nước được trình diễn trên sân khấu thực cảnh

Gia Linh |

Nhiều khán giả tỏ ra thích thú khi được thưởng thức nghệ thuật múa rối nước ở sân khấu thực cảnh.

Múa rối là loại hình nghệ thuật phổ biến và có ở nhiều nước trên thế giới tuy nhiên chỉ ở Việt Nam mới có loại hình múa rối nước. Và lần đầu tiên loại hình nghệ thuật này được mang ra khỏi nhà hát, trình diễn trên sân khấu thực cảnh ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.

Có nhiều câu chuyện nói về nguồn gốc của nghề múa rối nước nhưng đối với những người con của vùng đất chùa Thầy thì ông Tổ của nghề múa rối nước chính là thiền sư Từ Đạo Hạnh - người đã sáng lập nên chùa Thầy.

Múa rối nước được trình diễn trên sân khấu thực cảnh - Ảnh 1.

Một trích đoạn múa rối trên sân khấu thực cảnh.

Trên mặt hồ có diện tích 4.300 m2, một nhà thủy đình được xây dựng mô phỏng Thủy Đình trong chùa Thầy, cùng những lũy tre làng và xa xa là ngọn núi Thầy... đã tạo nên một sân khấu múa rối nước độc đáo. 

Nghệ nhân trình diễn là những người con Sài Sơn mang cả tình yêu để truyền tải những trích đoạn rối nước một cách sáng tạo, hóm hỉnh. Âm nhạc gồm tiếng mõ, tiếng sáo réo rắt, nghe hay và chân thực hơn trong không gian rộng lớn.

Trong suất diễn ra mắt mới đây, các nghệ nhân gửi đến khán giả một số trích đoạn tiêu biểu như Chú Tễu, Múa rồng, Đánh cá, Múa rồng, Múa phượng... Ở phần giã màn, khi giai điệu dân ca quan họ "Người ở đừng về" vang lên, người xem đồng loạt vỗ tay.

Nhiều khán giả còn hú hét để bày tỏ sự trân trọng, ngưỡng mộ khi thấy các nghệ sĩ ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ giữa cái lạnh rét và mưa phùn của mùa đông Hà Nội.

Múa rối nước được trình diễn trên sân khấu thực cảnh - Ảnh 2.

Các nghệ sĩ ngâm mình dưới nước hàng giờ để mang đến những tiết mục đặc sức cho người xem.

Sân khấu mặt nước này cũng là nơi tái hiện cuộc sống làng quê Việt Nam trong vở diễn thực cảnh "Tinh Hoa Bắc Bộ". "Tinh Hoa Bắc Bộ" là câu chuyện kể thiên nhiên và đời sống tinh thần phong phú của con người đất Việt. 

Dựa trên cốt truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, vở diễn lần lượt đi qua 6 phân cảnh: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui và Ngày hội. Với sự tham gia của hơn 250 diễn viên trong đó hơn 150 nghệ sĩ biểu diễn là nông dân địa phương, vở thực cảnh được CNN bình chọn là "vở diễn đến Hà Nội nhất định phải xem".

Múa rối nước được trình diễn trên sân khấu thực cảnh - Ảnh 3.

Sân khấu hát xẩm, ca trù.

Ngoài sân khấu mặt hồ với các vở diễn múa rối nước, thực cảnh Tinh hoa bắc bộ, còn có một sân khấu khác dành cho ca trù và xẩm cùng không gian ẩm thực phong phú và đa dạng.














Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại