Mấy năm gần đây khi về nơi mình sinh ra và lớn lên, tôi luôn không tin nổi khi thấy nạn tắc đường - vốn chỉ là vấn đề của các đô thị lớn nhất nước như Hà Nội, TP.HCM - cũng xuất hiện ở vài trục đường tại thành phố tỉnh lỵ miền Trung này. Góp phần gây ùn tắc có khá nhiều bạn bè, hàng xóm, người quen của tôi, những người tôi biết rõ là có phạm vi di chuyển rất hẹp, hằng ngày dù đi làm, đón con, mua sắm hay gặp gỡ bạn bè thì cũng chỉ trong vòng 2-4 km. Ở thành phố quê tôi, đường sá trong các khu dân cư khá rộng và thoáng nay đỗ kín xe hơi vì hầu như nhà nào cũng phải mua “4 bánh”.
Những lần hẹn bạn bè hàn huyên ở một quán cà phê quen thuộc, tôi đi bộ nhưng luôn đến trước và chờ mỏi cổ, lý do là các cô bạn tôi đi ô tô. Tôi hỏi quán cách nhà có vài cây số sao không chạy xe máy cho nhanh, đỡ mất thời gian loay hoay đánh xe ra, đánh xe vào, chưa kể khi đường đông thì đi chậm đến sốt ruột, và nhận câu trả lời gây sốc: “ Khách đến quán này toàn đi ô tô, mình chạy xe máy cứ hèn hèn”. Cũng trong các buổi hẹn cà phê ấy, tôi gặp nhiều người quen đang đánh xe tìm chỗ đỗ, nhà họ đều rất gần, lý do đi ô tô chắc cũng giống cô bạn tôi.
Cảnh ùn tắc giao thông tại TP Vinh, Nghệ An. (Ảnh: Lộc Trần)
Mua xe hơi để đưa đón con đi học cho đỡ mưa nắng, để về quê nội ngoại cho chủ động, để tạo niềm tin cho đối tác khi quan hệ làm ăn… là những lý do được đưa ra để chứng minh sự cần thiết phải tậu xe 4 bánh. Tuy nhiên, thực tế sử dụng của nhiều người cho thấy họ chỉ đang “giải quyết khâu oai”, khi chiếc xe được xem là tiêu chuẩn của sự thành công về tài chính, hay là thước đo để phân định giàu nghèo.
Phải chăng đó cũng là một trong các lý do có những tỉnh nghèo đứng hàng đầu về mua sắm ô tô? Như Nghệ An chẳng hạn, là một trong 10 tỉnh có nhiều hộ nghèo nhất nước nhưng mấy năm qua lại có con số ô tô đăng ký mới đứng trong top đầu. Năm 2021, có hơn 24 nghìn ô tô cá nhân từ 9 chỗ trở xuống do người dân mua và đăng kiểm lần đầu tại tỉnh này, xếp thứ tư của cả nước. Năm 2022, tỉnh có hơn 27 nghìn ô tô đăng ký mới.
Tất nhiên, tỉnh nghèo không có nghĩa là dân đều nghèo, và xã hội càng phát triển thì nhu cầu đi lại càng cao, nhưng không thể phủ nhận thực tế rất nhiều gia đình mua xe chỉ vì “nhà họ có thì nhà mình cũng phải có”. Nhiều người vay ngân hàng hoặc bạn bè để mua, mỗi năm lại tốn phí kha khá cho bảo hiểm, đăng kiểm, bảo dưỡng, khấu hao xe… nhưng sau một thời gian lại để xe phủ bụi góc sân vì ít khi đi đâu xa, đi gần thì bất tiện, tốn tiền xăng. Những người khác sử dụng thường xuyên nhưng chỉ để di chuyển những chặng đường ngắn như đi chợ, đi nhậu, đưa con đi học… thì gây tắc đường, lãng phí thời gian, tiền bạc như đã nói ở trên.
Đã có thời, “lên xe xuống ngựa” là dấu hiệu của cuộc sống sang quý, nhưng ngày nay, người sống sang thật sự sẽ chỉ coi chiếc xe đơn thuần là phương tiện đi lại, cần sử dụng sao cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu. Cắn răng mua xe chỉ để đi vài cây số thì chẳng khác gì mua dây buộc mình, gia tăng áp lực và gánh nặng cho cả bản thân, môi trường và xã hội.