Theo phương án phê duyệt giá bán tạm tính đối với nước sạch sông Đuống tại văn bản số 3310/UBND-KT, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận giá bán tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án này.
Theo đó, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế GTGT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Đường ống dẫn nước sạch qua sông Hồng của công ty nước mặt sông Đuống. Ảnh: Báo Hà Nội mới
Trước đó, ngày 30/6/2017, liên Sở Tài chính - Xây dựng đã có tờ trình số 4158/TTLS: TC-XD lên UBND TP đề xuất mức giá bán nước sạch với giá cao 10.246 đồng/m3.
Tuy nhiên, với giá bán cao ngất ngưởng nói trên, dù là tạm tính, các đơn vị tiếp nhận nguồn nước sạch sông Đuống để kinh doanh đã lên tiếng về việc không đủ nguồn lực tài chính để mua nước với giá 10.246 đồng/m3 mà công ty CP nước mặt sông Đuống "chào hàng".
Cụ thể, ngày 8/10/2018, Sở Tài chính Hà Nội có văn bản yêu cầu công ty CP nước mặt sông Đuống thỏa thuận giá bán buôn với các đơn vị bán lẻ theo quy định tại khoản 4 điều 54 nghị định số 117/2007/NĐ-CP. Trường hợp các đơn vị không thống nhất thì Sở Tài chính sẽ tổ chức hiệp thương.
Công ty nước mặt sông Đuống đã làm việc và thực hiện ký thỏa thuận hợp đồng cung cấp nước và công tác đấu nối với các đơn vị cấp nước, bao gồm công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội, công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội. Giá bán buôn được “chào hàng” là 10.246 đồng/m3.
Cả 2 đơn vị kinh doanh nước sạch nói trên đều có văn bản đưa ý kiến, mức giá sông Đuống đưa ra là quá cao, không đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.
Một lần nữa, công ty nước mặt sông Đuống lại có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận phê duyệt phương án giá bán nước sạch tạm thời theo văn bản số 3310 ngày 6/7/2017 của UBND TP để từ tháng 12/2018, các đơn vị có cơ sở tiếp nhận nguồn nước từ nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, giá bán nước sạch bình quân của công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội cho người dân chỉ hơn 9.700 đồng/m3. Nếu tính tỉ lệ thu tiền nước chỉ đạt 81%, giá bán nước sạch sau khi trừ tỉ lệ hao hụt chỉ còn hơn 7.900 đồng/m3.
Nếu phải mua nước từ nhà máy nước mặt sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3, mức nước tiêu thụ khoảng 80.000m3/ngày đêm, tương đương 29,2 triệu m3/năm và với giá mua, bán như trên, công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội sẽ "lỗ" hơn 190 tỉ đồng/năm.
Tương tự, công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội cũng sẽ "lỗ" gần 60 tỉ đồng/năm khi mua nước của nhà máy nước mặt Sông Đuống với giá trên.
Lấy ngân sách bù giá mua nước
Ngày 27/12/2018, liên ngành Tài chính - Xây dựng - công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội, công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội, công ty nước mặt sông Đuống có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán nước của nhà máy nước mặt sông Đuống cho các đơn vị là 7.700 đồng/m3.
Sự cố nước sạch sông Đà vào đầu tháng 10/2019 khiến người dân quan tâm hơn đến vấn đề nước sạch |
Phần chênh lệch với mức giá tạm tính là 10.246 đồng/m3 nước sạch sông Đuống, liên ngành TP Hà Nội đề xuất phương án cấp… bù lỗ cho 2 đơn vị mua nước của công ty nước mặt sông Đuống đồng thời… bù lỗ cho chính đơn vị sản xuất nước sạch.
Cụ thể, số tiền liên ngành đề nghị UBND TP Hà Nội cấp bù trong năm 2019 cho công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội khi mua 80.000m3/ngày đêm là hơn 118 tỉ đồng. Cấp bù công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội là hơn 37 tỉ đồng; cấp bù cho công ty nước mặt sông Đuống khoảng 43 tỉ đồng.
Sau kiến nghị của liên ngành, ngày 9/1/2019, Văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội: Chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của liên ngành. UBND TP cũng giao Sở Xây dựng hướng dẫn công ty nước mặt Sông Đuống, công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội, công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội thống nhất tổ chức việc phát nước thương mại từ ngày 10/1/2019.
Như vậy, với giá nước thực bán cho 2 nhà máy nước sạch Hà Nội của nhà máy nước mặt sông Đuống là 7.700 đồng/m3, liên ngành đề xuất UBND TP Hà Nội cấp bù giá (phần thua lỗ do chênh lệch giá bán, mua) cho các đơn vị trong năm 2019 tổng số tiền gần 200 tỉ đồng bằng nguồn tiền lấy từ ngân sách.