Theo hãng tin Reuters, tập đoàn bất động sản "thích lắp xe điện" Evergrande đã dùng nhiều chiêu trò lừa đảo khách hàng nhằm tăng doanh số, từ việc cam kết khoản lãi cao tới 12% nếu đầu tư cho đến các món quà hậu mãi xa xỉ như túi Gucci. Nhờ đó, hàng chục nghìn nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bị lừa mua các sản phẩm của Evergrande.
Hậu quả là hiện nay rất nhiều nhà đầu tư cá nhân hiện vô cùng lo lắng mình sẽ mất tiền do lọt vào cái bẫy của Evergrande. Hiện tập đoàn này đã ngừng thanh toán lãi cho một số nhà đầu tư như họ đã cam kết trước đó và đang bên bờ vực phá sản vì mất khả năng thanh toán lãi vay đáo hạn.
Trên thực tế, cái bẫy cam kết đầu tư lãi cao chẳng có gì mới trong ngành bất động sản Trung Quốc. Nhà môi giới hứa sẽ trả một khoản lãi cao hơn ngân hàng nếu người mua cá nhân chấp nhận đổ tiền mua nhà và để chính người bán quản lý tài sản. Bên bán sẽ sử dụng bất động sản cho thuê căn hộ hay các hình thức kinh doanh khác để trả lãi.
Thông thường các tập đoàn sẽ hình thành những quỹ quản lý bất động sản (WMP), ví dụ như Evergrande Wealth Management, để kinh doanh theo hình thức này.
Thế nhưng sự không trung thực đã khiến mô hình này vô hình trở thành đa cấp tại Trung Quốc khi người bán dùng tiền kinh doanh thứ khác hoặc lấy tiền người trước trả cho người sau.
Tình hình của Evergrande hiện nghiêm trọng đến nỗi nhiều nhà đầu tư cá nhân đã đến tận văn phòng của hãng để biểu tình. Những người này từ chối kế hoạch thanh toán của Evergrande khi bán giảm giá các khi văn phòng, cửa hàng, bãi đỗ xe cho chủ nợ.
"Tôi chấp nhận bỏ tiền vào Evergrande sau khi thấy quảng cáo của họ trong tháng máy. Tôi tin tưởng vào công ty vì họ nằm trong danh sách Fortune Global 500. Thế nhưng giờ đây tôi chỉ mong Evergrande tuân thủ đạo đức trả lại cho tôi số tiền mà bản thân vất vả tích góp được", một nhà đầu tư cá nhân cho dự án của Evergrande tại Guangdong than vãn sau khi chi 650.000 Nhân dân tệ, tương đương 100.533 USD vì tin tưởng lời hứa trả lãi hơn 7%.
Theo Reuters, hơn 70.000 nhà đầu tư cá nhân, bao gồm cả nhân viên, người thân của họ đã đổ hơn 100 tỷ Nhân dân tệ vào các dự án của Evergrande trong 5 năm qua vì tin lời hứa trả lãi cao.
Một giám đốc kinh doanh của Evergrande Wealth, nền tảng kinh doanh bất động sản của tập đoàn cho biết khoảng 40 tỷ USD trong số này vẫn chưa được thanh toán lãi như cam kết.
Con mồi béo bở
Hãng tin Reuters cho biết việc Trung Quốc chấn chỉnh lại thị trường tín dụng đã buộc nhiều hãng bất động sản phải tìm kiếm nguồn huy động vốn mới. Đặc biệt việc chính quyền Bắc Kinh quy định mức vay tín dụng trần với các công ty bất động sản năm 2020 đã khiến những hãng như Evergrande cảm thấy vô cùng áp lực.
Nhằm giải tỏa khả năng thanh khoản, tập đoàn này nhắm đến nhân viên của mình, rồi người thân của họ cũng như các khách hàng nhỏ lẻ có quan hệ thân thiết. Hãng bắt đầu bán các dự án có cam kết trả lãi cao cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời khuyến khích nhân viên mua sản phẩm này.
Người mua nhà tụ tập ở trụ sở Evergrande tại Shenzhen đòi trả nợ. Nguồn ảnh: Reuters
Để tăng doanh thu, các quản lý thậm chí tặng những món quà xa xỉ như túi Gucci, máy lọc không khí Dyson cho khách hàng nào đầu tư trên 3 triệu Nhân dân tệ trong mùa lễ Giáng sinh năm 2020.
Theo như lời quảng cáo của Evergrande, sản phẩm đầu tư bất động sản hưởng lãi cố định này là một sản phẩm đầu tư phù hợp cho những ai muốn có nguồn thu nhập ổn định.
Vào tháng 11/2020, một dự án bất động sản tại Qingdao của Evergrande đã bán được nhiều gói sản phẩm. Trong đó mức lãi cam kết hàng năm 7% bán được 10 triệu Nhân dân tệ còn mức lãi 9,5% bán được 20 triệu Nhân dân tệ.
Thậm chí theo một giám đốc bán hàng giấu tên của công ty nói với Reuters, họ sẵn sàng nâng mức lãi lên đến 11% để hút vốn và bán được nhà.
"Đây thực tế là một trong những sản phẩm bán nhà chủ chốt của Evergrande", vị giám đốc này cho biết.
Trên thực tế, hàng loạt tập đoàn bất động sản tại Trung Quốc đang kinh doanh theo kiểu này. Hãng HNA Group vốn phải tuyên bố phá sản đầu năm nay nhưng được chính phủ cứu trợ cũng bán nhà như vậy.
Lừa đảo đa cấp?
Tờ California News Times cho biết một giám đốc giấu tên của Evergrande trả lời báo chí địa phương rằng số tiền huy động được từ người mua nhà có cam kết trả lãi cao chủ yếu để bù đắp khoảng trống vốn của tập đoàn.
"Một số khoản thu từ người mua trước được dùng để trả lãi cho người mua sau, nhưng khi doanh số suy giảm thì mô hình này khó mà tiếp tục được nữa. Rất nhiều nhân viên sẽ bị bỏ tù vì tội lừa đảo nếu họ không trả lãi đầy đủ cho nhà đầu tư như cam kết. Thực tế thì sản phẩm này không dành cho tất cả mọi người, như những nhân viên kinh doanh cấp dưới lại chẳng quan tâm và bán chúng cho bất kỳ ai để đạt doanh số mục tiêu", vị giám đốc này cho biết.
Như vậy thay vì dùng tiền bán nhà để kinh doanh dự án trả lãi cho người mua đúng như cam kết, Evergrande đã sử dụng nguồn vốn kinh doanh khác để trả lãi, hoặc dùng mô hình đa cấp để thanh toán.
Trong một bản kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, một nhóm các nhà đầu tư cá nhân đã cáo buộc Evergrande sử dụng nguồn vốn của họ không thích đáng khi đáng lẽ phải đầu tư vào dự án lại dùng làm việc khác. Đồng thời bản kiến nghị này cũng tố cáo Evergrande không nêu rõ những rủi ro khi kêu gọi các nhà đầu tư mua sản phẩm của họ.
Thị trường bất động sản Trung Quốc ngập những lời hứa mua nhà trả lãi cao. Nguồn ảnh: The Australian
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng phàn nàn họ bị lừa bởi danh tiếng từ Chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan khi ông xuất hiện nhiều trong các buổi lễ tuyên dương doanh nhân xuất sắc.
Rõ ràng, hãng bất động sản "thích lắp xe điện" Evergrande đã mất nhiều năm để tạo dựng danh tiếng nhưng giờ đây lại đánh mất nó chỉ trong vài giờ. Việc huy động vốn đầu tư tràn lan cho các mảng như xe điện để rồi thua lỗ đã khiến công ty gánh khoản nợ lên đến 305 tỷ USD.
Trong phiên 21/9 vừa qua, cổ phiếu của Evergrande đã mất 7% giá trị sau khi đã mất 10% giá vào phiên trước đó.
*Nguồn: Reuters