Mưa lũ 6 người chết, hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp

Nhật Tân |

Mưa lớn, lũ quét, sạt lở những ngày qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến 6 người chết, hàng trăm nhà dân hư hỏng, cần phải di dời khẩn cấp.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến sáng 19/8, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân, Nhà nước. Nghiêm trọng hơn cả là mưa lũ khiến 6 người bị chết (Vĩnh Phúc 2 người, Lào Cai 1 người, Sơn La 1 người, Lai Châu 1 người, Thái Nguyên 1 người).

Các loại hình thiên tai cũng khiến 334 nhà dân bị hư hỏng, hoặc phải di dời khẩn cấp. Trong đó, Điện Biên là địa phương chịu thiệt hại lớn nhất với 142 nhà, tiếp đến là Hà Giang 97 nhà, sau đó là các tỉnh: Sơn La 48 nhà, Thái Nguyên 33 nhà, Cao Bằng 5 nhà, Lào Cai 30 nhà.

Sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân các địa phương cũng bị ảnh hưởng lớn với 556ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; gần 100 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Ngoài ra, nhiều tuyến đường tỉnh, liên xã bị sạt lở với tổng chiều dài 1.960m, khoảng 65.100 m3 đất đá sạt lở…

Mưa lớn cũng khiến hồ Lai Châu phải xả 5 cửa xả mặt từ 15 giờ ngày 18/8. Đối với các hồ chứa thuỷ điện lớn khác tại phía Bắc (Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà), căn cứ kết quả tính toán, các đơn vị tư vấn, kiến giữ nguyên hiện trạng vận hành đến 13h ngày 19/8.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, giảm thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; Triển khai ngay các lực lượng cứu hộ, di dời dân vùng bị ngập sâu; chỉ đạo chính quyền cơ sở và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống nguy hiểm.

Đáng lưu ý, theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, dự báo từ nay cho tới hết năm có khả năng xuất hiện khoảng 7 - 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.

Trung tâm cảnh báo việc tiếp tục đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa tháng 10 và tháng 11.

Mưa lũ 6 người chết, hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng giúp người dân di chuyển đồ đạc tránh lũ.

Tại Bắc Bộ, đỉnh lũ từ tháng 9 và 10 trên các sông phổ biến ở mức báo động 1, các sông suối nhỏ ở mức báo động 1-2. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới báo động.

Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.

Theo dõi thường xuyên bảo đảm an toàn hồ chứa sau động đất Sơn La

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn vận hành xả lũ hồ chứa, đặc biệt các hồ chứa lớn ở Bắc Bộ: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà. Hiện nay, mực nước ở các hồ này đang ở dưới mực nước cho phép.

Tuy nhiên, với tình hình mưa hiện nay cần theo dõi chặt chẽ đặc biệt là việc vận hành hồ thủy điện Sơn La trong bối cảnh lũ chính vụ có khả năng kết thúc sớm, việc vận hành tính toán vừa bảo đảm an toàn vừa phục vụ phát điện, cấp nước sinh hoạt và sản xuất, phụ thuộc lớn đến công tác dự báo cảnh báo.

Ngoài ra trong ngày 17/8, tại Sơn La đã xảy ra sáu trận động đất và dư chấn với độ lớn từ 3-4 độ, do đó cần theo dõi thường xuyên bảo đảm an toàn hồ chứa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại