Diễn tập chữa cháy rừng năm 2021 tại khu đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu.
Vẫn còn hiện tượng La Nina
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra những nhận định về tình hình thời tiết trên cả nước từ nay tới tháng 9/2021.
Theo đó, hiện tượng La Nina (nguyên nhân của hàng loạt thiên tai khốc liệt cuối năm 2020) còn duy trì từ nay đến tháng 4-5 với xác suất khoảng 60%, sau đó sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính vào cuối mùa hè và mùa thu năm 2021.
Đặc biệt, mùa hè năm nay, Hà Nội có khả năng xảy ra 7-9 đợt nắng nóng trên diện rộng.
Từ cuối tháng 3 đến tháng 5/2021 tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 2 đợt triều cường vào các ngày 30/3 - 1/4/2021 và các ngày 28/4-1/5/2021. Các đợt triều cường này có khả năng cao hơn đợt triều cường đầu tháng 3/2021.
Theo nhận định, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020.
Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong thời kỳ từ 27/3-2/4; các sông Vàm Cỏ (từ các ngày 9 - 14/4, 24-30/4), trên sông Cái Lớn (từ các ngày 31/3 - 7/4, 15 - 24/4), sau giảm dần.
Tuy nhiên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NNPTNT, mực nước sông Mê kông chỉ khoảng hơn 1 mét khi chảy qua tỉnh biên giới Đông Bắc Thái Lan, gây nguy cơ hạn hán nghiêm trọng trong mùa khô.
Dự báo từ nay đến khoảng tháng 5, ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Từ tháng 6 đến tháng 7, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong các tháng 8-9.
Nguy cơ cháy rừng tăng cao
Tây Nguyên đang bước vào mùa khô, nắng nóng như thiêu như đốt những ngày qua đang khiến các cánh rừng ngày càng khô khốc. Các lớp thực bì trở nên khô giòn cộng với việc người dân đang đốt nương làm rẫy nên nguy cơ gây cháy rừng rất cao.
Tại nhiều địa phương, cảnh báo nguy cơ cháy rừng đã ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trước tình hình trên, các tỉnh Tây Nguyên đang dốc toàn lực để bảo vệ hàng triệu ha rừng.
Tỉnh Kon Tum có diện tích rừng dễ cháy được xác định khoảng hơn 250 ngàn ha (chiếm 41,64% tổng diện tích đất có rừng), tập trung nhiều vào các loại rừng tre nứa, lau lách xen lẫn cây bụi, rừng khộp, rừng thông.
Tại khu rừng thông ở xã Đắk Kôi, huyện Kon Rẫy (Kon Tum), những người bảo vệ rừng chia thành từng nhóm đi kiểm tra. Mỗi khu rừng họ lại chia nhau người phát dọn cây bụi, người đi tuần tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cẩn trọng khi sử dụng lửa để đốt nương.
Đắk Lắk hiện có hơn 500 nghìn ha, trong đó có khoảng 200.000 ha rừng trong tình trạng báo động cháy cấp 4 hoặc có thể đang gần đạt ngưỡng cấp 5. Nắng nóng được dự báo kéo dài tới tháng 5, nguy cơ cháy rừng sẽ còn cao hơn nữa.
Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) có diện tích hơn 225.000ha, là rừng đặc dụng lớn thứ 2 so với cả nước. Những ngày qua nguy cơ cháy rừng đã được cảnh báo ở mức báo động cấp V. Ở đây đa số là rừng khộp, thảm thực bì dưới tán rừng gồm cỏ, cây bụi, le đều khô khốc, vàng úa, rất dễ bén lửa.
Cùng với các đơn vị chủ rừng, các hộ nhận khoán, lực lượng kiểm lâm Đắk Lắk cũng đang vào cuộc tích cực để phòng chống cháy rừng.
Đồng Tháp cũng đang có nhiều khu vực nguy cơ cháy cao, trong đó nhiều khu vực cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh tập trung ở các khu vực như rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười; Trại Động Cát; Khu di tích Gò Tháp; Rừng phòng hộ biên giới Dinh Bà và Vườn quốc gia Tràm Chim.
Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng, các đơn vị chủ rừng phân công trực 24/24 tại Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm của tỉnh Đồng Tháp để tiếp nhận thông tin về tình hình phòng cháy chữa cháy rừng, khi xảy ra cháy huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị chi viện kịp thời...
10 ngày nay do nhiệt độ tăng cao, độ ẩm trong không khí thấp, tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng liên ngành cấp huyện thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, có kế hoạch bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng.