Du lịch một chuyến, 3 năm mới được về
Một người đàn ông 26 tuổi được giải cứu sau ba năm bị bắt cóc tại một quốc gia Đông Nam Á và bị ép làm việc cho đường dây cờ bạc trực tuyến. Sự việc xảy ra khi anh có chuyến du lịch giá rẻ đến đây.
Người đàn ông họ Zhang, đến từ tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc, nói với Jimu News rằng anh đã mua một chuyến đi kéo dài bảy ngày vào tháng 11/2019 tới đất nước giấu tên với giá 4.500 nhân dân tệ (630 USD). Nhờ mua vé bên ngoài, không qua đơn vị chính thức, anh đã tiết kiệm được 3.000 nhân dân tệ (420 USD) so với giá thị trường.
Anh rất hào hứng với chuyến đi, nhưng khi hạ cánh, một tài xế đã nhanh chóng chở anh đến khu nhà máy trong thành phố và nói: "Xuống xe, giờ anh làm việc ở đây".
Zhang vô cùng sợ hãi khi họ tịch thu điện thoại, căn cước công dân và hộ chiếu của mình. Anh cố gắng chống lại những kẻ bắt cóc nhưng không thể.
Zhang phát hiện ra mình bị ép làm việc cho một công ty cờ bạc trực tuyến và công việc của anh là lôi kéo mọi người tham gia nền tảng này. Zhang cho biết anh không giỏi biến báo nên hiệu quả công việc kém, thường xuyên bị đánh đập.
Sáu tháng sau vụ bắt cóc, một người quản lý nói với Zhang rằng họ có thể thả anh nếu anh trả 111.000 nhân dân tệ (15.500 USD). Zhang nhanh chóng liên lạc với cha mẹ mình và họ đã trả tiền chuộc cho công ty. Nhưng Zhang không hề được cho về nhà và thay vào đó bị bán cho công ty thứ hai.
Chu kỳ đó lặp lại trong suốt cả năm và cha mẹ anh tiêu sạch tài khoản tiết kiệm chỉ bằng cách trả tiền chuộc cho con trai mình hết lần này đến lần khác, tổng cộng khoảng một triệu nhân dân tệ (140.000 USD).
Zhang đã thoát khỏi cơn ác mộng khi được đưa đến bệnh viện vì vết thương nặng do bị đánh đập. Anh đã cố gắng thuê một đại lý địa phương để lấy hộ chiếu mới, nhưng trớ trêu thay, đại lý đó lại ủ mưu bán anh cho một công ty thứ ba.
Nhưng trong cái rủi có cái may, công ty thứ ba đó lại khá lơ là trong việc tịch thu điện thoại ngay lập tức, điều giúp Zhang liên lạc được với cảnh sát.
Cảnh sát đã ra tay và vào tháng 10/2022, họ giải cứu Zhang và anh được trở về Trung Quốc.
Trải qua những ngày tháng không thể nào quên, Zhang đưa ra lời cảnh báo mọi người khi đi du lịch nước ngoài nên "chọn một công ty du lịch chính thức, và nếu mức giá quá hời thì chỉ là trò lừa".
Không có món hời nào
Câu chuyện xuất hiện gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc đã khiến nhiều người cảm thấy sốc.
"Thật là một câu chuyện khủng khiếp", một người bình luận trực tuyến cho biết.
Một người khác bình luận: "Nhiều người tin rằng tiền có thể rơi từ trên trời xuống nhưng rất có thể đó là một cái bẫy".
Theo SCMP, trong những năm gần đây, nhiều ghi nhận về việc công dân Trung Quốc bị lừa lao động cưỡng bức ở Đông Nam Á, trong đó những kẻ lừa đảo đăng các bài viết về "công việc mơ ước", với mức lương cao, rồi bắt cóc người đó, giống như trải nghiệm của Zhang.
Năm 2022, Hồng Kông là khu vực phải vật lộn với nạn buôn người, trong đó 38 cư dân bị lừa chuyển đến nhiều quốc gia Đông Nam Á khác nhau, bị bắt cóc và buộc phải làm việc cho các công ty mờ ám. Một số nạn nhân cho biết họ bị tra tấn, đày đọa cả thể xác và tinh thần.
Câu chuyện của Zhang mang đến lời cảnh báo cho những người có thói quen đi du lịch tự túc, đang tìm kiếm các giao dịch giá rẻ.
Đi du lịch ngày nay đã trở nên tiện lợi hơn nhờ các phương thức đặt vé máy bay, thuê khách sạn trực tuyến, không cần thông qua các đại lý du lịch như trước. Lựa chọn này cũng giúp mọi người chủ động hơn trong việc lựa chọn giờ bay, loại hình lưu trú phù hợp với sở thích, đồng thời có mức chiết khấu tốt.
Tuy nhiên, du lịch tự túc không thông qua đại lý chính thức cũng mang đến những rủi ro như bị lừa tiền, dịch vụ không đúng cam kết ban đầu và nếu xảy ra sự cố sẽ không có đơn vị hỗ trợ xử lý.
Theo Forbes, mọi người nên cẩn trọng khi mua các combo du lịch trực tuyến để tránh các vấn đề đáng tiếc. Nếu không thông qua đại lý chính thức, nên xem xét lựa chọn các dịch vụ uy tín, người bán có lai lịch rõ ràng.
Du lịch ngày nay có rất ít món hời, trừ khi bạn sẵn sàng đi du lịch trái mùa hoặc vào những ngày thường, không phải cuối tuần hay dịp lễ. Nếu mức giá chào bán quá rẻ so với những nơi khác, đó có thể là cái bẫy.
Trên tay cục sạc nhanh hình robot "siêu dễ thương": Giá chỉ hơn 300 nghìn, có màn hình biết cười độc đáo