Mùa giải Nobel 2022: Sôi động và bất ngờ

Thế Tuấn |

Ngày mai, 10/10, sẽ chính thức khép lại “mùa Nobel 2022” với giải thưởng Kinh tế. Đây là sự kiện lớn được thế giới đón đợi hằng năm. Tại thời điểm này, 5 trong 6 giải đã có chủ, trong đó có không ít bất ngờ. Đặc biệt là Nobel Y Sinh đã không thuộc về những nghiên cứu liên quan tới đại dịch Covid-19; còn Nobel Văn chương một lần nữa vuột khỏi tay tác giả “Những vần thơ của quỷ Satan” - người bị săn lùng suốt từ năm 1989.

Ngày 3/10, mở đầu “mùa Nobel” 2022, tại Stockholm (Thụy Điển), Nobel Y Sinh (còn gọi là Nobel Y học) đã vinh danh nhà khoa học người Thụy Điển Svente Paabo. Sang ngày 4/10, 3 nhà khoa học nhận giải Nobel Vật lý, gồm Alain Aspect (người Pháp), John F.Clauser (người Mỹ) và Anton Zeilinger (người Áo). Cả 3 nhà vật lý được trao giải vì những thí nghiệm với các photon ở trạng thái rối lượng tử, không thỏa bất đẳng thức Bell và khoa học thông tin lượng tử tiên phong.

Ngày 5/10, giải Nobel Hóa học đã thuộc về bà Carolyn R.Bertozzi (người Mỹ), ông Morten Meldal (người Đan Mạch) và ông K.Barry Sharpless (người Mỹ) với những nghiên cứu về phát triển hóa học Click và hóa học sinh trực giao.

Ngày 6/10, Nobel Văn chương 2022 đã được trao cho văn sĩ người Pháp Annie Ernaux. Ngày 7/10, Nobel Hòa bình đã thuộc về nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski (người Belarus), tổ chức nhân quyền Memorial (Nga) và tổ chức nhân quyền Center for Civil Liberties (Ukraine).

Ngày mai, 10/10, Nobel Kinh tế sẽ được trao, chính thức khép lại một “mùa Nobel” sôi động và không kém bất ngờ. Đặc biệt là Nobel Y Sinh và Nobel Văn chương.

Mùa giải Nobel 2022: Sôi động và bất ngờ - Ảnh 1.

Ông Svante Paabo.

“Thợ săn” gene người cổ đại

Trước khi cái tên nhận Giải Nobel Y Sinh 2022, nhiều đồn đoán đã được đặt ra, trong đó nghiêng về các nhà khoa học đạt thành tựu trong nghiên cứu vaccine Covid-19. Vì thế khi cái tên Svante Paabo được xướng lên, không ít người đã thực sự ngỡ ngàng.

Không quan tâm tới các đồn đoán, đại diện của Ủy ban Nobel nói rằng ông Paabo đã thực hiện một “phát hiện mang tính bước ngoặt” góp phần làm thay đổi lĩnh vực nghiên cứu về nguồn gốc loài người.

Thông báo của Ủy ban Nobel cho biết, qua các nghiên cứu tiên phong của mình, giáo sư Svante Paabo đã thực hiện được một điều “dường như không thể” là giải trình tự ADN của người Neanderthal - một phân loài người cổ xưa sinh sống tại đại lục Á - Âu ở vào khoảng 40.000 năm trước. Nghiên cứu của Paabo cho rằng tổ tiên của người tinh khôn hiện đại (Homo Sapiens) có thể đã giao phối với người Neanderthal sau cuộc di cư khỏi châu Phi từ hàng triệu năm trước.

Về sự tồn tại của một chủng người tiền sử bí ẩn đã tuyệt chủng, giáo sư Paabo cho rằng người Denisovan có quan hệ họ hàng gần với người Neanderthal hơn “người tinh khôn” hiện đại.

Tiến sĩ David Reich - một nhà di truyền học về ADN cổ đại tại Đại học Harvard, chia sẻ về nghiên cứu của giáo sư Paabo: “Kết quả nghiên cứu không chỉ tạo ra một bản đồ mới về sự di cư của con người mà còn cung cấp bằng chứng về sự pha trộn đáng kể giữa các nhóm trong lịch sử loài người. Nghiên cứu đã thay đổi sâu sắc cách hiểu của nhiều người về lịch sử nhân loại”.

Giáo sư Svante Paabo là một nhà di truyền học kỳ cựu người Thụy Điển. Ông sinh năm 1955 tại Stockholm. Dựa trên những phát hiện của mình, ông đã thiết lập một bộ môn khoa học hoàn toàn mới có tên gọi là Paleogenomics - tái tạo và phân tích thông tin bộ gene của các loài đã tuyệt chủng.

Trong suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học đã qua, từ sự “đắm đuối” trong công việc, Svante Paabo được giới di truyền học châu Âu gọi là “thợ săn gene người”. Châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ - hễ nghe nơi nào có dẫu vết người tiền sử là Paabo tìm cách đến bằng được. Không ít lần ông ngủ trong hang đá hàng tuần lễ, hoặc là ngủ ngay tại hố khai quật. Còn trong phòng thí nghiệm, đồng nghiệp từng chứng kiến hàng tháng trời ông không bước ra ngoài.

Paabo sinh tại Stockholm, sống cùng mẹ là nhà hóa học người Estonia Karin Paabo. Ít người biết rằng, cha ông là Sune Bergstrom - nhà Sinh hóa từng đoạt giải Nobel Y Sinh năm 1982. Bergstrom qua đời vào năm 2004. 

Trong hồi ký “Người Neanderthal: Tìm kiếm hệ gene thất lạc” năm 2014, Paabo cho biết cha mình có hai gia đình. “Tôi lớn lên như một người con ngoài giá thú bí mật của Sune Bergstrom” - Paabo viết và cho biết mình chỉ thỉnh thoảng gặp cha khi đã trưởng thành và tiếp bước người cha trong lĩnh vực nghiên cứu Sinh hóa.

“Liệu có thể nghiên cứu trình tự ADN cổ đại, qua đó xác định người cổ xưa có quan hệ như thế nào với nhau và với con người ngày nay hay không? Những câu hỏi như vậy rất cuốn hút” - Paabo nói.

Giải Nobel Y Sinh 2011 là giải Nobel Y Sinh thứ 113 được công bố từ năm 1901 đến nay, có giá trị 10 triệu kroner Thụy Điển (900.357 USD). Trong lịch sử, chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y Sinh là nhà khoa học người Canada Frederick G.Banting, nhận giải năm 1923 khi mới 32 tuổi, với công trình khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường. Còn chủ nhân lớn tuổi nhất là bác sĩ Mỹ Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu phát hiện một số virus có thể gây ra bệnh ung thư.

Mùa giải Nobel 2022: Sôi động và bất ngờ - Ảnh 3.

Bà Annie Ernaux.

Nữ văn sĩ 82 tuổi và Nobel Văn chương

Trước khi giải thưởng xướng tên bà Annie Ernaux, hầu hết người trong giới đều cho rằng nó sẽ thuộc về Salman Rushdie, người Anh gốc Ấn Độ - tác giả từng đoạt giải Booker với cuốn “Những đứa con của nửa đêm”. Salman Rushdie đã phải sống với nguy cơ bị ám sát kể từ năm 1989, khi được cho là miêu tả về Nhà tiên tri Muhammad trong tác phẩm “Những vần thơ của quỷ Satan”.

Như vậy, cũng có thể nói Nobel Văn chương năm nay đầy bất ngờ khi vinh danh bà Annie Ernaux, 92 tuổi, người Pháp.

Thư ký thường trực của Ủy ban Nobel Na Uy - ông Mats Malm, cho biết, những tác phẩm làm mờ ranh giới giữa hồi ký và tiểu thuyết như: “Chuyện một cô gái”, “Tôi vẫn còn trong bóng tối”, “Những chiếc tủ rỗng”... đã khiến nữ văn sĩ Annie Ernaux trở nên độc đáo. “Khoản tiền thưởng 10 triệu kroner Thụy Điển (914.000 USD) được trao cho người tạo ra tác phẩm xuất sắc nhất trong lĩnh vực văn học theo chiều hướng lý tưởng là rất xứng đáng” - ông Malm nói.

Con đường đến với văn chương của Annie Ernaux rất dài và gian nan. Từ một thị trấn nhỏ vùng Normandy của nước Pháp, nơi cha mẹ có một cửa hiệu tạp hóa nhỏ “lác đác người qua lại”, bà đã kể lại câu chuyện đời mình và cũng là thân phận con người trên khắp thế gian.

Trong tất cả các tác phẩm của mình, Annie Ernaux luôn kiên trì khảo sát cuộc sống ở nhiều góc độ khác nhau, ở những thái cực có sự khác biệt sâu sắc liên quan đến vấn đề giới tính, ngôn ngữ và tầng lớp xã hội. Chính vì thế, trong nhiều lần trả lời phỏng vấn, bà “cảm thấy mình giống một nhà dân tộc học hơn là một người viết tiểu thuyết hư cấu.

Giới nghiên cứu văn học châu Âu nhận xét, tham vọng xé toạc bức màn hư cấu đã khiến Annie Ernaux tìm đến phương pháp tái tạo quá khứ trong một nỗ lực viết một kiểu văn xuôi dạng “nguyên sơ”. Những tiêu chuẩn mỹ học cũng như mỹ cảm văn chương, theo quan niệm của bà, là sự “nguyên sơ” không một chút cầu kỳ. Kể cả tác phẩm nhiều tính tự truyện thì Annie Ernaux cũng tự tách lìa bản thân ra khỏi “vùng trời thơ mộng của ký ức” để cho lối viết đạt đến độ trung tính, theo cách nói của Roland Barthes thì đó là “độ không của lối viết” mà rất ít người viết nhận thức được cũng như dám theo đuổi nó một cách nhất quán trong cuộc đời văn nghiệp.

Annie Ernaux từng nói, bà muốn sử dụng ngôn ngữ như một con dao để xé toạc những bức màn tưởng tượng, hãy để văn chương giản dị nhất có thể, vì đó chính là phẩm cách cao quý. Văn chương có được viết một cách sáng rõ thì mới làm sáng rõ cuộc đời.

Tới nay, giải Nobel Văn chương đã được trao 115 lần cho 119 người, kể từ năm 1901.

Người đoạt giải Nobel Văn chương trẻ nhất là Rudyard Kipling, người Anh. Ông Kipling được trao giải năm 1907, khi 41 tuổi. Người lớn tuổi nhất được Nobel Văn chương là bà Doris Lessing, được trao giải vào năm 2007, khi 88 tuổi. Bà Doris Lessing sinh ra tại Iran, từng sinh sống ở Zimbabwe, thành công trong sự nghiệp ở Anh.

Có 2 người từng từ chối giải Nobel Văn chương là Boris Pasternak (năm 1958, người Nga) và Jean Paul Sartre (năm 1964, người Pháp).

Giải Nobel Hòa bình 2022 được trao cho một cá nhân và hai tổ chức

Mùa giải Nobel 2022: Sôi động và bất ngờ - Ảnh 5.

Ngày 7/10, Ủy ban giải Nobel thông báo quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho nhà hoạt động nhân quyền Belarus Ales Bialiatski (người Belarus), tổ chức nhân quyền Nga Memorial và tổ chức nhân quyền Ukraine Center for Civil Liberties, vì các đóng góp trong vấn đề nhân quyền.

Ủy ban giải thưởng đánh giá những cá nhân và tổ chức này đã có nhiều nỗ lực nổi bật nhằm thể hiện tầm quan trọng của xã hội dân sự đối với hoà bình và dân chủ.

Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho hai nhà báo Maria Ressa (Philippines) và Dmitry Muratov (Nga) vì nỗ lực bảo vệ tự do ngôn luận.

Giải Nobel Hòa bình được tổ chức lần đầu vào năm 1901, đến nay đã có 103 giải được trao.

Chủ nhân trẻ tuổi nhất của Giải Nobel Hòa bình là Malala Yousafzai được trao năm 2014 khi cô mới 17 tuổi. Trong khi đó, người cao tuổi nhất từng đoạt giải này là Joseph Rotblat. Ông Rotblat nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1995 ở tuổi 87.

Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho 137 cá nhân, tổ chức kể từ khi được khởi xướng vào năm 1901. Năm nay, 251 cá nhân và 92 tổ chức đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình, mức cao thứ hai trong lịch sử, chỉ kém số đề cử vào năm 2016. Các cá nhân, tổ chức nhận giải Nobel Hòa bình sẽ được trao huy chương, chứng nhận và giải thưởng 10 triệu crown Thụy Điển (900.000 USD).

Giải Nobel Hòa bình là một trong 6 giải thưởng quốc tế được trao thường niên kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Y sinh, Hóa học, Văn học. Nobel Hòa bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại