Tuần trước, Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang “thảo luận” về khả năng Israel có thể tấn công ngành dầu mỏ của Iran.
Bình luận của ông Biden đã khiến giá dầu tăng mạnh trên thị trường toàn cầu, mặc dù hầu hết các quốc gia đều không mua dầu của Iran do lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran.
Tuy nhiên, Trung Quốc là ngoại lệ. Nước này mua hơn 90% lượng dầu xuất khẩu của Iran.
Gần 3/5 lượng dầu tiêu thụ tại Trung Quốc là dựa vào nhập khẩu. Việc mất nguồn cung từ Iran sẽ khiến Trung Quốc chuyển sang các nhà cung cấp khác để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Đối với Iran, xuất khẩu dầu sang Trung Quốc mang lại nguồn thu quan trọng. Iran xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD dầu mỏ sang Trung Quốc mỗi tháng, tương đương khoảng 5% tổng sản lượng kinh tế của Iran.
Iran xuất khẩu gần một nửa sản lượng dầu của mình và phần còn lại được dùng trong nước. Một phần nhỏ dầu xuất khẩu của Iran mà Trung Quốc không mua chủ yếu được vận chuyển dưới dạng viện trợ kinh tế hoặc trao đổi cho 2 đồng minh đang gặp khó khăn là Syria và Venezuela.
Tại sao Trung Quốc lại mua nhiều dầu từ Iran như vậy?
Dầu từ Iran rẻ và được bán với mức chiết khấu đáng kể so với giá thế giới vì lệnh trừng phạt khiến rất ít người mua. Dầu Iran được bán với giá thậm chí còn thấp hơn dầu Nga. Trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước đang phát triển vẫn tiếp tục mua dầu của Nga bất chấp lệnh trừng phạt đối với Nga, thì thực tế không ai ngoại trừ Trung Quốc muốn mua dầu của Iran.
Trung Quốc cần mua rất nhiều năng lượng để duy trì nền kinh tế. Đây là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2, chỉ sau Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã nỗ lực để hạn chế phụ thuộc vào dầu mỏ. Trong khi dầu mỏ chiếm 40% năng lượng được sử dụng ở Mỹ, thì nhiên liệu này chỉ chiếm khoảng 20% tổng nguồn cung năng lượng của Trung Quốc, theo Gabriel Collins – nhà nghiên cứu năng lượng Trung Quốc tại Viện Chính sách Công Baker thuộc Đại học Rice, Houston.
Hơn một nửa số ô tô được bán ở Trung Quốc hiện nay là xe điện chạy bằng pin hoặc xe hybrid (xăng lại điện). Trung Quốc dùng điện than, điện gió và điện mặt trời để cung cấp năng lượng cho xe điện. Phần lớn lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được sử dụng cho ngành công nghiệp hóa chất hoặc để tinh chế dầu diesel.
Trung Quốc phụ thuộc vào dầu mỏ của Iran như thế nào?
Theo Andon Pavlov, chuyên gia phân tích cấp cao về lọc dầu và sản phẩm dầu tại Kpler, ước tính 15% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Iran. Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc. Nước này cũng mua dầu từ cả Iraq, Kuwait, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Angola.
Các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm công suất đi 5 triệu thùng dầu mỗi ngày để giữ giá dầu ở mức khá cao. Nếu Trung Quốc không thể mua lượng dầu thông thường từ Iran – khoảng 1-1,5 triệu thùng mỗi ngày – thì các nước láng giềng của Iran có thể là nguồn cung thay thế.
Do đó, các chuyên gia dầu mỏ cho biết thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc ngay cả khi gián đoạn nguồn cung dầu từ Iran trong thời gian dài cũng sẽ rất nhỏ, với điều kiện các nước khác tăng cường xuất khẩu.
Trung Quốc có dự trữ trong trường hợp nhập khẩu bị gián đoạn không?
Trung Quốc đã tăng cường dự trữ dầu mỏ trong nhiều năm qua. Khi xây dựng nhà ở chậm lại do thị trường bất động sản khủng hoảng, nhiều công nhân đã được huy động lại để xây dựng các bể chứa dầu.
Dự trữ dầu của Trung Quốc hiện ước tính bằng 3 tháng nhập khẩu dầu trên cả nước và 2 năm nhập khẩu dầu từ Iran. Nguồn dự trữ này sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước trong trường hợp nguồn cung từ Iran bị gián đoạn.
Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng ra sao nếu chiến tranh nổ ra rộng hơn ở Trung Đông?
Theo các chuyên gia, vấn đề lớn đối với Trung Quốc không phải là liệu Israel có tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran hay không, mà là Iran sẽ phản ứng như thế nào.
Ít nhất 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển bằng tàu qua bờ biển Iran tới Eo biển Hormuz – nơi nối Vịnh Ba Tư với Biển Ả Rập. Phần lớn trong số 5 triệu thùng dầu dôi ra mỗi ngày của OPEC nằm ở các mỏ dầu cần xuất khẩu qua Eo biển Hormuz.
Nếu Israel vô hiệu hóa khả năng xuất khẩu dầu của Iran, các đối thủ của Iran trong khu vực có thể kiếm lời bằng cách tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng Iran có thể ngăn chặn bằng cách sử dụng tên lửa cản trở tàu chở dầu qua Eo biển Hormuz.
Ả Rập Xê Út đã không vận chuyển 1 phần sản lượng dầu qua Eo biển Hormuz và xây dựng đường ống dẫn đến Biển Đỏ để thay thế. Nhưng tuyến đường thủy này hiện cũng nguy hiểm vì các cuộc tấn công từ Yemen của phiến quân Houthi.
Gabriel Collins nhận định rằng đối với Trung Quốc, “điều quan trọng không phải là tác động của cuộc tấn công mà là tác động của phản ứng từ Iran là gì?”
Michael Brown, một chuyên gia về hàng hóa tại văn phòng London của một công ty môi giới Pepperstone (Úc) cho biết: “Đây là mối quan ngại lớn từ góc độ toàn cầu”.
Theo NYT