'Mùa Đông COVID-19' khắc nghiệt của châu Âu

Lê Ánh |

Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động rằng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3 ở một số quốc gia thành viên, khi các chính phủ ở châu Âu và bên ngoài áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mạnh mẽ.

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu, Tiến sĩ Hans Kluge cảnh báo tình hình dịch bệnh trước mắt tại châu Âu đang “rất nghiêm trọng”. Giám đốc khẩn cấp của WHO tại châu Âu - Tiến sĩ Dorit Nitzan gọi đây là “lời cảnh tỉnh” khi người dân các quốc gia châu lục thời gian qua dần lơ là, thiếu cảnh giác trước dịch bệnh. Lãnh đạo các nước châu Âu cũng liên tục bày tỏ lo ngại rằng các bệnh viện sẽ đối mặt với nguy cơ quá tải trong những tháng tới.

Mùa Đông COVID-19 khắc nghiệt của châu Âu - Ảnh 1.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Marseille, Pháp ngày 11/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên tiếp những cảnh báo được đưa ra trước diễn biến tái bùng phát dịch COVID-19 phức tạp ở châu Âu sau thời gian "Lục địa già" đã kiềm chế được đà lây lan của đợt dịch đầu tiên, như "chứng thực" cho nhận định của Thủ tướng Anh Boris Johnson, rằng làn sóng dịch COVID-19 thứ hai là “điều không thể tránh”. Điều đó cũng báo hiệu châu Âu sẽ phải đối mặt với một "mùa Đông đại dịch COVID-19" hết sức khắc nghiệt nếu các nước khu vực không tìm ra biện pháp hiệu quả để ngăn chặn đà lây lan của đợt dịch thứ hai này.

Theo WHO, số ca mắc mới hằng tuần tại châu Âu bắt đầu xu hướng tăng từ giữa tháng 7 và đến tuần qua đã vượt ngưỡng 300.000 ca, cao hơn mức 264.675 ca từng ghi nhận khi dịch đạt đỉnh lần đầu hồi tháng 3. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), số ca mắc mới mỗi ngày tại EU và Anh trong tuần qua đã liên tiếp ghi nhận những mức cao mới và ngày 21/9 đã lên tới hơn 45.000 ca. Hơn một nửa các quốc gia châu Âu chứng kiến số ca bệnh tăng 10% trong 3 tuần qua. Ngày 24/9, tổng số ca bệnh tại châu Âu vượt mốc 5 triệu, chủ yếu tập trung ở Nga, Tây Ban Nha, Pháp và Anh, trong đó có 227.130 ca tử vong. Tây Ban Nha có tỷ lệ 300 người mắc bệnh trên 100.000 dân, cao nhất châu Âu, tiếp đến là CH Séc, Pháp, Luxembourg Malta, Bỉ, Hungary và Áo.

Nhiều nước Tây Âu như Pháp, Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha đang chứng kiến làn sóng dịch thứ hai với nhiều dấu hiệu đáng lo ngại hơn làn sóng đầu tiên. Pháp thông báo số ca nhiễm mới ngày 24/9 lên tới 16.096 ca, mức cao nhất theo ngày ở nước này kể từ khi bùng phát dịch. Sau 1 tuần số ca mắc mới liên tiếp hơn 10.000 ca/ngày, các số liệu cũng chỉ ra số ca nhập viện ở Pháp đang có xu hướng tăng trong tuần qua và có nơi đã gần hết giường bệnh ICU.

Anh đã ghi nhận thêm 6.634 ca mắc COVID-19 ngày 24/9, mức cao chưa từng có theo ngày. Số ca mắc mới tại lục địa Anh tăng gấp đôi sau mỗi 7 ngày cùng cảnh báo số ca tử vong sẽ tăng trong vài tuần tới. Hà Lan cũng lần đầu tiên ghi nhận tới hơn 2.200 ca/ngày. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cảnh báo số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia này tăng gấp đôi chỉ trong vòng hơn 1 tuần và với tỷ lệ lây nhiễm 1,4 thì con số này sẽ lên mức hơn 10.000 ca/ngày chỉ trong 3 tuần tới.

Tổng số ca mắc ở Tây Ban Nha tăng mạnh kể từ khi quốc gia này chấm dứt biện pháp phong tỏa hồi cuối tháng 6 và tới sáng 25/9 là hơn 702.000 ca, cao nhất tại Tây Âu. Thủ đô Madrid là điểm nóng dịch bệnh trong đợt bùng phát này khi liên tiếp ghi nhận số ca tử vong và mắc cao chưa từng thấy kể từ tháng 5.

Một số quốc gia, như Albania, Bulgaria, CH Séc, Hy Lạp hay Malta, đã vượt qua đợt dịch đầu tiên một cách khá an toàn, thì trong tháng 8 cũng ghi nhận số ca mắc cao hơn tất cả các mức từng ghi nhận trong đợt bùng phát đầu tiên. Italy và Bỉ - những quốc gia chịu tác động mạnh nhất ở châu Âu trong đợt bùng phát đầu tiên- cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng, dù chưa thực sự tới mức từng ghi nhận hồi tháng 3 và tháng 4.

Số ca mắc COVID-19 tăng cũng phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế khu vực. Trên thực tế, hoạt động kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chững lại trong tháng 9. Theo HIS Markit, chỉ số PMI phản ánh “sức khỏe” kinh tế của khu vực trong tháng 9 giảm xuống 50,1 điểm, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức tối thiểu 50 điểm được công nhận là hoạt động kinh tế đang tăng trưởng. Tháng 8, PMI của khu vực là 51,9 điểm. Chuyên gia Jessica Hinds từ hãng nghiên cứu Capital Economics cảnh báo các dữ liệu mới nhất chỉ ra rằng quá trình phục hồi có thể đang bị kìm chân.

Có thể nói, châu Âu đang ở giữa làn sóng dịch bệnh thứ hai khi mùa Đông cận kề, khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi rằng đã có một khâu nào đó “lệch nhịp” trong toàn bộ quy trình đảm bảo an toàn khi các nước mở cửa trở lại. Số ca bệnh gia tăng ngay sau kỳ nghỉ Hè, khi người lao động quay lại các thành phố làm việc và trẻ em đi học lại. Tại nhiều quốc gia, dịch bệnh lây nhiễm nhanh đáng báo động tại các thành phố đông dân cư.

WHO cho rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và người dân mất cảnh giác là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và nhiều bằng chứng cho thấy những người trẻ tuổi chiếm phần lớn số ca mắc mới trong làn sóng dịch bệnh thứ hai tại châu Âu. Phần lớn số ca mắc mới được ghi nhận là từ 25-49 tuổi. Tiến sĩ Kluge bày tỏ lo ngại trước tình trạng này và khuyến cáo dừng các hoạt động tụ tập, tiệc tùng quy mô lớn.

Giới chức Italy cho biết gần 50% số ca mắc mới có liên quan tới kỳ nghỉ Hè ở quốc gia này và nước ngoài, chủ yếu trong nhóm những người trưởng thành trẻ tuổi, những người thường chủ quan, không tuân thủ các hướng dẫn giãn cách và đeo khẩu trang. Những quốc gia như Hy Lạp và Croatia, vốn không chịu tác động nhiều trong đợt dịch bệnh đầu tiên, cũng chứng kiến số ca bệnh tăng nhanh trong tháng 8 khi các du khách tới nghỉ Hè sau khi EU mở lại các đường biên giới nội bộ từ tháng 6.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, rút kinh nghiệm từ đợt phòng dịch trước, lần này các quốc gia châu Âu đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp hạn chế mới. Người lao động Anh được khuyến cáo làm việc tại nhà và mọi biện pháp khuyến khích trở lại công sở đều bị tạm dừng vô thời hạn. Các địa điểm giải trí được yêu cầu rút ngắn thời gian hoạt động trong khi các sự kiện thể thao cũng bị hạn chế người đến xem. Chính phủ Anh thậm chí còn đưa ra luật, có hiệu lực từ ngày 28/9, yêu cầu những người có kết quả dương tính với virus hoặc từng có tiếp xúc gần với người bệnh phải tự cách ly, nếu không sẽ chịu phạt từ 1.000 tới 10.000 bảng (1.300 tới 13.000 USD).

Tại Pháp, một số thành phố thuộc nhóm “vùng đỏ” nguy cơ cao đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới. Các thành phố như Nice, Bordeaux và Marseille đều đã cấm tụ tập trên 10 người. Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha cũng triển khai biện pháp phong tỏa cục bộ từ đầu tuần này và sẽ mở rộng biện pháp phong tỏa sang một số vùng khác. Tây Ban Nha thậm chí huy động cả lực lượng quân đội để đảm bảo triển khai các biện pháp hạn chế.

Mùa Đông COVID-19 khắc nghiệt của châu Âu - Ảnh 2.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Prague, CH Séc ngày 27/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

CH Séc không loại trừ khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nếu tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục gia tăng và yêu cầu học sinh phải đeo khẩu trang khi tới trường. Hà Lan đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới với các nhà hàng, quán cafe và quán bar tại 6 vùng. Người dân được khuyến cáo giảm tiếp xúc xã hội và biện pháp đeo khẩu trang bắt buộc cũng được mở rộng ra thêm 2 loại địa điểm công cộng. Giới chức thủ đô Brussles (Bỉ), dù cho phép dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc từ tháng 10 tới, nhưng khuyến khích người dân tự giác bảo vệ sức khỏe, đeo khẩu trang khi cần thiết, đặc biệt tại các không gian kín, các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, khác với đợt bùng phát dịch hồi đầu năm, lần này, các biện pháp hạn chế được áp dụng trực tiếp tại từng khu vực lây nhiễm phức tạp thay vì đại trà. Các biện pháp phong tỏa theo từng địa điểm cho phép ngăn chặn dịch bệnh lan rộng mà vẫn duy trì hoạt động kinh tế ở những nơi không chịu tác động. Các biện pháp mới chủ yếu nhắm tới những địa điểm giải trí, các hoạt động tụ tập vì đây là môi trường lây nhiễm lý tưởng trong nhóm đối tượng trẻ, vốn chiếm đa số các ca mắc mới đợt này tại châu Âu.

Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm Mark Woolhouse ở Đại học Edinburgh cho rằng các quốc gia sẽ không áp dụng biện pháp phong tỏa toàn bộ như lần trước vì kinh nghiệm đã chỉ ra đây không phải là giải pháp cho vấn đề. Theo các chuyên gia, khó có thể tái áp dụng biện pháp phong tỏa toàn bộ vì cái giá kinh tế của biện pháp này quá đắt đỏ, nhưng chắc chắn các biện pháp hạn chế theo từng khu vực như ở Madrid hay nhiều nơi ở Pháp sẽ được áp dụng trong giai đoạn này.

WHO cảnh báo tình hình dịch bệnh tại châu Âu sẽ phức tạp hơn trong tháng 10-11 tới, với số ca tử vong có thể tăng cao và các quốc gia châu Âu cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. Cố vấn y tế cấp cao của Anh Patrick Vallance cảnh báo số ca mắc/ngày tại quốc gia này có thể lên tới 50.000 vào tháng 10 tới nếu giới chức không có biện pháp ngăn chặn thích đáng. Giới chức Áo cũng lo ngại những tháng tới khi tiết trời sang Đông, tình hình sẽ còn khó khăn hơn nhiều.

Đặc biệt, Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides ngày 24/9 cảnh báo nguy cơ "dịch chồng dịch" - xảy ra đồng thời đại dịch COVID-19 và cúm mùa có khả năng gây chết người khi mùa Đông đến ở châu Âu, cho rằng: "Rõ ràng là mối nguy này đang ở rất gần chúng ta". Mùa Đông vốn là mùa sinh sôi của các loại virus gây bệnh hô hấp, như cúm mùa, các nguy cơ càng gia tăng với nhóm người lớn tuổi và những người có bệnh lý kinh niên.

Trước tình hình đó, WHO kêu gọi các nước châu Âu phối hợp và đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trên toàn khu vực. WHO khẳng định các biện pháp nhanh chóng và đồng bộ sẽ phát huy tác dụng, trong khi sự chia rẽ và những thông tin sai lệch sẽ chỉ khiến virus thêm cơ hội lan rộng. Dù tin rằng dịch bệnh cũng sẽ có lúc kết thúc, nhưng Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge kêu gọi mọi người không nên đặt toàn bộ lòng tin vào một loại vaccine ngừa COVID-19 khi mà hiện vẫn chưa rõ liệu có một loại vaccine thực sự hiệu quả không và liệu vaccine đó có được phân phối tới tất cả hay không. Thay vào đó, mỗi người hãy tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề từ chính bản thân mình, bằng cách nâng cao ý thức cảnh giác, tuân thủ các quy định phòng dịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, bởi theo ông: “Dịch bệnh kết thúc là lúc cả cộng đồng học được cách sống chung với đại dịch”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại