Mua cổ phiếu chứng khoán và bất động sản, bắt đáy hay "bắt dao rơi"?

Hạ Anh |

Chuyên gia DSC do rằng với đà giảm nhanh và mạnh như hiện tại thì khả năng thị trường chưa tạo đáy ngay nên nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc bắt đáy cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán trải qua chuỗi ngày đầy sóng gió khi liên tục giảm mạnh xuyên “thủng” hàng loạt ngưỡng hỗ trợ. Tâm điểm bán diễn ra tại hai “đầu tàu” dẫn dắt chỉ số đi lên trong thời gian qua là nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản khi nằm sàn la liệt, thậm chí “trắng bên mua”.

Mua cổ phiếu chứng khoán và bất động sản, bắt đáy hay bắt dao rơi? - Ảnh 1.

Sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp, hầu hết các cổ phiếu chứng khoán như SSI, VND, HCM, VCI, AGR, BSI,… đều đã “bay màu” trên 15% giá trị, thậm chí SHS, MBS mất đến 20%. Nhóm bất động sản cũng không khá khẩm hơn khi loạt cái tên “đình đám” đều ghi nhận mức giảm sâu từ 12-18% như CEO, DXG, VIC, NVL, KBC, NLG,…

Mua cổ phiếu chứng khoán và bất động sản, bắt đáy hay bắt dao rơi? - Ảnh 2.

Cú đảo chiều nhanh chóng của hai nhóm cổ phiếu này diễn ra sau khi hàng loạt mã đã tăng rất mạnh trong thời gian dài, nhiều cái tên đã trở lại vùng giá cao nhất trong hàng chục tháng, thậm chí gần đỉnh lịch sử.

Đà giảm sốc của nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản khiến không ít nhà đầu cơ ham mê bắt đáy sốt ruột muốn xuống tiền. Tuy nhiên, mua cổ phiếu chứng khoán bất động sản vào thời điểm này liệu là bắt đáy hay bắt dao rơi?

Cẩn trọng trong việc đáy đáy cổ phiếu

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC do rằng với đà giảm nhanh và mạnh như hiện tại thì khả năng thị trường chưa tạo đáy ngay nên nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc bắt đáy cổ phiếu.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, về thông tin, khả năng mùa KQKD quý 3 tới đây vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực với các doanh nghiệp BĐS. Thêm vào đó, cuối năm nay và đầu năm sau nhiều doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc thanh toán trái phiếu đến hạn.

Về cơ bản, thị trường BĐS có những tín hiệu tạo đáy nhất định nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng chưa quá rõ ràng và đi lên chậm. Hiện quá trình M&A trong ngành BĐS đang diễn ra và quá trình cơ cấu tài chính còn tiếp diễn trong 6-9 tháng nữa nên khả năng thể tích cực trong một sớm một chiều.

Dưới góc độ dòng tiền, do ảnh hưởng bởi một số cổ phiếu lớn triển vọng của nhóm này hiện tại không mấy tích cực và biểu đồ nhóm cổ phiếu BĐS vẫn có khả năng tiếp tục “rơi”. Do đó, nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ giá tốt hơn hoặc chỉ nên bắt đáy từng phần. Nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu có tình hình tài chính tốt, ít dính đến trái phiếu và không có các dự án vướng pháp lý. Đây là các doanh nghiệp dễ phục hồi nhanh nhất so với thị trường.

Đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, chuyên gia DSC nhìn nhận đà giảm đến từ những kỳ vọng quá mức so với thực tế và ảnh hưởng bởi xu hướng chung của thị trường. Thêm vào đó, Thông tư 06 hạn chế các công ty chứng khoán tiếp cận vốn vay cũng tạo áp lực lên nhóm cổ phiếu này.

Tuy nhiên, nhóm chứng khoán vẫn có thể kỳ vọng từ một số câu chuyện tương lai như hệ thống KRX đi vào vận hành hay nâng hạng thị trường. Do đó, chiết khấu sâu khoảng 20% từ đỉnh có thể cân nhắc thăm dò, nhưng cần chọn lọc kỹ cổ phiếu khi định giá vẫn đắt đỏ.

Theo ông Huy, thị trường tăng khá lâu nên điều chỉnh cũng cần một khoảng thời gian nhất định. “Sóng” mới thường bắt đầu tháng 11-12 và kéo dài qua tháng 4-5 năm sau. Do đó quãng này chỉnh là bình thường để “làm ván mới” và nhà đầu tư không nên quá vội vàng. Xu hướng thị trường tiếp theo có thể xen kẽ nhịp hồi, song diễn biến giảm/điều chỉnh/ tích luỹ có thể đóng vai trò chủ đạo từ đây đến tháng 11.

Có thể tham gia tỷ trọng nhỏ ở vị thế trung hạn

Đưa ra góc nhìn tích cực hơn, ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc Phân tích FIDT cho rằng việc bắt đáy các dòng cổ phiếu nhạy cảm với thị trường như Chứng khoán, BĐS (Beta cao) vẫn có thể thực hiện để tận dụng trend trung hạn và tận dụng mức biến động cao của các nhóm này để có mức sinh lãi cao.

Tuy nhiên, việc bắt đáy không phù hợp với tất cả nhà đầu tư mà chỉ phù hợp với các nhà đầu tư có kế hoạch phân bổ và tính kỹ luật cao. Việc này đòi hỏi nhà đầu tư cần quản lý rủi ro tốt và vị thế phù hợp. Ví dụ nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao và hiểu được tính biến động của nhóm cổ phiếu này, chấp nhận rủi ro thì có thể tham gia. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý chỉ nên tham gia tỷ trọng nhỏ (tránh all-in) ở các phiên hoảng loạn và có kế hoạch quản trị rủi ro với nhóm này.

Xét về chu kỳ kinh tế thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi (Early Recovery) nên xu hướng trung hạn của thị trường là vẫn đi lên. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy khi phục hồi về vùng định giá trung bình, thị trường dễ xảy ra nhiều đợt điều chỉnh mạnh. Với sự hội tụ các yếu tố ngắn hạn như đã phân tích trên, chỉ số VN-Index xác suất cao sẽ điều chỉnh ngắn hạn.

Nhà đầu tư giai đoạn này nên hạn chế trading các vị thế ngắn hạn, không nên để tỷ lệ margin căng, đặc biệt từ đây đến cuối tháng 9. Với các vị thế trung hạn thì giai đoạn hiện nay là giai đoạn tích lũy cổ phiếu, phương pháp phù hợp nên là mua dần, tích lũy vị thế ở các phiên thị trường giảm mạnh phản ứng các yếu tố ngắn hạn và không nên mua đuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại