M.U không còn là 'FC tình thương'

HUY ĐĂNG |

Vẫn còn quá sớm để nói về sự hồi sinh của Manchester United, nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định "Quỷ đỏ" đã trở về với cuộc sống đầy tính kỷ luật như thời Sir Alex Ferguson.

M.U không còn là FC tình thương - Ảnh 1.

Những cầu thủ giàu tính kỷ luật như Casemiro (trái) sẽ vực dậy M.U? - Ảnh: REUTERS

Hơn 5 năm qua, người hâm mộ M.U thường chỉ trích gia đình Glazer về sự keo kiệt. Nhưng những thống kê cho thấy "Quỷ đỏ" chính là đội chi tiền nhiều nhất cho thị trường chuyển nhượng Premier League, quỹ lương của họ cũng luôn đứng đầu giải đấu nhiều năm trở lại đây.

Điều đáng trách nhất của những ông chủ người Mỹ không nằm ở mặt quản lý tài chính, mà ở sự nuông chiều thái quá dành cho những ngôi sao.

Những "ngôi sao" điển hình đã "làm loạn" M.U suốt 5 năm qua là Paul Pogba, HLV Ole Gunnar Solskjaer, Cristiano Ronaldo và thậm chí một phần của chính Sir Alex.

Không có gì để nói thêm về Pogba - ngôi sao kênh kiệu nhất, vô kỷ luật nhất trong làng bóng đá đỉnh cao hiện tại.

Jose Mourinho từng ví Pogba như một loại virus độc hại, và gần như tuyên chiến với cầu thủ người Pháp trong nửa năm tại vị cuối cùng của mình ở Old Trafford.

Kết quả, ban lãnh đạo M.U chọn cách sa thải Mourinho và tiếp tục bảo bọc Pogba, trước khi mất trắng tiền vệ mà họ từng mua với giá 105 triệu euro vào mùa hè vừa rồi.

Có lẽ như rút kinh nghiệm từ vụ Mourinho, M.U sau đó lại dành sự đãi ngộ quá đặc biệt cho Solskjaer - người có vị thế của một huyền thoại tại sân Old Trafford.

Nhưng sau hơn 10 năm hành nghề HLV, cựu danh thủ người Na Uy không để lại dấu ấn nào với làng bóng đá đỉnh cao.

Một HLV với năng lực chỉ vào hạng xoàng như vậy lại được trao cơ hội những 3 năm ở M.U cùng bản hợp đồng đắt giá (hơn cả Mourinho).

M.U đã quá biệt đãi Solskjaer chỉ vì danh tiếng thời cầu thủ của ông.

Với Ronaldo, đó thực sự là một bản hợp đồng mang tính "tình cảm". Siêu sao người Bồ Đào Nha bị Juventus rao bán trong năm cuối của hợp đồng, nhưng rồi M.U lại chấp nhận chi tiền để mang anh về Old Trafford và trao một bản hợp đồng có mức lương gần tương đương trong 2 năm.

Không chỉ vậy, M.U chấp nhận "hy sinh" cả Cavani cùng Martial để Ronaldo độc chiếm vị trí trung phong.

Ở giai đoạn cuối của sự nghiệp, Ronaldo chắc chắn không thể tìm ra một đội bóng lớn nào biệt đãi anh đến thế. Tất cả chỉ vì yếu tố tình cảm.

Đằng sau sự biệt đãi dành cho Solskjaer và Ronaldo là hình bóng của Ferguson . Khi Solskjaer gặp khó, Sir Alex thường xuyên xuất hiện trên sân tập Carrington để dàn xếp mọi chuyện. Khi Ronaldo ngỏ ý rời Juventus, cũng chính cựu HLV người Scotland đứng ra làm cầu nối để anh trở về Old Trafford.

Tình cảm, nhiệt huyết mà Sir Alex dành cho đội bóng cũ là rất đáng tôn trọng. Nhưng việc để một ông lão 80 tuổi và đã về hưu gần 10 năm can thiệp quá nhiều vào vấn đề chuyên môn của đội bóng liệu có hợp lý?

Trong làng bóng đá ngày nay, các HLV thường có xu hướng "hết thời" sau khoảng 10 - 15 năm làm việc đỉnh cao. Jose Mourinho là một ví dụ, và Jurgen Klopp có lẽ cũng không thoát khỏi quy luật này.

Tài năng đến mấy, Ferguson cũng không thể "đỡ đầu" cho Solskjaer trong cuộc so tài với Guardiola, với Klopp, với Tuchel những năm qua được.

Suốt 5 năm qua, M.U đã dung túng quá nhiều cho những ngôi sao, những công thần, những cựu danh thủ của đội bóng. Điều đó đi ngược lại với guồng máy kỷ luật mà chính Ferguson từng tạo ra ở Old Trafford hai thập niên trước, hay mô hình của các đội bóng lớn ngày nay.

Hãy nhìn Guardiola, người mạnh dạn gạt bỏ Ronaldinho để hướng đến kỷ nguyên Messi ở Barca, rồi thẳng tay đẩy Aguero khỏi Etihad để dọn chỗ cho Haaland. Hay Klopp, người cũng thẳng tay loại trừ Sakho vì thói vô kỷ luật để sau đó mang về Van Dijk...

Kỷ luật thường đi chung với cảm giác phũ phàng.

Gạt bỏ cách cư xử "tình cảm" quá mức để hướng đến sự kỷ luật tuyệt đối, đó là cách Erik ten Hag đang đưa M.U trở lại hình ảnh của một đội bóng lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại