1. Đêm qua, Quỷ đỏ thành Manchester có được chiến thắng quan trọng, qua đó ghi tên mình vào tứ kết Europa League, đấu trường duy nhất họ còn hi vọng vô địch để kết thúc một mùa giải ở thế ngẩng cao đầu. Nhưng đấy chỉ là chiến thắng sít sao, trước một đối bóng được đánh giá thấp hơn nhiều. Nó cũng là hình ảnh thường trực của Man United dưới thời Jose Mourinho.
Ngay sau phát biểu sau trận đấu của Mourinho, khi nhà cầm quân người Bồ Đào Nha này lớn tiếng chỉ trích lịch thi đấu dày đặc khiến các học trò của ông cực kỳ mệt mỏi, thì cựu đội trưởng Man United - Roy Keane đã phản pháo thẳng mặt: "Có lẽ Man United quá lớn so với tầm vóc của Mourinho".
"Ông ấy đang cầm một trong những CLB lớn nhất hành tinh. Với đội hình có trong tay mà cả cầu thủ lẫn HLV vẫn rên rỉ về lịch thi đấu hay chuyện mệt mỏi thì quả thật là buồn cười. Cả đời mình, tôi chưa bao giờ nghe chuyện nào rác rưởi đến thế, đó là những lời biện hộ vô nghĩa".
Rõ ràng, chuyện các cầu thủ Man United đang dính phải một lịch thi đấu có phần dày đặc ở thời điểm này là có thật, tuy nhiên với Roy Keane, cũng như những ai từng biết đến một Man United giàu truyền thống và thành tích ở cả Premier League lẫn đấu trường châu Âu, đấy chẳng phải là chuyện xa lạ, và dưới thời Sir Alex Ferguson, đấy chẳng phải là chuyện to tát, đáng quan tâm.
Ngay cả khi phải căng mình ra "chạy nước rút" ở cả Premier League, lẫn đối đầu với những cuộc chiến sinh tử với những đối thủ cộm cán ở vòng knock-out Champions League, Man United luôn biết cách điều tiết, thậm chí còn sử dụng đội hình, chiến thuật khác nhau cho từng đấu trường, từng trận đấu cụ thể.
Dù Man United luôn phải chiến đấu trên nhiều mặt trận, nhưng Sir Alex luôn biết cách điều tiết lực lượng và lối chơi cho từng đấu trường.
Mùa giải 2007/08, Sir Alex Ferguson sử dụng đội hình 4-4-2 với Rooney và Tevez đá cặp tiền đạo, cùng Giggs và Ronaldo chạy cánh, Paul Scholes và Michael Carrick đá cặp tiền vệ trung tâm để thống trị Premier League với 8 điểm cách biệt so với đội xếp thứ nhì Chelsea khi 38 vòng đấu kết thúc.
Ở đấu trường Champions League, 4-4-2 được chuyển sang 4-3-3 hay 4-5-1, với việc đẩy Ronaldo lên đá trung phong, Rooney về lo cánh trái và Park Ji Sung thay Tevez chạy cánh phải, bên cạnh đó là những "con bài" thay thế chất lượng như Wes Brown, Anderson, Owen Hargreaves, Nani và Darren Fletcher.
2. Đêm qua, đội bóng mạnh hơn thực hiện 18 cú sút - gấp 3 lần đối phương, sở hữu tỷ lệ cầm bóng lên đến 68,9%, tỷ lệ chuyền thành công lên đến 86%, thực hiện 22 pha đi bóng qua người - gấp hơn 4 lần đối thủ, thắng tranh chấp 18 pha, rốt cuộc chỉ thắng vỏn vẹn có 1-0.
Đấy là Man United của Mourinho. Đau đớn hơn, danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu lại thuộc về thủ thành Romero của họ, với 4 pha cứu thua xuất thần.
Giờ đây, người hâm mộ hẳn chẳng còn xa lạ với một Man United "thường thường bậc trung", chẳng mấy khi thua, nhưng những trận thắng cũng nhỏ giọt, cứ đến mỗi bước ngoặt quan trọng là lại "vấp băng" ở điệp khúc hòa.
Nếu không có những pha cứu thua xuất thần của Romero, Man United hẳn đã nguy to.
Người ta cũng quá quen với một Mourinho ghét thất bại, nhưng chẳng vì thế mà thành công, sau mỗi trận thắng lại "nổ như bom", và sau mỗi thất bại là những màn bao biện, đổ lỗi từ nhàm tai đến phát bực mình. Đấy là lý do Roy Keane - vốn "thẳng như ruột ngựa" chẳng thể chịu nổi nữa.
Chẳng phải đến bây giờ người ta mới nhận ra sự cùng quẫn về mặt chiến thuật của nhà cầm quân một thời từng được tôn xưng là HLV xuất sắc nhất thế giới. 2/3 mùa giải đã trôi qua, Mourinho vẫn chưa tìm được hàng thủ ổn định, chưa biết để Pogba đá trụ giữa sân hay kéo lên tấn công, và chẳng tìm ra mảng miếng tấn công nào ngoài bài "bơm" bóng cho Ibrahimovic với khát khao "trăm bó đuốc, kiểu gì cũng bắt được con ếch".
Mourinho đã thực sự "hết bài". Đã qua rồi thời Porto làm cả châu Âu kinh ngạc, Chelsea "xấu xí", nhưng tằng tằng "làm cỏ" cả Premier League, rồi Inter Milan chinh phục Champions League. Chỉ còn lại một Mourinho đóng vai trò nhạt nhòa ở Real Madrid, gục ngã thảm thương ở Chelsea trong lần thứ hai trở lại, cũng như mất phương hướng giữa một giàn sao Man United.
Rốt cục, đội hình chính của Man United phải căng minh ra trên mọi đấu trường.
Trước một Rostov nhỏ bé, yếu ớt, ngay trên Old Trafford huyền thoại, Mourinho đã phải bốc nguyên đội hình chính của Man United (trừ vị trí thủ thành David da Gea) để chỉ kiếm được trận thắng 1-0 mong manh, đổi lại là chấn thương của Paul Pogba, liệu Quỷ đỏ có đủ lực để vô địch Europa League, với những trận đối đầu đầy may rủi?
Cũng ngay trên Old Trafford, trước một Bournemouth đang gồng mình trụ hạng, dẫn bàn trước, chơi hơn người trong suốt cả hiệp đấu thứ hai, thậm chí có cơ hội cực tốt khi được hưởng penalty, rốt cuộc thứ Man United kiếm được chỉ là một trận hòa. Hi vọng gì vào một đội bóng như thế, giữa một Premier League đầy khốc liệt và "hổ báo"?
Mùa giải đã bắt đầu đi vào lúc ngã ngũ, và nếu không có gì bất ngờ, thì liệu Man United dưới thời Mourinho có gì hơn triều đại của David Moyes, của Louis van Gaal?
Một lần nữa, Old Trafford lại chọn nhầm người?