Khi Motorola Razr lần đầu tiên được ra mắt vào năm 2004, chiếc điện thoại này đã nhanh chóng gây ấn tượng mạnh bởi thiết kế của mình. Motorola Razr tự hào với thiết kế mỏng đến khó tin, thanh lịch và trang nhã. Razr thực sự đã trở thành một biểu tượng của hãng điện thoại Motorola nói riêng và toàn bộ điện thoại nắp gập nói chung.
Mặc dù chiếc điện thoại nắp gập này không thể so sánh với iPhone, nhưng nó vẫn khiến nhiều người nhớ mãi. Để rồi đến năm 2020, Motorola đã hồi sinh Razr dưới một hình hài hoàn toàn mới, một chiếc smartphone Android màn hình gập. Với biểu tượng của Razr, chiếc smartphone màn hình gập này nhanh chóng trở thành chủ đề quan tâm và bàn tán của giới công nghệ.
Trong thời đại mà những chiếc smartphone có vẻ ngoài na ná nhau, chúng đã trở nên quá nhàm chán. Motorola Razr 2020 lại là một luồng gió mới, thiết kế giống kiểu điện thoại nắp gập trước đây, nhưng bên trong lại là màn hình gập theo chiều dọc. Một sự giao thoa hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai.
Thế nhưng thực tế đôi khi không giống như những gì chúng ta mong đợi và kỳ vọng. Thậm chí là có thể tồi tệ hơn rất nhiều. Nó giống một cơn ác mộng mà chúng ta không bao giờ dám nghĩ đến. Khi Motorola Razr 2020 không có gì, ngoài sự thất vọng hoàn toàn.
Motorola Razr vừa mới được bán ra cách đây ít ngày. Thế nhưng đã có rất nhiều phản hồi về việc màn hình bị lỗi, bị hỏng, bị bong tróc. Rõ ràng độ bền của những chiếc smartphone màn hình gập vẫn là một bài toán khó giải, không chỉ Motorola Razr mà ngay cả Galaxy Fold của Samsung cũng gặp tình cảnh tương tự.
Không chỉ độ bền, mà trải nghiệm với chiếc smartphone màn hình gập của Motorola cũng thực sự là ác mộng. Hay như trong bài đánh giá chi tiết Motorola Razr mới được DroidLife đăng tải, có nhận xét rằng: “Đây là chiếc điện thoại khó chịu nhất mà tôi từng được sử dụng”.
Bài đánh giá nhấn mạnh rằng Motorola Razr thiếu những tính năng cơ bản nhất mà một chiếc smartphone tiêu chuẩn hiện nay cần có. “Razr có pin nhỏ, độ phân giải màn hình thấp, camera đơn không có nhiều tính năng, cấu hình bình thường. Đó không phải là những gì người dùng muốn, nhất là với mức giá 1.500 USD. Không có lý do gì để chiếc điện thoại này tồn tại”, theo đánh giá của DroidLife.
Theo DroidLife, một trong những chi tiết gây khó chịu nhất chính là cái cằm rất lớn phía dưới. Mô phỏng lại thiết kế của chiếc Razr cũ, tuy nhiên chiếc cằm của Razr mới thực sự là cơn ác mộng khi bạn phải thao tác trên màn hình cảm ứng. Các nút điều hướng, bàn phím, ứng dụng nằm ở phía dưới của màn hình, và cái cằm quá khổ này sẽ cản trở mọi thao tác của bạn.
Camera của Motorola Razr có độ phân giải 16MP, chỉ là một camera đơn duy nhất và thậm chí còn không có chống rung quang học. Camera có thể chụp một bức ảnh ổn trong điều kiện ánh sáng tốt, giống như bất kỳ chiếc smartphone giá 300 USD nào khác. Tuy nhiên, nó thực sự là ác mộng khi chụp ảnh thiếu sáng.
Và cuối cùng là trải nghiệm khi sử dụng một chiếc smartphone màn hình gập mỏng manh, dễ bị tổn thương thật sự tồi tệ. Bạn lúc nào cũng sẽ trong tình trạng muốn gập màn hình lại để bảo vệ cho chiếc điện thoại an toàn. Rồi các nếp gấp, khoảng trống giữa màn hình và thân máy, đều sẽ khiến bạn không thoải mái chút nào.
Tóm tại, DroidLife cho rằng Motorola chỉ lợi dụng tình yêu của người dùng đối với chiếc điện thoại nắp gập biểu tượng Razr, và sao chép một phần thiết kế. Thực chất, chiếc smartphone màn hình gập này không xứng đáng để mang cái tên Razr, nó thực sự là một nỗi thất vọng lớn.
Tham khảo: Droidlife