Khoảng 2 năm trở lại đây, xu hướng vlog du lịch ẩm thực bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Ngoài làm nội dung trong nước, các YouTuber Việt bắt đầu khai thác nhiều nội dung ở nước ngoài, trong đó nổi bật nhất phải kể đến Quỳnh Trần JP (3,54 triệu subscriber) sống tại Nhật Bản chuyên review các món ăn ở đó hay Khoa Pug (2,92 triệu subs) nổi tiếng với những chuyến du lịch nước ngoài tiền tỷ.
Tuy nhiên, do đặc thù của mỗi nước, các YouTuber Việt có thể gặp rắc rối với pháp luật ở nước sở tại nơi họ sinh sống, làm việc hoặc du lịch. Chẳng hạn, hồi cuối năm 2019, chính Khoa Pug vướng vào scandal ghi hình nhân viên phục vụ ở Nhật Bản khi chưa xin phép, dẫn tới tranh luận gay gắt trên mạng.
Các video săn bắt thủy hải sản trên kênh của YouTuber 'Dung Duong'
Mới đây, thêm một vụ việc tương tự được dân mạng phát hiện và phanh phui. Theo phản ánh của trang mạng Yahoo JP, kênh YouTube có tên ‘Dung Duong’ (136.000 subs) có những hành động phá hoại, săn bắt các loại hải sản trong tự nhiên.
Bắt đầu quay clip từ năm 2018, anh chàng này liên tục có những clip hái nấm, bắt cá, cua, ốc, ghẹ và gần đây là hái các loại hoa quả ở Nhật Bản. Hành vi này sau khi được Yahoo JP phản ánh đã được người Nhật và cả chính du học sinh Việt Nam đang sống ở Nhật Bản chỉ ra là phạm pháp.
Cụ thể, việc xâm phạm đất tư hay thu hái hoa quả hoặc các loại thủy sinh như bào ngư, cá trê, cá chình bị cấm theo quy định của pháp luật Nhật Bản, dù có thể được đánh bắt dựa trên quyền khai thác hoặc giấy phép đánh bắt, tài khoản Neko Aki cho biết. Nhiều bình luận khác của dân mạng Nhật Bản bày tỏ thái độ tức giận và yêu cầu YouTuber dừng ngay mọi hành động sai trái.
Hiện kênh YouTube của người này vẫn đang thu hút rất nhiều bình luận giận dữ của dân mạng Nhật Bản với hơn 53 triệu lượt xem trên 200 video khác nhau.
Hàng trăm bình luận thể hiện sự giận dữ của dân mạng Nhật Bản bên dưới các clip của YouTuber này.
Nhật Bản được biết đến là một đất nước có nhiều quy định nghiêm ngặt về rất nhiều vấn đề có vẻ lạ lẫm với người Việt. Chẳng hạn, theo khuyến cáo của Tổ chức quản lý thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài của Nhật Bản, những việc như rút hộ tiền tại máy ATM, chuyển nhượng tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động, nhận bưu phẩm hộ, ký hộ tên người khác… đều bị xem là phạm pháp.
Việc chụp ảnh người khác ở nơi công cộng lẫn riêng tư ở Nhật Bản cũng không được phép, được quy định hẳn trong Hiến pháp Nhật Bản. Do đó, đất nước mặt trời mọc là nơi hiếm hoi trên thế giới mà các nhà sản xuất đưa vào chức năng phát ra âm thanh khi chụp ảnh bằng smartphone. Các đài truyền hình Nhật Bản khi quay phim ghi hình những người không liên quan đều phải làm mờ khuôn mặt.
Vì thế, người Việt Nam khi sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, đặc biệt là các YouTuber, cần tham khảo kỹ quy định của pháp luật trước khi quay và đăng tải lên mạng để tránh rắc rối không đáng có.