Chiều 24/10, tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có ý kiến về phương án thi lớp 10 năm 2025. Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM muốn giữ ổn định kỳ thi vào lớp 10 như các năm trước, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, trước đề xuất đổi môn thi thứ ba hàng năm.
Được biết, nhiều năm nay, TP.HCM tổ chức thi tuyển vào lớp 10 công lập với ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Đầu tháng 10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố cấu trúc, đề minh họa thi lớp 10 năm 2025 với ba môn này.
Về phương án tuyển sinh THPT, dù đã bỏ phương án "bốc thăm" môn thứ 3 gây tranh cãi, song Bộ GD-ĐT vẫn đề xuất có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Ý kiến của Sở GD-ĐT TP.HCM nhận được sự ủng hộ lớn từ phía phụ huynh
Trước ý kiến của Sở GD-ĐT TP.HCM, phụ huynh đã bày tỏ sự đồng tình lớn. Trên các hội nhóm, diễn đàn mạng xã hội, không chỉ phụ huynh ở TP.HCM mà cả Hà Nội cũng đăng bài thể hiện quan điểm hoan nghênh.
Chị Hạ Uyên (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Sở. Nên tập trung vào việc nâng chất cao chất lượng dạy và học, thay vì tạo áp lực cho học sinh, phụ huynh, năm nào cũng phải hồi hộp chờ xem thi môn gì để ôn cho kỹ. Nếu có sự ổn định phương thức thi thì sẽ "nhẹ gánh" hơn rất nhiều cho nhà trường, phụ huynh và học sinh".
Anh Văn Phú, phụ huynh có con đang học lớp 8 tại quận 3, TP.HCM cũng bày tỏ: "Không nên nghĩ các em học sinh chỉ vì thi mới học. Thay vì năm nào cũng thấp thỏm lo âu thì hãy có sự thống nhất trong các năm, hoặc ít nhất đưa ra thông báo ngay từ đầu năm học. Muốn học sinh học cân bằng, giỏi đều các môn thì phải tập trung vào bài giảng, vào phương pháp dạy, để chính các em thấy hứng thú học tập, chứ không phải khiến kỳ thi lớp 10 như trò chơi ú tim".
Theo phụ huynh này, ngoài thi lớp 10 thì trong năm cũng có các kỳ thi học kỳ để kiểm tra kiến thức học sinh nắm được ra sao nên việc lo lắng các em bỏ bê các môn không thi là thừa.
Trong khi đó, một phụ huynh ở Hà Nội cho rằng, môn học nào cũng cần thiết nhưng cấp độ phổ thông thì nên chú trọng vào những môn gốc rễ nhất. Trong trường hợp, có muốn đổi môn thi thì cần thông báo thật sớm để nhà trường, phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị.
"Tôi ủng hộ và mong đề xuất này của TP.HCM có thể thực hiện và mong điều tương tự ở Hà Nội để các con đỡ vất vả. Tỷ lệ cạnh tranh vào trường công đã rất căng thẳng, nếu năm nào các con cũng phải thấp thỏm thêm nữa thì quá tội", phụ huynh này nói thêm.
Được biết, trước đó trả lời trên báo Tiền Phong về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội) cũng bày tỏ: Bộ GD&ĐT đã đưa ra quan điểm thi tuyển THPT gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém thì số môn thi có thể gói gọn trong 2 hoặc 3 môn. Nếu là 2 môn thì chọn Toán và Ngữ văn. Và nếu là 3 môn thì chọn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Chọn môn thứ 3 là Ngoại ngữ bởi lẽ, môn học này là một trong 8 môn bắt buộc tất cả học sinh đều phải học ở THPT. Sau này, nếu môn tiếng Anh được quy định là ngoại ngữ 1, bắt buộc tất cả học sinh từ lớp 3 - 12 phải học thì môn thứ 3 là tiếng Anh. Điều này cũng phù hợp với việc từng bước đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học.