Video: Một vị Uỷ viên Bộ Chính trị từng nói các anh em cảnh vệ rằng “các cậu không bảo vệ được tớ đâu, nhân dân mới là người bảo vệ tớ” (Phạm Thịnh)
Vừa qua, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Cảnh vệ, trong đó có nhiều ý kiến tranh luận quanh quy định đối tượng được cảnh vệ (bảo vệ đặc biệt).
Ngoài các đối tượng cảnh vệ được quy định như trong dự thảo, nhiều địa phương còn đề nghị đưa chủ tịch và bí thư các tỉnh cũng trở thành đối tượng cảnh vệ.
Bên hành lang Quốc hội, trả lời VTC News, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu Bến Tre), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, bí thư, chủ tịch tỉnh có thể là đối tượng bảo vệ nhưng không phải là đối tượng cảnh vệ.
"Bảo vệ và cảnh vệ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nếu xếp bí thư, chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ thì tức là được xếp ngang hàng với những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, như vậy không hợp lý", đại biểu Nhưỡng bày tỏ quan điểm.
Vị đại biểu tỉnh Bến Tre cho rằng chúng ta phải xác định xem người đó có phải là yếu nhân hay không. “Cảnh vệ phải đi kèm với yếu nhân”, ông Nhưỡng bày tỏ.
Vì vậy, nếu chúng ta có quá nhiều cảnh vệ thì sẽ sinh ra một bộ máy tương đương với Bộ Công an.
"Tôi nghĩ rằng điều đó không hợp lý với điều kiện hiện nay. Người dân khi nhìn vào bộ máy này cũng sẽ có cái nhìn không tốt về người lãnh đạo", vị đại biểu Bến Tre nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng kể lại câu chuyện khiến ông nhớ mãi khi trao đổi với một vị Uỷ viên Bộ Chính trị.
“Có một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị từng kể câu chuyện mà tôi cứ nhớ mãi, đồng chí ấy nói với các anh em cảnh vệ rằng “các cậu không bảo vệ được tớ đâu, nhân dân mới là người bảo vệ tớ”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Vị Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội này cho rằng nhân dân mới là người bảo vệ lãnh đạo. "Nếu người lãnh đạo ấy vì Đảng vì dân, vì đất nước thì người đầu tiên bảo vệ họ chính là nhân dân. Bảo vệ là vấn đề mang tính chất gần gũi và thường xuyên", ông Nhưỡng bày tỏ.
Mở rộng câu chuyện, vị đại biểu tỉnh Bến Tre cho rằng các vị trí chủ tịch, bí thư phải là những vị trí gần dân nhất. "Chủ tịch, Bí thư phải học gương Bác Hồ, nhảy xuống ruộng mà tát nước, cấy lúa với người dân. Tôi nghĩ rằng, điều đó chẳng cần ai phải bảo vệ nếu gần dân", ông Nhưỡng nói.
Trong khi đó, thực tế hiện nay, một số vị trí lãnh đạo còn có biểu hiện xa dân, không thực hiện đúng các quy định.
"Với quy định hiện tại, chúng ta quy định Chủ tịch tỉnh tiếp dân một năm hai lần nhưng lại có người không tiếp dân lần nào, đó là một thực tế đáng buồn và cũng được đưa vào báo cáo của Ủy ban Dân nguyện trình ra trước Quốc hội", ông Nhưỡng cho biết thêm.
Ông Nhưỡng cũng lại đưa ra lời dạy của Bác Hồ để nhắc lại bài học phải gần dân và hiểu dân.
"Bác Hồ đã từng dạy phải gần dân, hiểu dân và trọng dân. Cái số 1 là phải gần dân. Nếu không gần dân là đang làm trái với những gì Bác Hồ đã nói. Khi không gần được dân thì lãnh đạo sẽ không hiểu dân. Gần dân đó là một sự vĩ đại.
Điểm khởi đầu của một người lãnh đạo chính là gần dân", Vị Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích.
Trong khi đó, làm rõ thêm quan điểm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho hay: “Tăng thêm thì không chỉ tăng thêm mỗi Chánh án Tối cao, mà Tổng kiểm toán Nhà nước, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng... cũng như vậy”
Thậm chí, sau khi có sự việc xảy ra ở một tỉnh, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ. Qua tổng kết, ông Việt khẳng định, các đối tượng cảnh vệ quy định như trong dự thảo luật là phù hợp với thực tiễn, nên xin được giữ nguyên như dự thảo.
Các đối tượng cảnh vệ
Dự thảo Luật Cảnh vệ quy định các đối tượng cảnh vệ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư T.Ư Đảng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam gồm: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại; Khách mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Khu vực trọng yếu gồm: Khu vực làm việc của T.Ư Đảng; Khu vực làm việc của Chủ tịch nước; Khu vực làm việc của Quốc hội; Khu vực làm việc của Chính phủ; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội.
Sự kiện đặc biệt quan trọng gồm: Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng; Hội nghị của Ban chấp hành T.Ư Đảng; Kỳ họp của Quốc hội; Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Hội nghị, lễ hội do T.Ư Đảng, Nhà nước tổ chức; Đại hội Đại biểu toàn quốc do các tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư tổ chức.