Một vệ tinh có khả năng nhìn xuyên nhà cửa dù ngày hay đêm đang hiện hữu trên đầu chúng ta

Bảo Nam |

Vệ tinh này sử dụng công nghệ định vị bằng tiếng vang, hoạt động tương tự như cách cá heo và dơi định hướng trong môi trường sống.

Cách đây vài tháng, một công ty tên là Capella Space đã phóng một vệ tinh có khả năng chụp ảnh radar rõ nét của bất kỳ nơi nào trên thế giới với độ phân giải đáng kinh ngạc. Nó thậm chí có thể nhìn thấy bên trong một số tòa nhà có cấu trúc đơn giản như: máy bay bên trong nhà chứa máy bay. 

Đại diện công ty cũng quả quyết rằng công nghệ đang sử dụng không thể nhìn xuyên các công trình dày đặc như nhà cao tầng hoặc nhà dân dụng.

Và không giống như hầu hết các vệ tinh quan sát đang quay xung quanh Trái đất, vệ tinh Capella 2 của công ty này có thể chụp được các bức ảnh rõ nét vào ban đêm hay ban ngày, dù mưa hay nắng.

Bởi không giống cách chúng ta đang quan sát Trái đất từ không gian lâu này là sử dụng các cảm biến hình ảnh quang học, công nghệ này bị hạn chế rất nhiều nếu khu vực cần quan sát có nhiều mây hoặc đang là thời điểm ban đêm. Nhưng vệ tinh Capella có thể nhìn xuyên qua đám mây che phủ và nhìn thấy cả trong ánh sáng ban ngày cũng như trong bóng tối hoàn toàn. Đó là bởi thay vì chụp ảnh quang học, nó sử dụng radar khẩu độ tổng hợp, gọi tắt là SAR.

Một vệ tinh có khả năng nhìn xuyên nhà cửa dù ngày hay đêm đang hiện hữu trên đầu chúng ta - Ảnh 1.

Trung tâm Hàng không Quốc tế Roswell, New Mexico. Hình ảnh SAR do Capella Space cung cấp.

SAR hoạt động tương tự như cách cá heo và dơi định hướng bằng cách sử dụng định vị bằng tiếng vang. Vệ tinh sẽ chiếu xuống một tín hiệu vô tuyến 9,65 GHz về phía mục tiêu, sau đó thu thập và giải thích tín hiệu khi nó quay trở lại quỹ đạo.

"Ở tần số đó, các đám mây như trong suốt",CEO Payam Banazadeh, một cựu kỹ sư hệ thống tại Phòng thí nghiệm Lực đẩy phản lực của NASA, chia sẻ. "Bạn có thể xuyên qua mây, sương mù, hơi ẩm, khói.... Những điều đó không còn quan trọng nữa. Và bởi vì bạn đang tạo ra tín hiệu của riêng mình, nó như thể bạn đang mang theo một chiếc đèn pin. Bạn không quan tâm đó là ngày hay đêm ".

Hôm 16/12, Capella đã ra mắt một nền tảng cho phép khách hàng là chính phủ hoặc tư nhân có thể trả tiền để yêu cầu hình ảnh của bất kỳ thứ gì trên thế giới. Và công ty cho biết sẽ triển khai thêm 6 vệ tinh vào năm tới. Theo CEO Banazadeh, đây sẽ là cách công ty giúp "bịt nhiều lỗ hổng" trong cách các nhà khoa học và cơ quan chính phủ hiện có thể giám sát hành tinh này.

Một vệ tinh có khả năng nhìn xuyên nhà cửa dù ngày hay đêm đang hiện hữu trên đầu chúng ta - Ảnh 2.

Công nghệ SAR nhận diện các máy bay bên trong nhà chứa ở một sân bay.

Capella không phát minh ra SAR. Nhưng đây là công ty Mỹ đầu tiên cung cấp công nghệ này và là công ty đầu tiên trên toàn thế giới cung cấp một nền tảng để cho mọi khách hàng tiềm năng có thể tiếp cận nó.

"Một phần của thách thức trong ngành này là làm việc với các nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh rất khó khăn", ông giải thích. "Bạn có thể phải gửi một loạt email để tìm hiểu cách họ có thể thu thập hình ảnh cho bạn. Trong một số trường hợp, bạn có thể phải gửi fax ".

Ngoài ra, một sự đổi mới trong dịch vụ của công ty là độ phân giải mà các vệ tinh của Capella có thể thu thập. Mỗi pixel của một trong các hình ảnh từ vệ tinh sẽ đại diện cho một hình vuông cạnh 50 cm x 50 cm, trong khi các vệ tinh SAR khác trên thị trường chỉ có thể hiển thị khoảng cách tối đa là 5 mét. Và khi nói đến việc thực sự nhận ra những gì bạn đang nhìn từ không gian, con số này tạo ra một sự khác biệt rất lớn.

Một vệ tinh có khả năng nhìn xuyên nhà cửa dù ngày hay đêm đang hiện hữu trên đầu chúng ta - Ảnh 3.

Ảnh chụp thành phố Tokyo. Hình ảnh SAR do Capella Space cung cấp.

Hiện tại, đó là độ phân giải tốt nhất có thể với SAR. Không phải vì những hạn chế về công nghệ mà vì sự giới hạn của hệ thống luật pháp Mỹ. Miễn là công ty không cải thiện độ phân giải vượt quá mức hiện tại, Banazadeh cho biết vệ tinh của hãng có thể chụp ảnh bất kỳ khu vực nào trên thế giới mà khách hàng yêu cầu và trả tiền.

Ông ví dụ những khách hàng đó có thể là các cơ quan chính phủ đang theo dõi quân đội thù địch di chuyển hoặc theo dõi hoạt động của một sân bay. Banazadeh đưa ra ví dụ về một sân bay nơi các máy bay ẩn dưới tán cây sẽ trở nên rõ ràng như ban ngày nhờ các vệ tinh SAR.

Khách hàng của công ty cũng có thể là các nhà khoa học muốn nhìn xuyên qua những đám mây dày đặc của vùng rừng nhiệt đới Amazon để theo dõi nạn phá rừng, hoặc thậm chí là các nhà đầu tư đang muốn kiểm tra chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Và tiềm năng hơn nữa trong tương lai là công ty sẽ sử dụng hai hoặc nhiều vệ tinh SAR trên cùng một mục tiêu để tạo ra các hình ảnh trong không gian ba chiều với độ biến động theo từng phút. CEO Banazadeh cho biết một nhóm đã sử dụng thủ thuật đó để đo lượng dầu đang được lưu trữ trong các bồn chứa dầu lộ thiên hoặc lượng dầu đang được khai thác từ một mỏ lộ thiên vào một ngày nhất định.

Và rõ ràng cách này cũng có thể sử dụng cho các loại hàng hóa khác. Điều đó cũng có thể giúp các cơ quan chức năng giám sát cơ sở hạ tầng để biết các vấn đề an toàn có thể xảy ra hay không, ví dụ như theo dõi mức độ chìm xuống của mặt đất phía trên một đường hầm theo thời gian.

Tham khảo futurism


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại