Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 8/2016 gây thất vọng vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố vào cuối tuần này dường như đang đẩy lùi khả năng Fed sẽ tiến hành nâng lãi suất trong tháng Chín, qua đó giúp vàng thoát khỏi tuần giảm giá.
Mặc dù mở đầu tuần (ngày 29/8) trong không khí khá tích cực do đồng USD xuống giá, vàng đã phục hồi từ mức "đáy" của năm tuần, song mặt hàng kim loại quý này liên tiếp rơi xuống mức thấp nhất khoảng hai tháng trong hai phiên giao dịch liền sau đó, giữa bối cảnh báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ cho hay chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng
Tám tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng qua. Thông tin này giúp đồng bạc xanh đi lên và tạo sức ép xuống giá đối với vàng.
Ngoài ra, báo cáo việc làm ngày 31/8 của công ty ADP cho thấy khu vực tư nhân Mỹ đã tạo thêm được 177.000 việc làm trong tháng Tám, cao hơn dự kiến của các nhà kinh tế, càng củng cố quan điểm cho rằng Fed dường như chắc chắc sẽ nâng lãi suất trong năm nay.
Giá vàng khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng có xu hướng làm giảm nhu cầu đầu tư vào vàng và làm đồng USD mạnh lên.
Tuy nhiên, thị trường vàng đã phục hồi trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, khi nền kinh tế số 1 thế giới vừa tiếp nhận một loạt số liệu kém lạc quan.
Theo số liệu của Viện quản lý nguồn cung công bố ngày 1/9, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của nước này trong tháng 8/2016 giảm xuống 49,4 từ mức 52,6 của tháng Bảy.
Mốc 50 là ngưỡng phân định giữa chiều hướng tăng trưởng và suy giảm. Báo cáo của ISM cho thấy hoạt động kinh doanh của các nhà chế tạo Mỹ tiếp tục gặp nhiều khó khăn với đầu tư vào mua sắm máy móc, máy tính và các trang thiết bị khác đều giảm sút.
Doanh số bán ôtô cũng có dấu hiệu chững lại trong năm nay sau khi thiết lập mức cao kỷ lục trong năm 2015.
Ngoài ra, chỉ số việc làm tháng Tám trong lĩnh vực này cũng sụt giảm trong tháng thứ hai liên tiếp, xuống 48,3, thể hiện tình trạng các nhà chế tạo Mỹ tiếp tục sa thải lao động. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng trước cũng hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2015.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/9, vàng tăng hơn 1% sau khi thị trường tiếp nhận báo cáo việc làm kém tích cực của tháng 8/2016.
Dù vậy, biên độ tăng giá đã bị thu hẹp trong bối cảnh đồng USD mạnh lên. Đáng chú ý, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại Richmond, Jeffrey Lacker cho rằng nền kinh tế Mỹ dường như đủ mạnh để đảm bảo cho đợt nâng lãi suất tiếp theo.
Vào lúc 1 giờ 20 phút ngày 3/9 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,7%, lên 1.322,36 USD/ounce, để tuột mức cao nhất xác lập trong phiên là 1.328,73 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá mặt hàng này tăng nhẹ 0,15%. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 10/2016 cũng tiến 0,73%, lên 1.323,2 USD/ounce.
Báo cáo ngày 2/9 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo thêm 151.000 việc làm trong tháng Tám, thấp hơn dự báo tăng 170.000 việc làm từ các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của MarketWatch, đồng thời cũng giảm mạnh so với số việc làm tạo được trong tháng Bảy (đã có điều chỉnh) là 275.000 việc làm.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ổn định ở mức 4,9% tháng thứ ba liên tiếp và tổng số người thất nghiệp dài hạn cũng không đổi, ở mức 2 triệu người.
Điều này cho thấy thị trường việc làm tại Mỹ chưa có dấu hiệu đáng lo ngại, nhất là khi xu hướng tạo thêm việc làm hàng tháng vẫn được duy trì liên tục trong sáu năm qua.
Hòa theo đà đi lên của giá vàng, giá các kim loại quý khác như bạc, bạch kim và palađi cũng lần lượt tăng 2,5%, 1,1% và 1,4% trong phiên cuối tuần này. Cũng trong phiên 2/9, chỉ số USD - thước đo diễn biến của đồng USD so với rổ gồm sáu đồng tiền chủ chốt - tăng gần 0,3%.