Một trong những lỗ thủng tầng ozone lớn nhất lịch sử chính thức biến mất, nhưng lý do không phải 'nhờ' Covid-19

J.D |

"Thậm chí, Covid-19 và các lệnh phong tỏa liên quan có lẽ chẳng liên quan gì đến việc này." - trích bài đăng trên Twitter của CAMS - trạm quan sát khí tượng Copernicus.

CBS đưa tin, lỗ thủng tầng ozone lớn nhất từ trước đến nay đã chính thức khép lại, đột ngột như cái cách nó xuất hiện vậy.

Các nhà khoa học phụ trách theo dõi lỗ thủng được đánh giá là "chưa từng có này" tại trạm quan sát khí tượng Copernicus (CAMS) đã thông báo về sự thu hẹp của nó từ trước đây 1 tuần. Tuy nhiên, dẫu cho lệnh phong tỏa các thành phố trên thế giới đã giúp giảm lượng khí thải nhà kính, các nhà nghiên cứu tin rằng dịch bệnh Covid-19 dường như không liên quan đến hiện tượng này.

"Thậm chí, Covid-19 và các lệnh phong tỏa liên quan có lẽ chẳng liên quan gì đến việc này." - trích bài đăng trên Twitter của CAMS. "Nó đến từ một luồng khí xoáy mạnh bất thường và tồn tại rất lâu trên vùng cực, và chẳng liên quan gì đến chất lượng không khí cả."

Đến nay, luồng khí xoáy ấy chấm dứt, lỗ thủng tầng ozone cũng đóng lại. CAMS cho rằng trong năm kế tiếp, hiện tượng khí xoáy bất thường này sẽ không xảy ra.

Theo số liệu mới nhất từ NASA, nồng độ ozone tại Bắc Cực đã đạt mức thấp kỷ lục trong tháng 3. Sự suy giảm nghiêm trọng này là khá bất thường, chỉ có 2 giai đoạn năm 1997 và 2011 là có hiện tượng tương tự xảy ra thôi.

"Dù hiếm, nhưng hiện tượng này không phải chưa từng xảy ra," - các nhà khoa học chia sẻ.

Trên thực tế, chất chlorofluorocarbon (CFC) do con người tạo ra và ứng dụng trong máy lạnh, tủ lạnh... đã khiến tầng ozone bị đục thủng trong thế kỷ 20, tạo ra một lỗ thủng khổng lồ tại Nam Cực vào thập niên 1980. Tuy nhiên, lỗ hổng tại bắc cực lại là do "hiện tượng khí quyển bất thường", thứ đã đẩy các hóa chất công nghiệp lên tầng thượng quyển và phản ứng với tầng ozone.

Một trong những lỗ thủng tầng ozone lớn nhất lịch sử chính thức biến mất, nhưng lý do không phải nhờ Covid-19 - Ảnh 2.

"Việc nồng độ ozone tại Bắc Cực sụt giảm mạnh xảy ra 1 lần trong mỗi thập kỷ," - Paul Newman, chuyên gia từ NASA chia sẻ trong cuộc họp báo mới đây. "Đối với tình trạng của tâng ozone, đây là vấn đề đang lo ngại bởi thông thường nồng độ ozone sẽ tăng cao trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4."

Đầu tháng 4, Cơ quan vũ trụ châu Âu ESA cho biết có một lỗ thủng ozone hiếm gặp xuất hiện ở Bắc Cực, với kích cỡ gấp 3 lần diện tích đảo Greenland. Họ dự đoán lỗ thủng này sẽ "lành lại" khi nhiệt độ tăng lên, phá vỡ xoáy khí tại Bắc Cực và khiến bầu không khí giàu ozone dưới thấp tràn lên.

Năm 1987, Hiệp định Montreal được ký kết, 197 quốc gia đã đồng ý loại bỏ CFC ra khỏi các đồ điện gia dụng để bảo vệ tâng ozone. Newman nhận định nếu không có sự kiện này, mối đe dọa từ lỗ thủng Bắc Cực mới đây hẳn sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn.

Nguồn: CBS News

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại