Một tỉnh sát vách Hà Nội sẽ thành nơi đáng sống, người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc

Pha Lê |

Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài việc khai thác các thế mạnh, phát huy mọi tiềm năng, tỉnh đưa ra ba đột phá trong phát triển.

3 đột phá trong phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc

Theo niên giám thống kê năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.235,87 km2, có 41 dân tộc anh, em sinh sống trên địa bàn tỉnh. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính: 2 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên); 136 xã, phường, thị trấn.

Vĩnh Phúc là cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; có vị trí cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, là đầu mối các tuyến giao thông như đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Do vậy, Vĩnh Phúc có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng, khu vực và quốc gia.

Tỉnh Vĩnh Phúc là cầu nối giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua Quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Phòng và trục đường 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân; có vị trí quan trọng đối với vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội và với quốc gia; các kết nối hạ tầng giao thông liên vùng tương đối đồng bộ, là những điều kiện vô cùng thuận lợi giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một tỉnh sát vách Hà Nội sẽ thành nơi đáng sống, người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc - Ảnh 1.

Một góc thành phố Vĩnh Yên

Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu những năm 2030. Nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.

Tỉnh khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, phát huy tốt lợi thế phát triển vùng, vành đai công nghiệp Bắc Giang- Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Phú Thọ trở thành động lực tăng trưởng của cả vùng; Giữ vị thế của một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; Phát triển tỉnh có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội tỉnh và liên tỉnh thông suốt, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như doanh nghiệp, đồng thời bắt kịp với nhu cầu phát triển trong tương lai.

Quy hoạch đưa ra ba đột phá trong phát triển. Một là, khai thác tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Hai là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là nâng cao năng suât, chât lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Ba là, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, chính sách, pháp luật; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển.

Tình hình kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc 8 tháng đầu năm

Liên quan đến tình hình kinh tế xã hội trong 8 tháng đầu năm, theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, 8 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,41% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng của CPI là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,31% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,77 điểm phần trăm; việc điều chỉnh mức học phí tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ năm học 2022 - 2023 làm chỉ số giá của nhóm giáo dục tăng 18,90% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,22 điểm phần trăm.

Một tỉnh sát vách Hà Nội sẽ thành nơi đáng sống, người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc - Ảnh 2.

Khu du lịch Tam Đảo của Vĩnh Phúc

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, lưu trú ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 53.079 tỷ đồng, tăng 23,72% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 45.223,4 tỷ đồng, chiếm 85,20% tổng mức, tăng 20,44%; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 4.775,3 tỷ đồng, chiếm 9% tổng mức, tăng 65,36%; doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 3.080,4 tỷ đồng, chiếm 5,80% tổng mức, tăng 24,85%.

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.868,12 tỷ đồng, tăng 19,57%, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch vượt trội hơn so với cùng kỳ năm là 45,06% kế hoạch giao (cùng kỳ năm 2022 chỉ đạt 41,72% kế hoạch).

Tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cao nhất là các công trình, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (ODA) với 194,67 tỷ đồng, hoàn thành 49,16% kế hoạch giao. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2.379,9 tỷ đồng, tăng 9,17%, vốn ngân sách cấp huyện đạt 1.939 tỷ đồng, tăng 21,97%, vốn ngân sách cấp xã đạt 549,21 tỷ đồng, tăng 82,15% so với cùng kỳ năm trước.

Đến ngày 15/8/2023, toàn tỉnh đã thu hút được 18 dự án DDI (9 dự án cấp mới, 9 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 12,21 nghìn tỷ đồng, tăng 24,64%, tăng mạnh ở các dự án điều chỉnh tăng vốn đăng ký với 8,47 nghìn tỷ đồng tăng thêm, tăng 461,79% so với cùng kỳ năm trước. Tập trung chủ yếu ở ngành dịch vụ với 6,53 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, chiếm 53,74%; ngành công nghiệp là 5,68 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,26% tổng vốn đăng ký.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 51 dự án (20 dự án cấp mới, 31 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 468,27 triệu USD, tăng 67,06% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có 1.007 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 8.090 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho 6.475 lao động, tăng 12,14% về số doanh nghiệp, tăng 25,87% số lao động nhưng giảm 29,71% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 273 doanh nghiệp, giảm 13,06% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 1.280 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 160 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại