Đây là nơi có mỏ Groningen, một trong những mỏ có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, chứa khoảng 450 tỷ mét khối (BCM) khí có thể khai thác. Trong bối cảnh hiện tại, lượng khí đốt này tương đương giá trị gần 3 năm nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga.
Vào giữa những năm 2010, Groningen vẫn cung cấp hàng năm khoảng 30 tỷ mét khối, nhưng năm nay dự kiến chỉ sản xuất được 4,6 tỷ mét khối khí. Cách đây vài năm, chính phủ đã quyết định ngừng sản xuất khí đốt ở Groningen để khắc phục các cơn địa chấn do hoạt động khai thác.
Mặc dù những trận động đất này được báo cáo không gây ra bất kỳ trường hợp tử vong hoặc bị thương nào nhưng trong những năm qua, chúng đã gây ra hơn 1 tỷ Euro thiệt hại về cơ sở hạ tầng.
Cho đến nay, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu không ảnh hưởng nhiều đến tính toán của The Hague. Viện dẫn những lo ngại về an toàn, các nhà chức trách Hà Lan khẳng định chưa xem xét tăng cường sản xuất khí đốt ở Groningen.
Mặc dù sự thận trọng của The Hague là điều dễ hiểu, nhưng xét đến mức độ nghiêm trọng của tình hình, có những lý do thuyết phục khiến việc tăng sản lượng khí đốt ở Groningen sớm hơn là hợp lý.
Thứ nhất, nếu Groningen không tăng sản lượng trong những tháng tiếp theo, châu Âu có thể phải đối mặt với một mùa đông rất khó khăn. Để có thể vượt qua mùa đông đầu tiên mà không có khí đốt của Nga, các nước EU cần bổ sung lượng khí dự trữ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ thực hiện vì Nga đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và các nhà cung cấp đường ống thay thế có công suất dự phòng rất hạn chế.
Hơn nữa, khó có thể cho rằng chỉ riêng việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể lấp đầy khoảng trống do khí đốt của Nga để lại. Về nguồn cung, thị trường LNG hiện đang rất khan hiếm.
Thứ hai, có rất ít lý do để tin rằng Nga sẽ không cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong thời gian ngắn.
Vì vậy, điều quan trọng là phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và bắt đầu chuẩn bị cần thiết khi vẫn còn thời gian. Nếu không, có nguy cơ là một khi Moscow đột ngột cắt phần còn lại của nguồn cung khí đốt, châu Âu có thể sẽ phải gánh chịu giá năng lượng thậm chí còn cao hơn, lạm phát sẽ tăng vọt và lo ngại về một cuộc suy thoái sẽ "nóng" lên.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Groningen không phải là phép thần kỳ đối với khủng hoảng năng lượng của châu Âu. Bất chấp quy mô của mỏ khí, vì lý do kỹ thuật và an toàn, việc tăng mạnh sản lượng khai thác một cách nhanh chóng sẽ là một thách thức.
Viễn cảnh khả quan nhất trên thực tế là tăng sản lượng khí đốt tại Groningen khoảng 8 - 17 BCM khí mỗi năm (tương đương cách đây 3 - 4 năm) trong vài năm tới.
Kỳ tích quan trọng nhất mà Groningen có thể đạt được là cho châu Âu thêm thời gian để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG mới. Đồng thời, nó cũng sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội để giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu thông qua các sáng kiến hiệu quả năng lượng khác nhau...