Một tỉnh Nam Trung Bộ đặt mục tiêu tỉnh giàu và người dân cũng giàu

Pha Lê |

Tỉnh này là tỉnh nằm ở trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, là cửa ngõ kết nối với vùng Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan.

Phú Yên đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng

Chiều ngày 15/9/2023, Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được diễn ra. Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, tỉnh Phú Yên xác định việc lập quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ quan trọng.

Quy hoạch tỉnh hướng đến mục tiêu là tỉnh giàu và người dân cũng giàu; Phú Yên có đủ các điều kiện để thực hiện mục tiêu đề ra; thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến khu kinh tế Nam Phú Yên; có bờ biển dài, kết nối khu vực Tây Nguyên để phát triển nông nghiệp, phát huy nền văn hóa đặc sắc, đậm đà; có đủ điều kiện để phát triển một cách toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh.

Theo báo cáo tóm tắt nội dung quy hoạch, tỉnh Phú Yên đưa ra mục tiêu phát triển đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa vào lợi thế biển với các trụ cột công nghiệp, du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp công nghệ cao, vận tải biển và logistics. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Mục tiêu đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước, phấn đấu từ năm 2035 tỉnh Phú Yên tự cân đối được ngân sách nhà nước. Là một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Nam Trung Bộ; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Một tỉnh Nam Trung Bộ đặt mục tiêu tỉnh giàu và người dân cũng giàu - Ảnh 1.

Vựa lúa Tuy Hòa. Ảnh Trần Quỳ

Tỉnh xác đinh các trụ cột phát triển, gồm: Về công nghiệp - xây dựng đô thị; dịch vụ - du lịch; về nông-lâm-thủy sản. Tỉnh cũng đưa ra các khâu đột phá như cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; nâng cao trình độ, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức. Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, nâng dần vị trí xếp hạng các chỉ số của tỉnh lên thuộc nhóm tốt của cả nước.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, năng động. Huy động mạnh mẽ nguồn lực ngoài nhà nước để tập trung phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tiềm năng kinh tế của Phú Yên

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.023,4 km2. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, phía Đông giáp biển Đông. Tỉnh Phú Yên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện với 110 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 21 phường, 6 thị trấn và 83 xã.

Phú Yên là tỉnh nằm ở trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, là cửa ngõ kết nối với vùng Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Phú Yên có đường bờ biển dài gần 190 km với nhiều tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, nhiều tiềm năng phát triển, nhưng gần như chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như Vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa; cao nguyên Vân Hòa...

Tỉnh có nguồn tài nguyên nước dồi dào, tài nguyên đất còn nhiều dư địa thuận lợi để phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Phú Yên có hệ thống sông ngòi phân bổ tương đối đều trên toàn tỉnh, các sông đều bắt nguồn từ phía Đông của dãy Trường Sơn, chảy trên địa hình đồi, núi ở trung và thượng lưu, đồng bằng nhỏ hẹp ở hạ lưu rồi đổ ra biển. Phú Yên có trên 50 con sông lớn nhỏ, đáng chú ý là 3 con sông chính: sông Kỳ Lộ, Sông Ba, Sông Bàn Thạch...

Với bờ biển dài 189 km, có nhiều vịnh, bãi, vũng, đầm phá, gành còn mang vẻ đẹp hoang sơ tạo nên những cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng là tiềm năng rất lớn cho du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Phú Yên có nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa sông, đầm phá, vịnh rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Đây là tiềm năng, lợi thế để Phú Yên phát triển kinh tế biển.

Phú Yên là tỉnh có nhiều thuận lợi trong kết nối giao thông với đầy đủ các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cảng hàng không Tuy Hòa có vị trí rất thuận tiện và có nhiều tiềm năng để nâng cấp trở thành một trong những cảng hàng không lớn, hiện đại; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối của Phú Yên đã được đầu tư tương đối đồng bộ.

Một tỉnh Nam Trung Bộ đặt mục tiêu tỉnh giàu và người dân cũng giàu - Ảnh 2.

Tháp Nhạn (thành phố Tuy Hòa). Ảnh Nguyễn Việt Dũng

Tình hình kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 của Phú Yên với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) dự ước đạt 6,9%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 1.726 tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán TW giao, bằng 21,6% dự toán tỉnh giao, bằng 65,2% so với cùng kỳ (số tuyệt đối giảm 920 tỷ đồng), trong đó các khoản thu nội địa đạt 1.696 tỷ đồng, đạt 33,5% dự toán T,Ư giao, đạt 21,4% dự toán tỉnh giao, bằng 64,4% so với cùng kỳ (số tuyệt đối giảm 927 tỷ đồng).

Chi ngân sách địa phương thực hiện là 4.999 tỷ đồng, đạt 45,7% dự toán TW giao, đạt 36,2% dự toán tỉnh giao, trong đó chi thường xuyên là 2.557 tỷ đồng. Các lĩnh vực chi ngân sách địa phương cơ bản đều đảm bảo theo tiến độ dự toán được giao.

Tập trung thực hiện công tác quyết toán dự án công trình hoàn thành theo quy định, trong 06 tháng đầu năm tiếp nhận 23 dự án, đã quyết định phê duyệt 12 dự án, đã họp thông qua 05 dự án đang hoàn tất hồ sơ trình phê duyệt quyết toán, các dự án còn lại đang thẩm tra theo thời gian quy định của Bộ Tài chính.

Tính đến ngày 20/6/2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 879.143 triệu đồng, bằng 11,2% kế hoạch vốn tỉnh giao và bằng 15,3% kế hoạch vốn trung ương giao

Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 10.710,5 tỷ đồng , đạt 51% kế hoạch năm, tăng 19,2% so với cùng kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại