Một thời kiếm khá, giờ khổ hơn công nhân, tài xế giao đồ ăn cay đắng: "Họ muốn gì? - Muốn tôi chết sao?"

Mạnh Kiên |

Để bù đắp tiền công ngày càng thấp, nhiều tài xế giao đồ ăn vượt đèn đỏ để giao kịp giờ, bất chấp việc gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường.

Bóp nghẹt đến cùng cực

Một nhân viên giao hàng dừng xe giữa đường, đập vỡ điện thoại xuống nền bê tông sau khi nhận được đánh giá tiêu cực từ khách hàng.

Một nhân viên giao hàng khác quỳ xuống xin lỗi người cảnh sát đã chặn anh lại vì vượt đèn đỏ, trước khi đứng dậy, đẩy xe băng đường một cách bất cần.

Trong một vụ việc khác, đám đông tài xế tức giận tụ tập bên ngoài một khu chung cư, đòi công lý cho một tài xế giao hàng bị nhân viên bảo vệ tại đó bắt nạt.

Đây chỉ là một vài trong số nhiều cuộc tranh cãi dữ dội trên khắp Trung Quốc liên quan đến nhân viên giao hàng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, cho thấy những người làm công việc này đang căng thẳng đến mức không thể chịu đựng nổi.

 - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp trị giá 200 tỷ USD, lớn nhất thế giới về doanh thu và khối lượng đơn hàng, đã tăng gấp đôi trong ba năm phong tỏa vì Covid-19 và từng mang lại thu nhập ổn định cho những người lao động thời vụ. Nhưng giờ thì không còn nữa.

Khi nền kinh tế Trung Quốc phải vật lộn với hàng loạt khó khăn, từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đến tình trạng người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, người giao hàng là đối tượng chịu nhiều tác động, theo CNN.

Những thách thức đó đã trở nên rõ ràng hơn khi Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong quý 3, do sức tiêu dùng yếu và khủng hoảng trên thị trường bất động sản.

"Họ làm việc nhiều giờ, thực sự bị chèn ép", Jenny Chan, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho biết. "Và họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực vì các nền tảng giao hàng đang trả công ở mức thấp".

Nền kinh tế trì trệ đồng nghĩa với mọi người sẽ gọi những bữa ăn rẻ hơn. Điều đó làm giảm thu nhập của người lao động vì hầu hết đều được trả theo hoa hồng, buộc họ phải làm việc nhiều giờ hơn để duy trì thu nhập, Chan nói.

Ngoài ra, sự thống trị của hai nền tảng giao đồ ăn lớn cho phép họ áp đặt các điều khoản hợp đồng, khiến người lao động không có nhiều cơ hội phản đối tình trạng điều kiện làm việc ngày càng xấu đi.

"Họ muốn tôi chết sao"?

Khoảng 12 triệu tài xế tạo nên xương sống của mạng lưới giao đồ ăn rộng lớn của Trung Quốc, bắt đầu phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của ứng dụng Ele.me vào năm 2009, hiện thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Alibaba.

Những người lao động này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cộng đồng trong thời kỳ Covid khi người dân bị cấm rời khỏi nhà theo lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Giờ đây, họ trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của đất nước.

Tài xế giao hàng có mặt ở khắp mọi nơi: băng qua đường sá đông đúc, những con hẻm tối tăm để giao đồ ăn mỗi ngày. Một số thậm chí không dừng lại ngay cả khi trời mưa to hoặc bão lớn.

Thị trường đạt 214 tỷ USD vào năm 2023, gấp 2,3 lần so với năm 2020, theo ước tính của iiMedia Research. Ngành công nghiệp này dự kiến sẽ đạt 280 tỷ USD vào năm 2030. Morningstar cho biết Trung Quốc có thị trường giao đồ ăn mang về lớn nhất thế giới.

Ngày nay, người lao động liên tục phải chịu áp lực rất lớn để đáp ứng thời hạn gấp rút, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ phải phóng nhanh hoặc vượt đèn đỏ - gây ra mối nguy hiểm cho cả bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Tài xế giao hàng đập vỡ điện thoại ở trên khẳng định đánh giá xấu từ khách hàng là vô căn cứ. Nhưng anh vẫn bị phạt khiến thu nhập giảm sút.

"Họ muốn gì thế? Họ muốn tôi chết sao?" anh nói trong video.

Năm ngoái, lợi nhuận của hai công ty lớn nhất trong ngành là Meituan và Ele.me đều tăng vọt. Doanh thu của Meituan đạt 10 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2022.

Alibaba báo cáo doanh thu 8,3 tỷ USD, chủ yếu nhờ Ele.me, trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3, tăng 19% so với năm trước.

 - Ảnh 2.

Tiền công giảm dần

Trong khi nền tảng làm ăn khấm khá, tiền công của nhân viên giao hàng giảm đáng kể.

Năm ngoái, họ kiếm được 6.803 nhân dân tệ (956 USD) một tháng, theo báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu việc làm mới của Trung Quốc. Con số này ít hơn gần 1.000 nhân dân tệ (140 đô la) một tháng so với mức kiếm được cách đây năm năm, mặc dù nhiều người nói rằng họ phải làm việc nhiều giờ hơn.

Nghe có vẻ không đáng kể nếu tính bằng USD, nhưng sự chênh lệch 1.000 nhân dân tệ là một số tiền lớn ở một quốc gia có mức lương trung bình hàng tháng toàn quốc là 1.838 nhân dân tệ (258 USD) vào năm ngoái, theo NBS.

 - Ảnh 3.Bí ẩn dòng chữ "lắp ráp tại Trung Quốc" trên vỏ hộp iPad: Người lắp ráp ở đây thực sự là ai?

Sản phẩm của Apple thường ghi trên hộp là "lắp ráp tại Trung Quốc", để lại bí ẩn về việc ai là người lắp ráp chúng.

Lu Sihang, 20 tuổi, nói với CNN rằng anh làm ca 10 tiếng, giao 30 đơn hàng mỗi ngày. Anh kiếm được khoảng 30 đến 40 USD (khoảng 800 nghìn đồng) mỗi ca. Với mức lương đó, Lu phải làm việc gần như mỗi ngày để đạt được mức lương trung bình là 950 USD (24 triệu).

Gary Ng, nhà kinh tế học tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết "mức tiêu thụ giảm" của Trung Quốc là nguyên nhân. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, người tiêu dùng chi tiêu ít hơn.

Chuyên gia kinh tế cho biết mặc dù thực phẩm là nhu cầu thiết yếu nhưng nền kinh tế yếu khiến khách hàng chi ít tiền hơn cho dịch vụ giao đồ ăn, trong khi các nhà hàng sẽ phải giảm giá để thu hút khách hàng.

Điều đó làm giảm thu nhập của nhân viên giao hàng vì tiền công của họ thường gắn với hoa hồng dựa trên giá của đơn hàng. Khi khách hàng thiếu thốn, họ cũng ít đưa tiền boa hơn.

Trong khi đó, nền kinh tế ảm đạm cũng đồng nghĩa với có ít việc làm hơn, khiến cạnh tranh trở nên khốc liệt. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng vọt lên 18,8% vào tháng 8.

Chan cho biết các nền tảng đã đầu tư mạnh ngay từ đầu để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Nhưng giờ đây khi đã đạt được sự thống trị, họ bắt đầu chuyển gánh nặng chi phí sang tài xế bằng cách cắt giảm tiền thưởng và tiền lương.

 - Ảnh 4.

Không làm gì sai

Đầu năm nay, cổng thông tin trực tuyến do nhà nước quản lý Workers.cn đưa tin về một số khiếu nại từ tài xế cho rằng họ không làm gì sai.

Một tài xế cho biết anh bị phạt 86 nhân dân tệ (12 USD) vì không nhận đơn hàng đã chuẩn bị sẵn, mặc dù anh đã thông báo với nhà hàng rằng anh sẽ không nhận đơn hàng đó vì nhà hàng không chuẩn bị đồ ăn đúng giờ, Workers.cn đưa tin.

Chan cho biết một vấn đề khác là nhân viên giao hàng được coi là người làm việc tự do được trả công theo mỗi đơn giao, thay vì được trả lương hàng tháng, điều này khuyến khích họ bất chấp điều kiện đường sá nguy hiểm để giao hàng nhiều nhất có thể.

"Chẳng ai muốn vượt đèn đỏ nếu như không rơi vào tình cảnh ấy. Họ không làm khác được", bà nói.

Hậu quả đã được chứng minh là rất nghiêm trọng. Theo Global Times, năm 2019, một tài xế giao hàng đã tử vong sau khi bị cây đổ do gió mạnh ở Bắc Kinh.

 - Ảnh 5.Ứng dụng ebook bản quyền ra mắt, phục vụ nhu cầu của 300.000 người dùng máy đọc sách ở Việt Nam

Ứng dụng ebook bản quyền cho máy đọc sách đầu tiên tại Việt Nam do Akishop và Alphabooks hợp tác hứa hẹn mang lại nguồn sách chất lượng cho người dùng các thiết bị E-Ink.

Tuần trước, Đài Phát thanh Trùng Khánh đã phát sóng đoạn phim ghi lại cảnh một tài xế giao hàng đâm vào một chiếc ô tô tại một ngã tư ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc sau khi vượt đèn đỏ.

Lu, một tài xế giao hàng Meituan 19 tuổi tại Quảng Châu, nói với Nikkei Asia rằng anh chỉ kiếm được 7 nhân dân tệ cho mỗi lần giao hàng (chưa đến 1 USD). Anh trung bình giao khoảng 30 đơn mỗi ngày, mức thu nhập còn thấp hơn công nhân tại một nhà máy địa phương ở Quảng Châu.

"Tôi chỉ được nghỉ hai ngày mỗi tháng và không được về thăm nhà", Lu, người đã nghỉ việc sau sáu tháng để trở về quê nhà, cho biết. "Công việc này rất khó khăn".

Một tài xế giao hàng 35 tuổi họ Yang thừa nhận những rối ren, nói rằng ngành này "không còn tốt như trước".

Nhưng anh vẫn nghĩ công việc phù hợp với mình hiện tại, sau khi đã trải qua nhiều nghề trước đây, từ bán đồ ăn nhẹ đến ngồi văn phòng.

"Đây là công việc linh hoạt. Muốn kiếm nhiều tiền hơn thì phải làm nhiều hơn. Muốn nghỉ ngơi thì làm ít đi", Yang nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại