Tại Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc, ông Zhang Wurong đang làm việc cật lực để đưa hàng núi kén vào máy quay tơ.
Ở khu vực này, tằm là ngành kinh doanh “hái ra tiền”. Người dân địa phương coi loài côn trùng này là tấm vé cho sự giàu có của họ.
Huyện Ngô Bảo, nơi ông Zhang sống, là một vùng nông nghiệp. Trong nhiều thế kỷ, người dân địa phương đã kiếm sống bằng các loại cây trồng như ngô và táo tàu, có đặc tính phù hợp với khí hậu khô hạn. Nhưng từ những năm 1644-1912, nông dân ở đây cũng bắt đầu tăng thu nhập bằng cách nuôi tằm trong thời gian rảnh rỗi.
Suốt một thời gian dài, sản xuất tơ lụa chỉ là một “nghề tay trái” đối với những người nông dân ở Ngô Bảo. Họ chỉ kiếm thêm một ít tiền nhờ tơ lụa vào những lúc không phải cày cấy, trồng trọt.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu bùng nổ vào cuối thế kỷ 20, lụa dần được nâng cao giá trị, trở thành phương thức làm giàu hữu hiệu.
Ông Zhang Wurong đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và trở thành một ông chủ nhà máy sản xuất tơ lụa có quy mô công nghiệp.
Chiếc máy quay tơ được sử dụng cho phép người đàn ông 59 tuổi thu hoạch lụa dễ dàng hơn. Nó sử dụng nước sôi để lột kén, tách những con tằm bên trong ra, sau đó xử lý kén thành vải lụa. Xác tằm sẽ thoát ra cùng với nước thải ở bước cuối cùng.
Trước đây, ông Zhang phải lột và bung từng cái kén theo cách thủ công, tốn công sức và thời gian nghiêm trọng. Điều này hạn chế năng suất thu thập tơ của ông.
“Tôi chỉ có khoảng năm ngày để xử lý tất cả các kén,” ông Zhang nói với Sixth Tone. “Khi côn trùng cắn lỗ mà bay ra cũng là lúc cái kén đã hỏng, không thể nhả ra tơ tốt.”
Ông Zhang Wurong đang sử dụng máy quay tơ, ở Ngọc Lâm, tỉnh Thiểm Tây.
Vấn đề ở huyện Ngô Bảo chính là khí hậu. Không giống như ở các tỉnh phía đông Giang Tô và Chiết Giang, vốn là trung tâm truyền thống của ngành tơ lụa Trung Quốc, ở đây không thể nuôi tằm quanh năm.
Sâu ăn lá dâu, nhưng cây dâu ở Ngô Bảo chỉ sản xuất đủ lá để nuôi côn trùng vào 2 thời điểm: Đó là cuối mùa xuân và đầu mùa thu.
Vì lý do này, toàn huyện phải làm việc không ngưng nghỉ trong giai đoạn đó, cố gắng không lãng phí bất cứ chiếc kén nào.
Bắt đầu từ những năm 1980, mô hình sản xuất tơ lụa tập thể được triển khai nhằm chuyển đổi nuôi tằm từ một hoạt động bình thường, hộ gia đình thành một ngành công nghiệp quy mô lớn.
Trang trại cây dâu tằm ở Ngô Bảo, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Ông Zhang cho biết, một viện nghiên cứu nông nghiệp địa phương được giao phụ trách nuôi và phân phối tất cả tằm của quận, đảm bảo rằng tằm có vòng đời tiêu chuẩn.
“Viện sẽ là đơn vị quyết định lúc nào nên lấy trứng tằm ra khỏi kho lạnh, dựa theo dự báo thời tiết và điều kiện phát triển của lá dâu tằm. Trứng sẽ được chuyển đến các vùng nông thôn được chỉ định để bắt đầu vòng đời gần một tháng của chúng”, ông cho biết.
Cách làm này dần cho thấy hiệu quả. Vào năm 2021, huyện đã nuôi được hơn 2 triệu con tằm, tăng gấp 50 lần so với năm 2013. Những con tằm này sản xuất ra 39 tấn kén, mang lại tổng thu nhập 2,3 triệu nhân dân tệ, theo dữ liệu chính thức từ địa phương.
Một nông dân địa phương đang bán kén cho chủ nhà máy ở Ngọc Lâm, tỉnh Thiểm Tây.
Những khoản thu được đã giúp huyện tự vươn lên, thoát khỏi cảnh nghèo đói. Thu nhập khả dụng trung bình hàng năm của người dân địa phương tăng lên tới 18.200 nhân dân tệ. Đời sống của mọi người đều thoải mái hơn trước rất nhiều.
Ông Zhang cho biết, năm nay, nông dân được trợ cấp để bắt đầu thử nuôi tằm. Điều này sẽ thu hút nhiều người tham gia vào ngành sản xuất này hơn.
Người nông dân đứng trước một trong những cây dâu tằm của mình.
Trong bối cảnh việc mở rộng trồng ngô ở khu vực miền núi là rất khó khăn, còn thị trường táo tàu đã dư cung, thì tham gia vào sản xuất tơ lụa chính là cơ hội tốt để gia tăng thu nhập cho mọi người.
Một nông dân địa phương 64 tuổi, tên là Xing, nói với Sixth Tone rằng ông vừa có một năm “khấm khá” nhất trong đời nhờ việc nuôi tằm. Ông đã sản xuất 35 kg kén trong năm nay và bán chúng cho Zhang với giá 40.000 nhân dân tệ.
Ông Zhang đã bắt đầu làm việc với phòng nông nghiệp địa phương để hướng dẫn nông dân nuôi tằm từ năm 1983. Không phải lúc nào mọi việc cũng thuận buồm xuôi gió. Vào những năm 1990, giá kén tằm liên tục giảm trong nhiều năm khiến nhiều nông dân địa phương bỏ nghề, lên thành phố kiếm việc làm.
Kinh nghiệm đó đã dạy cho ông Zhang một bài học: Nuôi tằm thôi chưa đủ; mọi người cần tìm cách nâng cao lợi nhuận thu về từ các sản phẩm lụa. Điều đó khiến ông quyết tâm thành lập nhà máy của riêng mình.
Ông Zhang nói: “Nếu có thể đầu tư vào thiết bị công nghệ cao, chúng tôi sẽ dần dần cải thiện chất lượng lụa. Có như vậy, các sản phẩm lụa làm ra mới tăng giá trị, đem lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất.”
Vào những năm 2000, ông Zhang đã làm được điều đó. Ông đầu tư mua sắm một số máy chế biến tơ tằm, thành lập doanh nghiệp của riêng mình. Để đảm bảo đầu vào sản xuất, ông bắt đầu mua kén từ nông dân của huyện Ngô Bảo, sẵn sàng trả phí cao hơn so với giá mua trên thị trường bấy giờ.
Sau đó, vào năm 2013, cuối cùng nhà máy của ông Zhang cũng được mở rộng tới 3.000 mét vuông, phục vụ cho việc sản xuất chăn lụa một cách công nghiệp.
Chi phí để đầu tư cho nhà máy này lên tới gần 3 triệu nhân dân tệ, nhưng ông Zhang cho rằng, nó đáng đồng tiền bát gạo. Quả thật, nhà máy đã tạo ra doanh thu 3 triệu nhân dân tệ chỉ trong hai năm đầu tiên đi vào hoạt động. Lợi nhuận mà ông chủ nhà máy thú được lên tới 30%.
Sản phẩm mền lụa do ông Zhang sản xuất.
Ông chủ này cho biết, bí quyết thành công của mình không có gì đặc biệt, chỉ đơn giản là sử dụng lụa để sản xuất ra một loại mền lụa. Trước đây, lụa của huyện Ngô Bảo chỉ được bán làm nguyên liệu thô cho các nhà máy sản xuất khăn lụa cao cấp. Lợi nhuận mà người dân thu về thấp hơn nhiều.
Trong tương lai, ông Zhang muốn thành lập nhà máy khăn quàng cổ của riêng mình vào một ngày nào đó. Nhưng điều đó sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ, lên tới hơn 100 triệu nhân dân tệ. Đó là mức phí mà ông chưa sẵn sàng chi trả ở thời điểm này.
Ông nói rằng mền lụa là một sản phẩm thông thường, giá thành rẻ hơn, tiện dụng hơn, nên chúng vẫn bán rất chạy.
Ông Zhang cho biết: “Tất cả mọi người đều ngầm mặc định rằng, loại lụa tốt nhất phải được sử dụng để làm khăn lụa. Do đó, khăn lụa được bán giá cao nhất, cũng thu được lợi nhuận tốt nhất. Trong khi đó, loại lụa kém hơn sẽ dành cho sản xuất chăn mền lụa. Nhưng tôi đã tìm được nhiều khách hàng sẵn sàng mua loại chăn này.”
Một chiếc chăn lụa mà ông Zhang sản xuất nặng 2 kg, được bán với giá 2.000 nhân dân tệ. Hầu hết khách hàng của ông đến từ Thiểm Tây, tỉnh Sơn Tây lân cận và các khu vực xung quanh.
*Theo SixthTone