Một thị trấn 'buồn ngủ' của Nhật Bản và mục tiêu trở thành Thung lũng Silicon châu Á

An Bình |

Luôn được coi là vùng đất trầm lặng của Nhật Bản, Tokushima không phải là nơi mọi người mong đợi sẽ xuất hiện một ngôi trường dành cho các doanh nhân trẻ am hiểu công nghệ, theo BBC.

Nằm trên hòn đảo phía nam Shikoku, vùng nông thôn yên bình này chưa từng được coi là có sự phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, khu vực đã phải hứng chịu cả tình trạng dân số già và đà suy giảm số dân trong nhiều thập kỷ, sẽ sớm chào đón đông đảo các cư dân mới trẻ trung và năng động.

Từ câu chuyện của đường dẫn Internet tốc độ cao

Vào tháng 4 năm 2023, một trường đào tạo doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ - trường đầu tiên thuộc loại hình này ở Nhật Bản - sẽ được mở tại thị trấn Kamiyama của Tokushima.

Các sinh viên từ 15 đến 20 tuổi sẽ được dạy về kỹ thuật, lập trình và thiết kế, cũng như các kỹ năng kinh doanh như tiếp thị. Họ cũng sẽ học cách trình bày kế hoạch kinh doanh của mình với các nhà đầu tư để huy động tiền.

Một thị trấn buồn ngủ của Nhật Bản và mục tiêu trở thành Thung lũng Silicon châu Á - Ảnh 1.

Ngôi trường đang được xây dựng và dự kiến mở cửa vào tháng 4 năm 2023. Ảnh: BBC.

Người đứng sau ngôi trường này là Chikahiro Terada, ông chủ của công ty khởi nghiệp Sansan có trụ sở tại Tokyo, chuyên về kỹ thuật số hóa danh thiếp. Những công ty như của Chikahiro vẫn đóng một vai trò to lớn trong thế giới doanh nghiệp của Nhật Bản.

Ông Terada chia sẻ: "12 năm trước, tôi thành lập một văn phòng từ xa ở đây vì tôi nghe nói rằng Kamiyama là một thị trấn thú vị có đường dây Internet tốc độ cao trong những ngôi nhà cổ trống không".

Ông Terada đã đến thăm và gặp một doanh nhân địa phương tên là Shinya Ominami, người chịu trách nhiệm lắp đặt mạng internet tuyệt vời của thị trấn này.

Ông Terada nhớ lại: "Tôi nghĩ rằng mình có thể bị đối xử lạnh nhạt nếu tôi nói rằng tôi muốn mở một văn phòng ở đây mà không cần sự giúp đỡ của thị trấn". Vì vậy, ông đề nghị sẽ hỗ trợ dạy tin học cho những người già địa phương.

Nhưng bất ngờ là ông Ominami chỉ muốn ông Terada chứng minh rằng một công ty công nghệ thông tin có trụ sở tại thủ đô Tokyo có thể mở văn phòng tại đây và quá trình sau đó rất dễ dàng. Sau thành công của Sansan, những công ty khác tiếp nối thành lập các văn phòng từ xa ở Kamiyama, nơi có dân số chưa đến 5.000 người.

Ông Terada nói: "Thật là thú vị khi thấy thị trấn đang được trẻ hóa. Sau đó tôi bắt đầu tự hỏi mình có thể làm gì để đóng góp cho xã hội ở đây và đó là lúc tôi nghĩ tới giáo dục".

Số hóa đang là định hướng lớn của Nhật Bản

"Tôi đã trở thành một doanh nhân sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng tôi không nhớ đã được học bất kỳ kỹ năng quan trọng nào mà tôi cần để bắt đầu kinh doanh trong thực tế", ông Terada chia sẻ.

Một thị trấn buồn ngủ của Nhật Bản và mục tiêu trở thành Thung lũng Silicon châu Á - Ảnh 3.

Từ trải nghiệm của chính mình, ý tưởng xây dựng ngôi trường kinh doanh đã được ông Terada nhen nhóm. Ảnh: BBC.

Để xây dựng trường học, ông Terada đã kêu gọi hỗ trợ 2 tỷ yên (15 triệu USD) thông qua hệ thống chính phủ gọi là furusato nozei - "thuế quê hương". Theo chương trình này, những cư dân thành phố lớn có thu nhập từ trung bình đến cao có thể quyên góp tiền cho một vùng nông thôn mà họ lựa chọn để đổi lấy việc giảm thuế thu nhập và thuế cư trú của họ.

Hơn 30 công ty hiện cũng đang hỗ trợ tài chính cho ngôi trường sắp ra đời này. Những doanh nghiệp này chủ yếu là các đơn vị Nhật Bản nhưng cũng có một số công ty quốc tế, chẳng hạn như gã khổng lồ kế toán Deloitte.

Theo truyền thống, những người trẻ tuổi ở Nhật Bản thường chọn gia nhập một công ty lớn có uy tín như một con đường sự nghiệp an toàn.

Tuy nhiên, ông Terada nói rằng nhiều người giờ đây muốn thử sức với kinh doanh và kế hoạch của ông đã nhận được sự quan tâm lớn từ các sinh viên tương lai, với hơn 200 đơn đăng ký từ khắp Nhật Bản cho 40 sinh viên đầu tiên.

Trường cũng cam kết tỷ lệ trẻ em gái và trẻ em trai là 50:50, một bước đi đúng hướng ở một quốc gia nơi nam giới vẫn chiếm ưu thế trong giới khởi nghiệp và trong cả lực lượng lao động quy mô lớn.

Ngôi trường này cũng đang được phát triển trong bối cảnh Quỹ đầu tư hưu trí của chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp mới có triển vọng tốt nhất của nước này.

"Trong nhiều năm, các công ty khởi nghiệp đã gặp một số bất lợi ở Nhật Bản, nhưng từ bây giờ điều đó sẽ thay đổi", cựu bộ trưởng kỹ thuật số của Nhật Bản Karen Makishima từng chia sẻ.

Cả ông Shinya Ominami và Chikahiro Terada của Sansan đều có tầm nhìn biến Kamiyama thành Thung lũng Silicon của châu Á.

Theo BBC, dù điều này có thể hơi xa vời, nhưng tầm nhìn của một người đàn ông về việc phát triển quê hương bằng cách xây dựng mạng internet tốc độ cao có thể đã mang lại một tương lai tươi sáng hơn nhiều so với những gì họ từng nghĩ tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại