Sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trung Quốc khởi đầu thập kỷ bằng một bước tiến thần kỳ, vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Á và thứ hai trên thế giới. Đây cũng là thập kỷ mà ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012) và trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của đất nước Trung Hoa kể từ thời Mao Trạch Đông.
Mặc dù đà tăng trưởng kinh tế có chậm lại đôi chút trong những năm gần đây nhưng quyết tâm của ông Tập Cận Bình muốn khẳng định vị thế của Trung Quốc trên vũ đài thế giới không vì thế mà giảm sút mà ngược lại, có vẻ càng ngày càng được gia cố và kiên định hơn. Trung Quốc đã kết thúc thập kỷ theo một cách mà ít ai ngờ tới: công khai thách thức sự thống trị toàn cầu và vị trí siêu cường số một của Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện
Khi ông Kim Jong- il qua đời vào năm 2011, lúc đó có rất ít thông tin về Kim Jong Un, con trai và là người kế thừa di sản của ông. Người ta đua nhau đưa ra các loại phỏng đoán về tuổi tác của nhà lãnh đạo trẻ tuổi, vị lãnh tụ tối cao mới của CHDCND Triều Tiên.
Kim Jong- un đã trải qua vài năm đầu trong vai trò lãnh tụ tối cao của đất nước ông một cách khá lặng lẽ, ông âm thầm tiến hành những cải cách kinh tế và thanh lọc đội ngũ cựu lãnh đạo, trong đó có cả những nhân vật thân cận của chính gia đình ông.
Nhưng cái tên Kim Jong - un đã nhanh chóng xuất hiện dày đặc trên báo chí quốc tế sau một loạt các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân cũng như những lời đe dọa dữ dội và gay gắt được tung ra nhằm vào Mỹ và Nhật Bản.
Rồi một bước ngoặt bất ngờ đã xảy ra khi ông nhận lời gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh giữa một nhà lãnh đạo Triều Tiên và một Tổng thống đương nhiệm của Mỹ được tổ chức.
Những năm tháng thăng trầm của Thái Lan
Năm 2016, đất nước Thái Lan đã cùng gánh chịu một cái tang chung: sự ra đi của Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người đã lên ngôi vào năm 1946 và trong 7 thập kỷ kể từ đó, ông luôn nhận được sự yêu mến và kính trọng của quốc dân. Thời gian để tang chính thức kéo dài hàng năm, các nhân viên chính phủ được lệnh bận đồ đen trong suốt thời gian đó.
Mất đi vị quân vương yêu kính không phải là thử thách duy nhất mà người Thái Lan phải đối mặt trong thập kỷ. Một cuộc đảo chính vào tháng 5 năm 2014 (cuộc đảo chính lần thứ 13 kể từ khi kết thúc chế độ quân chủ chuyên chế vào năm 1932) đã lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và thiết lập một chế độ cai trị của quân đội kéo dài trong năm năm.
Quá trình chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự cũng bị chỉ trích là chắp vá. Chín thành viên trong nội các mới tuyên thệ ngày 16-7 cũng đã từng tham gia trong chính phủ quân sự trước đó.
Sự trở lại của Thủ tướng Mahathir
Một trong những sự kiện chính trị gây bất ngờ lớn nhất đã xảy ra vào năm 2018, khi tiến sĩ Mahathir Mohamed, 93 tuổi, đã quay trở lại nắm quyền sau một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào năm đó. Đối thủ của ông trong cuộc bầu cử này là Thủ tướng đương nhiệm của Malaysia lúc đó: Najib Razak.
Thắng lợi của ông Mahathir có được là nhờ vào sự bất mãn và phẫn nộ của giới trẻ đối với những hành vi tham nhũng của Najib Razak và các đồng minh trong vụ bê bối 1MDB. Mahathir tiếp quản chức Thủ tướng với những lời hứa về những cải cách và sự minh bạch trong hoạt động của chính phủ mới.
Ông cũng cam kết sẽ từ chức sau “hai hoặc ba năm” và chuyển giao quyền lực cho Anwar Ibrahim, một cựu thù nhưng đã chuyển thành đồng minh với ông trong cuộc bầu cử năm 2018. Nhưng giờ đây đã gần tới thời hạn “hai hoặc ba năm” mà ông đã nhắc đến, nhưng chưa hề có dấu hiệu nào chứng tỏ Mahathir sẽ rút lui khỏi vị trí thủ tướng.
Singapore mất người lập quốc
“Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có được một Lý Quang Diệu thứ hai nữa”, Vijaya Ramasamy nói trong thổn thức. Cô là một trong số hàng trăm ngàn người Singapore đến dự đám tang của Lý Quang Diệu, “cha đẻ” của đất nước Singapore hôm nay. Câu nói của Ramasamy cũng là cảm xúc chung của rất nhiều người dân Singapore.
Lý Quang Diệu đã giữ chức Thủ tướng trong hơn ba thập kỷ và còn tiếp tục tạo ảnh hưởng lên nền chính trị của đất nước này rất lâu sau đó. Sự lãnh đạo của ông trong ba thập kỷ đó cũng đã gây ra nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến chỉ trích ông đã hạn chế ngặt nghèo các quyền tự do dân sự nhưng tất cả đều thống nhất ghi nhận công lao của Lý Quang Diệu đã biến quốc đảo nhỏ bé này thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới.
Rodrigo Duterte xuất hiện
Rodrigo Duterte dường như là một người hoàn toàn xa lạ đối với giới tinh hoa chính trị của Philippines, chức vụ chính quyền cao nhất mà Duterte đã từng đảm nhiệm là Thị trưởng Davao (một thành phố trên đảoMindanao), chính vì thế quyết định tham gia cuộc bầu cử tổng thống của ông là điều bất ngờ và thắng lợi của ông là một cú sốc thật sự.
Sau khi nhận chức, vị tổng thống này vẫn tiếp tục gây ra những cú sốc đối với toàn thế giới: phát động một chiến dịch tàn khốc với các tội phạm ma túy và tuyên bố sẵn sàng tự tay giết chết các tội phạm mà không cần thông qua xét xử. Ông cũng không ngần ngại dùng đến những lời lẽ mạt sát thậm tệ để nói về một số nhà lãnh đạo trên thế giới. Di sản đối ngoại đậm nét nhất của ông, nếu có, đó là việc từ bỏ mối quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ để quay sang hợp tác với Trung Quốc.
Sóng xung kích từ Washinton
Là vị tổng thống gây nhiều bất ngờ khó đoán nhất trong lich sử nước Mỹ, những bước đi của Donald Trump đã làm Châu Á rung chuyển đến tận gốc rễ. Việc đầu tiên mà ông làm sau khi nhậm chức Tổng thống là rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định kinh tế-thương mại đa phương được đàm phán kỹ lưỡng và gần như đã hoàn tất, chỉ chờ được ký kết chính thức.
Bước tiếp theo là việc Trump phát động một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc, thiết lập quan hệ trực tiếp với Bắc Triều Tiên thông qua hai cuộc gặp mặt thượng đỉnh, song song với những động thái trên, Donald Trump vẫn tìm cách gia cố vững chắc hơn những nền tảng của các liên minh truyền thống giữa Mỹ và Nhật Bản và Hàn Quốc.