Cụ thể, trong phiên đầu tiên trở lại sau kỳ nghỉ lễ, ngày 3/9, thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không phát hành tín phiếu.
Như vậy hoạt động hút bớt tiền về của nhà điều hành qua kênh này đã ngừng trong hơn hai tuần trở lại đây; tuần liên trước cũng chính thức đánh dấu số dư tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành bằng 0 - dòng vốn hút bớt về trước đó đã được trả lại hoàn toàn cho thị trường.
Trên thị trường mở (OMO), như thể hiện ở tuần trước kỳ nghỉ lễ, nhiều thành viên có nhu cầu đã tiếp cận lượng vốn khá lớn từ Ngân hàng Nhà nước bơm ra.
Và trở lại sau kỳ nghỉ, hôm qua (3/9) vẫn có 1 thành viên tham gia đấu thầu và trúng thầu tới 988,2 tỷ đồng, vẫn ở kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,75%/năm.
Ngược với tín phiếu phát hành để hút bớt tiền về, hoạt động đấu thấu trên kênh cầm cố thị trường mở là nơi tạo nguồn hỗ trợ vốn ngắn hạn từ Ngân hàng Nhà nước cho hệ thống. Thời gian gần đây, khá nhiều thành viên “vay nóng” ở kênh này để cân đối nguồn, có phiên lên tới 7 thành viên.
Bên cạnh trường hợp duy nhất cần gần 1.000 tỷ đồng nói trên, hôm qua có 3.682 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố thị trường mở. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 2.694 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 9.690 tỷ đồng.
Trong phiên đầu tiên trở lại sau kỳ nghỉ lễ, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã giảm trở lại.
Trong phiên 3/9, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,03 - 0,12 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước; giao dịch tại qua đêm 4,33%, 1 tuần 4,47%, 2 tuần 4,50% và 1 tháng 4,43%/năm.
Chênh lệch lãi suất giữa VND với USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn được nới rộng, khi lãi suất chào bình quân USD cũng giảm 0,02 - 0,04 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch qua đêm 2,24%, 1 tuần 2,35%, 2 tuần 2,45%, 1 tháng 2,56%/năm.