Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, đến 11/2, dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xuất hiện ở nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tân Khang và Tân Thọ (huyện Nông Cống) và xã Quảng Trường (huyện Quảng Xương). Đến nay, số gia cầm tiêu hủy ở các ổ dịch đã lên đến hơn 23.000 con, chủ yếu trên đàn gà, vịt, ngan.
Ngay sau khi phát hiện có dịch, các địa phương đã tổ chức bao vây ổ dịch, phun tiêu độc khử trùng, tiêm vaccine… cho đàn gia cầm còn lại trong khu vực ổ dịch và lân cận.
Tại Nghệ An, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, ngày 11/2 đã xuất hiện thêm các ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn ngan, vịt tại hai hộ chăn nuôi ở xã Quỳnh Bá và Quỳnh Hậu (huyền Quỳnh Lưu). Tính từ đầu tháng 2 đến nay, tại Nghệ An xuất hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N6, đều ở huyện Quỳnh Lưu.
Tại Hà Nội, dịch cúm cầm A/H5N6 xuất hiện tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) và hiện số gia cầm tiêu hủy trên 6.800 con.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, cúm gia cầm A/H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút...
Trước đó, cúm A/H5N6 đã xuất hiện trên đàn gia cầm ở các huyện Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái (Quảng Ninh).
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tại Việt Nam, năm 2019, bệnh dịch cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố với số gia cầm tiêu hủy 133.000 con.
Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, các ổ dịch cúm A/H5N6 đã xuất hiện ở các ở Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Nội, Thanh Hóa.
Cục Thú y cho biết, kết quả lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ dương tính với virus cúm A là 37,72%, trong đó có dương tính với virus cúm A/H5N1 là 1,19%, A/H5N6 là 1,82%
. Trong khi, hiện Việt Nam có tổng đàn gia cầm lớn với 467 triệu con, điều kiện thời tiết thay đổi, thuận lợi cho virus phát triển, lây lan.
Ngoài ra, hiện tại dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện tại tỉnh Hồ Nam và cúm A/H5N6 tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cúm gia cầm rất đáng lo ngại bởi trong đó có một số biến chủng lây sang người, gây tử vong cao.
Đặc biệt, năm nay do nhuận hai tháng 4, nên dự báo, mưa phùn ẩm ướt sẽ kéo dài, mà đây lại là “bạn đồng hành” của cúm gia cầm… Dự kiến, ngày 13/2 tới, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương chỉ đạo về phòng chống dịch cúm gia cầm và các bệnh trên gia súc.