Ở Hà Nội, nghệ sĩ múa rối sống rất khỏe vì loại hình nghệ thuật này có sức hút đặc biệt đối với khách du lịch. Và ở Hà Nội, chúng ta có Nhà hát múa rối Thăng Long nằm ngay bên bờ Hồ Gươm với 365 ngày đỏ đèn. Vào những dịp lễ, tết, mỗi ngày diễn 6 suất để phục vụ khách du lịch.
Nhưng ở Sài Gòn, nghệ sĩ múa rối sống rất khó khăn. Bình thường, diễn viên múa rối chỉ nhận mức lương vài triệu đồng, kèm theo thù lao khi có suất diễn nên sau đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nhiều người đã bỏ nghề hoặc phải chạy xe ôm công nghệ hay làm công việc khác để lo miếng cơm manh áo.
Câu chuyện về đời sống của nghệ sĩ múa rối đã được đạo diễn Trần Được hiện đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam chia sẻ với rất nhiều trăn trở và cả đau xót.
Đạo diễn - diên viên Trần Được biểu diễn rối nước (ảnh trong bài do NVCC).
Rối cạn.
"Một số diễn viên múa rối phải chạy grab"
Nghệ sĩ diễn viên bây giờ than khổ rất nhiều, đặc biệt những người làm sân khấu và bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương. Múa rối và xiếc có lẽ còn vất vả hơn. Ngay như anh, nếu không có nghề tay trái là đóng quảng cáo thì chắc chắn cũng sống mệt mỏi với nghề?
Đúng vậy. Tôi là người năng động trong mọi hoàn cảnh và làm rất nhiều việc mới có thể bám trụ nghề tới hôm nay. Bộ môn nghệ thuật truyền thống múa rối không phát triển được được ở Sài Gòn là vì nhiều lý do.
Thứ nhất là chưa có chương trình thật sự hấp dẫn. Thứ hai là cơ sở vật chất không tốt, ngay cả một nhà hát đạt chuẩn cho múa rối cũng chưa có. Hiện tại, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam mang tiếng là nhà hát nhưng chỉ có rạp xiếc được làm tạm ở công viên Gia Định.
Nhà hát không có sân khấu cho múa rối, chúng tôi phải thuê địa điểm để diễn rối nước, còn rối cạn thì chỉ có một sân khấu nhỏ cho tập luyện còn diễn lưu động ở các trường học trên địa bàn thành phố.
Vì điều kiện sân khấu và cơ sở vật chất như vậy nên khán giả quay lưng là điều không thể tránh. Việc diễn di động như vậy gây rất nhiều khó khăn. Khán giả muốn tìm điểm xem cũng không biết xem ở đâu, vé bán chỗ nào. Các cụ nói, an cư lạc nghiệp. Tới nhà hát còn không có thì nghệ sĩ, diễn viên múa rối sống làm sao được.
Anh em diễn viên múa rối rất nghèo, rất khổ. Đặc thù của múa rối, 70% là khách du lịch quốc tế nên thời gian xảy ra dịch bệnh covid-19 thật sự rất cam go. Một số diễn viên phải làm nghề tay trái như chạy grab, một số làm các công việc tay chân khác. Tôi rất thương anh em nhưng hiện tại nhà hát còn chưa có sân khấu cố định thì lực bất tòng tâm.
Dù trên sân khấu rất hào nhoáng
Chức danh đạo diễn, diễn viên cũng rất oai...
Không tuyển được diễn viên vì lương không bằng bảo vệ
Không lẽ cứ ngồi đó nheo nhóc. Nhà hát không tìm cách để giúp diễn viên cải thiện đời sống?
Nhà hát có tìm cách để diễn viên đỡ cực khổ bằng cách kết hợp giữa xiếc và múa rối nhằm tăng thu nhập cho anh em. Tuy nhiên, diễn viên xiếc cũng trong tình trạng chung.
Diễn viên rối nước còn khổ hơn. Họ quen ở dưới nước rồi, khi lên bờ không bắt nhịp được nên chỉ biết làm nghề và sống rất cực. Còn diễn viên xiếc, họ tập luyện bao nhiêu năm để có một tiết mục nhưng khán giả xem xiếc ngày càng ít nên cuộc sống của diễn viên xiếc cũng không được đảm bảo.
Một số người đã bỏ nghề và chúng tôi không tuyển được diễn viên mới vì thu nhập quá thấp, lương quá thấp. 2 năm nay, chúng tôi không tìm được người về nhà hát. Một vài diễn viên tuyển vào, được vài ba tháng, họ cũng bỏ đi vì không chịu nổi với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng, trong khi lương bảo vệ cũng đã 6-7 triệu rồi.
Nếu cứ như vậy thì diễn viên xiếc và diễn viên múa rối sẽ bị già hóa mà lớp kế cận không có. Nhà hát đào tạo tại chỗ cũng không được, đơn giản vì thu nhập quá thấp. Những người còn trụ lại tới giờ này đều là những người cực kỳ yêu nghề. Họ phải yêu lắm vì nếu không yêu thì đã bỏ hết rồi. Họ quá khổ!
Và luôn tâm huyết với nghề nhưng...
Với tư cách là Phó trưởng đoàn Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, anh đã làm gì để đời sống của anh em bớt khổ?
Hiện tại, tôi vẫn đang đợi quyết định chính thức bổ nhiệm vào vị trí này. Tuy nhiên, đã xác định mình là người đầu tàu ở Nhà hát nên tôi luôn phải tìm cách động viên để anh em không nản. Nhà hát mà mất hết diễn viên khác gì chùa mà không có Phật.
Nhưng, chính sách mới của nhà nước, từ sau ngày 1/7, sẽ không còn hợp đồng viên chức mãi mãi nữa mà sẽ chuyển theo dạng hợp đồng ngắn hạn, 5 năm. Điều này là một trở ngại lớn đối với Nhà hát chúng tôi. Việc lôi kéo diễn viên đã khó, giờ thêm chính sách mới này làm mọi người không muốn về nữa.
Những người làm nhà nước, họ mang tư tưởng ổn định lâu dài nhưng bây giờ chuyển sang hợp đồng ngắn hạn, mà lương thấp nên không thể tìm diễn viên.
Dẫu biết rằng, chính sách đó cũng có ưu điểm là khiến mọi người phải lao động hết sức, không ỷ lại nhưng với bộ môn nghệ thuật truyền thống như múa rối thì thật sự khó khăn vô cùng.
Giá một chiếc vé xem múa rối dành cho người lớn là 50.000 đồng, trẻ em là 30.000. Vì thời gian diễn chỉ có 30 phút và thủy đình quá đơn giản, chừng 100 ghế ngồi, điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo nên chúng tôi không thể tăng giá được.
Chúng tôi ao ước có một nhà hát đẹp, cơ sở vật chất khang trang, ghế ngồi tốt, phòng máy lạnh đầy đủ và tăng thời gian diễn lên 45 phút mới có thể bán giá vé cao hơn. Thực tế là với điều kiện hiện nay, gọi là nhà hát nhưng level chỉ bằng một đoàn và múa rối ở TPHCM không thể gọi là nghệ thuật được.
Hiện nay, chúng tôi phải thuê một góc trong Bảo tàng lịch sử để làm thủy đình diễn rối nước. Các hợp đồng với trường học, chúng tôi phải đưa nguyên sân khấu tới. Từ khi có có dịch covid-19, anh em diễn viên nghỉ dài hạn. Diễn viên rối nước không có thu nhập. Diễn viên rối cạn thì 1, 2 tháng gần đây mới có show nhưng cũng ít ỏi.
Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng múa rối sẽ phát triển tốt nhất so với các loại hình nghệ thuật khác vì nó phù hợp với cả người lớn và trẻ em. Các tiết mục rất dễ thương và không nhàm chán. Chẳng hạn, tôi dựng vở kịch rối "Gala phù thủy" diễn ở đâu khán giả cũng thích, từ thầy cô đến học sinh.
cuộc sống của diễn viên múa rối vô cùng cực khổ.
Mọi người còn hỏi nhà hát ở đâu để đến xem nhưng mình bị khó khăn ở chỗ không có nhà hát. Chúng tôi có dự án xây nhà hát đa năng sau Nhà thi đấu Phú Thọ nhưng 15 năm rồi chưa biết khi nào mới xong. Lẽ ra, năm nay khởi công nhưng vì dịch bệnh mà phải dừng lại.
Mình không có nhà hát, diễn ít, tay nghề diễn viên cũng mai một đi. Tiền ít, lửa nghề cũng lụi dần. Khán giả vài người thì làm sao diễn viên có lửa được. Sân khấu, địa điểm thì như vậy... Thật sự chúng tôi có quá nhiều khó khăn.
Hà Nội vốn không phải là mảnh đất để phát triển nghệ thuật nhưng múa rối rất hưng thịnh. Hà Nội có Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát múa rối Trung ương... và cả các sân khấu tư nhân xã hội hóa như sân khấu Bông Sen của nghệ sĩ Trần Bình, một ngày diễn 3 suất đều đặn mà khán giả rất đông, diễn viên cũng sống rất tốt.
Ngoài ra còn phường rối Nắng Sông Hồng, phường rối trong Bảo tàng Dân tộc học, Nhà hát Cánh Diều Vàng của nghệ sĩ Vương Duy Biên... Mọi người đều sống rất ổn. Rồi rối nước ở Quảng Ninh cũng thế, chỉ có múa rối ở Sài Gòn thì buồn!
Bởi vậy, khi nghe ai hỏi tại sao tư nhân sống được mà nhà hát của nhà nước lại không là tôi đau lòng lắm. Phải ở trong hoàn cảnh mới biết, chúng tôi "ăn xin khắp nơi".
Chúng tôi đã kết hợp xiếc với múa rối để lôi kéo khán giả nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài vẫn phải trông chờ vào sự quản lý cấp cao, trông chờ vào tầm nhìn và tình yêu nghệ thuật múa rối của người lãnh đạo mới mong có sự thay đổi.