Một quốc gia sắp 'vượt mặt' Trung Quốc để trở thành thị trường mới nổi lớn nhất thế giới: Có đà tăng ngang ngửa Mỹ, nhà đầu tư bất ngờ vì bỏ lỡ cơ hội

An Chi |

Theo Financial Times, Ấn Độ chuẩn bị “bắt kịp” Trung Quốc để trở thành thị trường mới nổi lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư toàn cầu.

Một quốc gia sắp 'vượt mặt' Trung Quốc để trở thành thị trường mới nổi lớn nhất thế giới: Có đà tăng ngang ngửa Mỹ, nhà đầu tư bất ngờ vì bỏ lỡ cơ hội- Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ ghi nhận giá cổ phiếu tăng vọt, khối lượng giao dịch lớn và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cao hơn. Do đó, tỷ trọng của thị trường Ấn Độ trong chỉ số MSCI Emerging Market là gần 20%, trong khi Trung Quốc là 25% - sụt giảm mạnh so với mức 40% vào năm 2020.

Một quốc gia sắp 'vượt mặt' Trung Quốc để trở thành thị trường mới nổi lớn nhất thế giới: Có đà tăng ngang ngửa Mỹ, nhà đầu tư bất ngờ vì bỏ lỡ cơ hội- Ảnh 2.

Tỷ trọng của Trung Quốc (xanh) và Ấn Độ (hồng) trong rổ chỉ số MSCI Emerging Market.

Các nhà đầu tư cho biết, đợt đánh giá chỉ số MSCI dự kiến diễn ra vào tháng tới có thể nâng tỷ trọng của Ấn Độ lên cao hơn 20%, vượt Đài Loan (Trung Quốc) và giúp Ấn Độ chỉ đứng sau Trung Quốc đại lục.

Song, khoảng cách được thu hẹp lại là một trong những vấn đề lớn với nhà đầu tư ở thị trường mới nổi trong năm nay. Thời gian gần đây, thị trường đã tranh luận về việc có nên đầu tư vào Ấn Độ hay không khi thị trường này “nóng lên” và thị trường Trung Quốc thì chậm lại.

Varun Laijawalla, giám đốc danh mục đầu tư thị trường mới nổi tại công ty quản lý tài sản NinetyOne, cho biết: “Các giao dịch phổ biến ở thị trường mới nổi hiện nay là ‘long India, short China’. Sự chênh lệch về định giá giữa 2 thị trường này lớn chưa từng có.”

Thị trường chứng khoán Ấn Độ đang giao dịch ở mức 24 lần lợi nhuận dự phóng trong năm tới, trong khi Trung Quốc là 10 lần.

Sự thay đổi này cũng cho thấy “tiềm lực” của các chỉ số tại các thị trường mới nổi.

Kunjal Gala, trưởng bộ phận thị trường mới nổi tại Federated Hermes, cho hay: “10 hay 11 năm trước, Ấn Độ chỉ chiếm 6-7% tỷ trọng. Bây giờ con số đó là gần 20%. Vì thị trường Ấn Độ có định giá tương đối cao nên sự thay đổi trong tỷ trọng là vấn đề nan giải với nhà đầu tư dài hạn.”

Gala nói thêm: “Hiện tại, chúng tôi vẫn giữ khuyến nghị giảm tỷ trọng (underweight) với thị trường Ấn Độ, không phải vì quan điểm vĩ mô hay kinh tế. Lý do là chúng tôi vẫn muốn tập trung vào nguyên tắc biên an toàn, tức là cố gắng mua cổ phiếu ở mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị nội tại.”

Theo Laijawalla, dòng vốn trong nước đổ vào các quỹ cổ phiếu là một yếu tố quan trọng. Dòng vốn ròng trong nước trung bình hàng năm đổ vào cổ phiếu của Ấn Độ là 12 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020. Từ năm 2020 - 2023, con số này tăng lên 29 tỷ USD.

Ấn Độ là một trong những thị trường mới nổi có diễn biến vượt trội nhất thế giới, tính theo đồng nội tệ và có tốc độ gần như ngang nửa thị trường Mỹ tính theo USD trong những năm gần đây.

Vikas Pershad, giám đốc danh mục đầu tư tại M&G Investments, nhận định Ấn Độ cũng là thị trường tốt nhất thế giới đối với những cổ phiếu đã tăng giá ít nhất 10 lần.

Pershad cho biết: “Một trong những chỉ số tài chính ít hiệu quả nhất, đặc biệt là với thị trường Ấn Độ, là P/E dự phóng 1 năm. Đây là lý do tại sao trong 20 năm qua, nhà đầu tư đã bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền ở Ấn Độ.”

Dù lợi nhuận của các công ty Ấn Độ tăng nhưng tốc độ lại không quá ấn tượng so với các thị trường mới nổi khác. Sunil Tirumalai, chiến lược gia thị trường mới nổi toàn cầu tại UBS, cho biết tăng trưởng lợi nhuận ở Ấn Độ ở mức “bình thường”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh định giá các doanh nghiệp Trung Quốc giảm sút trong vài năm qua thì Ấn Độ lại chứng kiến xu hướng tích cực hơn, một phần là nhờ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nhiều hộ gia đình Ấn Độ đang đổ tiền vào thị trường chứng khoán trong nước do chịu ảnh hưởng từ môi trường lãi suất thấp. Hoạt động đầu tư trong nước thường được thực hiện thông qua việc chuyển khoản tự động hàng tháng đến các quỹ do ngân hàng lớn như ICIC vận hành.

Nhờ đó, dòng vốn của Ấn Độ đến các quỹ nước ngoài cũng được hạn chế. Tirumalai cho biết: “Tỷ lệ sở hữu của các quỹ nước ngoài đã xuống mức thấp nhất trong 11 năm.”

Quay trở lại với Trung Quốc, sau khi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết đại lục thăng hoa vào năm 2019, tỷ trọng của thị trường này cũng tăng vọt trong chỉ số của MSCI. Ngay cả ở thời điểm đó, không phải toàn bộ các cổ phiếu của thị trường đại lục đều được đưa vào rổ chỉ số.

Jitania Kandhari, giám đốc điều hành nhóm cổ phiếu các thị trường mới nổi tại Morgan Stanley Investment Management, cho biết: “Trước đây, thị trường nào đạt tỷ trọng 25% trong MSCI EM thì sau đó đều có xu hướng thụt lùi từ mức cao.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại