Theo World Atlas, Thụy Sĩ thuộc khu vực Trung Âu, có diện tích tự nhiên 41.290 km2 và dân số khoảng 8,6 triệu người. Dù diện tích và dân số khiêm tốn nhưng đây lại là quốc gia nổi tiếng về độ giàu có, thường xuyên nằm trong top 10 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất và xã hội ổn định.
Số liệu từ Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, GDP bình quân đầu người của Thụy Sĩ trong năm 2021 đạt mức 93.457 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng), chỉ đứng sau Luxembourg và Ireland.
Thụy Sĩ của quá khứ là một đất nước chẳng hề giàu có, nhưng ngày nay lại cực kỳ phát triển. Một phần cũng nhờ vào sự tiết kiệm một cách đầy lý trí.
Người Thụy Sĩ có tính cách bình dị, không kiêu ngạo, không khoe khoang, phô trương, họ luôn tiêu tiên một cách có tính toán và kế hoạch. Đồng thời, người dân tại đây cũng hiểu rằng, nỗ lực nâng cao khả năng chuyên môn sẽ đem lại thành quả, còn dục vọng và sự lười biếng là những thói xấu cần tránh.
Chính tinh thần ấy đã khiến người Thụy Sĩ luôn tự lực tự cường đến "lạ lùng". Trước đây, vào năm 2016, chính phủ đất nước này từng đưa ra ý định trợ cấp cho tất cả người dân nước này mỗi tháng 2.500 franc Thụy Sĩ (2.520 USD) (khoảng 61 triệu đồng). Trẻ em cũng được nhận một khoản là 625 CHF (khoảng 15 triệu đồng).
Khoản trợ cấp này còn được gọi là "thu nhập cơ bản chung". Qua đó, từ khi người dân còn trong nôi đến khi xuống mồ, chính phủ chịu trách nhiệm về mọi thứ, bao gồm giáo dục, chăm sóc y tế…
Ý tưởng trên là của một nhóm học giả. Họ cho rằng, đây là khoản tiền cần thiết để chống đói nghèo và bất bình đẳng trong xã hội hiện nay.
Người dân có thể dùng trợ cấp này để chi trả cho những nhu cầu cơ bản của bản thân, qua đó có thể xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào trợ cấp xã hội của những người không có kế sinh nhai, giúp mỗi người lựa chọn được công việc ưa thích, khuyến khích sáng tạo và sự tận tâm trong công việc, đồng thời tăng giải pháp cho việc trông giữ trẻ em và chăm sóc người già hoặc người bệnh.
Như vậy, với 2.520 USD/tháng, mỗi người dân Thụy Sĩ có thể nhận 30.240 USD/năm. Để dễ hình dung, số tiền này đủ để họ mua cả những siêu xe chất lượng tốt, chẳng hạn như BMW 850Ci (24.300 USD), Aston Martin DB7 Vantage (28.700 USD), Bentley Continental GT (25.300 USD), Ferrari Mondial 8 (23.500 USD)...
Tuy vậy, đứng trước khoản trợ cấp "trong mơ", gần 77% cử tri Thụy Sĩ đã nói "Không". Những người tham gia bỏ phiếu đã từ chối nhận số tiền "cho không biếu không" này và muốn tự đi làm để kiếm sống. Họ coi "phúc lợi nhà nước từ trong nôi" này là một "kế hoạch điên rồ dành cho những kẻ lười biếng!"
Theo cây bút của TheWire, điều này thể hiện tinh thần tự lực đáng kinh ngạc của người dân quốc gia này. Họ coi trọng giá trị của công việc và dành nhiều thời gian để làm việc hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Một công nhân toàn thời gian trung bình dành hơn 41 giờ một tuần cho công việc, trong khi con số ở Pháp là 37 giờ và ở Đức là 40 giờ.
Cách đây cả thập kỷ, người Thụy Sĩ cũng nói "Không" với sáng kiến yêu cầu gia tăng số ngày nghỉ lễ theo luật định từ bốn tuần mỗi năm lên sáu tuần mỗi năm, vào năm 2012. Có thể thấy, ý tưởng ngồi ở nhà và vẽ ra một khoản thu nhập cố định mỗi tháng dường như cũng là một điều tối kỵ.
Nhiều người lo ngại nó có thể khiến những người trẻ tuổi mất động lực làm việc và là mối đe dọa đối với tinh thần tự lực tự cường nổi tiếng thế giới của đất nước này. Đây là một nhân tố quan trọng trong sự thành công của nền kinh tế Thụy Sĩ và cách họ duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Mặc dù người Thụy Sĩ rất coi trọng công việc, nhưng họ cũng luôn đề cao sự thoải mái khi làm việc, đặc biệt là cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Họ coi trọng quyền được nghỉ ngơi, và "sẽ làm việc sau khi được nghỉ ngơi".
Là một trong những nước an toàn nhất thế giới, tình trạng tham nhũng, tham ô cửa quyền ở Thụy Sĩ gần như không có, năng lực điều hành của chính phủ cực tốt, môi trường sống trong lành và chất lượng dịch vụ ở mức rất cao.
*Theo Thewire, Financial Times