Cách đây 2 tháng, người Đan Mạch tự hào, lâng lâng vui sướng khi chính phủ tuyên bố Covid-19 không còn là "dịch bệnh gây đe dọa nghiêm trọng cho xã hội". Kèm theo đó là toàn bộ các quy định hạn chế phòng dịch đều được dỡ bỏ.
Nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công, người Đan Mạch sớm được quay trở về với cuộc sống bình thường trước kia. Họ thoải mái đi nhà hàng, quán bar mà chẳng cần phải trình "thẻ xanh Covid", vô tư dùng các phương tiện công cộng mà chẳng cần đeo khẩu trang, và dĩ nhiên là tụ tập đông người mà không có bất kỳ giới hạn nào.
Nhưng niềm vui ấy hóa ra cũng chẳng kéo dài cho lắm. Hiện tại, cũng giống như nhiều quốc gia khác tại châu Âu, Đan Mạch đang cân nhắc chuyện tái áp đặt các quy định hạn chế khi phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm ngày một gia tăng, và đẩy cả châu lục trở lại thành tâm dịch.
Nhiều khu vực tại châu Âu đang phải đối diện với làn sóng lây nhiễm của biến chủng Delta, trong bối cảnh các quy định phòng dịch đã được nới lỏng, còn chiến dịch tiêm chủng đang bị đình trệ ở một số quốc gia. WHO thậm chí còn đưa ra cảnh báo rằng sẽ có hơn nửa triệu người châu Âu chết vì Covid-19 khi mùa đông khắc nghiệt đang tới gần.
Hàng chục ngàn người tham dự nhạc hội tại Copenhagen hôm 11/9
Chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, vị thế của châu Âu thay đổi một cách chóng mặt. Cuối mùa hè vừa qua, nhiều quốc gia đã tuyên bố dẹp bỏ các quy định phòng dịch nhờ chiến dịch tiêm chủng và số ca nhiễm giảm mạnh. Nhưng giờ, khi thế giới đang mở cửa trở lại, họ phải đối mặt với một mùa đông dịch bệnh đầy nguy hiểm.
Lại phải phòng dịch
Hôm 8/11, chính phủ Đan Mạch đề xuất sẽ tái áp dụng "thẻ xanh Covid" - dưới dạng chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận âm tính - dành cho những ai muốn vào quán bar hoặc nhà hàng. Bởi lẽ, đất nước đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh lần 3.
Quỵ định mới sẽ được trình lên quốc hội chờ thông qua. Nhưng nó đến khi số ca nhiễm tại Đan Mạch đang tăng rất... ổn định: từ mức 200 ca mỗi ngày vào giữa tháng 9, lên hơn 2300 ca trong những ngày gần đây.
Đan Mạch không cô đơn. Trong tuần này, Áo cũng sẽ cấm những người chưa tiêm chủng được vào nhà hàng hoặc sử dụng khách sạn giữa bối cảnh ca nhiễm gia tăng. Iceland cũng đã tái ban hành quy định đeo khẩu trang bắt buộc và giãn cách xã hội, cũng vì lý do tương tự.
Số ca nhiễm mỗi ngày tại Đức thì đang phá kỷ lục. Hôm 9/11, Đức ghi nhận số ca nhiễm trong 7 ngày cao nhất kể từ đầu đại dịch, với tỉ lệ 213,7 ca mỗi 100.000 cư dân. Một số bang tại đông Đức như Saxony và Thuringia thậm chí còn cao gấp đôi, tới hơn 400 ca.
Và cũng trong ngày 9/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng kể từ tháng 7 trong bối cảnh ca nhiễm gia tăng. Ông thông báo yêu cầu bắt buộc tiêm chủng dành cho toàn bộ công nhân viên y tế.
Anh Quốc cũng phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, ở thời điểm vài tháng sau "Ngày Tự do" - ngày đánh dấu loại bỏ tất cả các quy định hạn chế vì Covid-19. Nhưng không giống các quốc gia khác ở châu Âu, Anh không có ý định tái áp dụng bất kỳ quy định hạn chế nào nữa, kể cả khẩu trang bắt buộc.
Phải tiếp tục tiêm chủng
Đan Mạch phải chứng kiến số ca nhiễm gia tăng bất chấp sở hữu một chương trình tiêm chủng thành công, với 88,3% người trưởng thành được tiêm đủ 2 mũi.
"Một số nước châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lần thứ 4. Đan Mạch cũng đang hướng đến làn sóng lần 3," - trích bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ y tế Magnus Heunicke hôm 8/11.
Liên minh châu Âu (EU) sau một khởi đầu chậm chạp đã vươn lên dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng, với 75% người trưởng thành đã hoàn thành 2 mũi. Nhưng nhìn sâu xa hơn, chương trình này có sự chênh lệch đáng kể giữa các khu vực. Ở phía đông, Romania và Bulgaria mới chỉ tiêm được cho lần lượt là 40% và 27% người trưởng thành mà thôi.
Và giờ, nhiều nước đang hướng sự chú ý đến mũi thứ 3 tăng cường, nhằm kìm hãm sự lây lan của virus trong những tháng mùa đông sắp tới. Đức và Áo đã cho phép người tiêm đủ 2 mũi được nhận mũi thứ 3 sau 6 tháng. Pháp cũng bắt đầu chiến dịch tiêm mũi tăng cường cho người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và nhân viên y tế.
Riêng Anh Quốc lúc này đã triển khai thành công hơn 10 triệu mũi tiêm tăng cường, theo tuyên bố của Thủ tướng Boris Johnson.
Nguồn: CNN