Ảnh minh họa.
Văn phòng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã công bố vào ngày 1/9 rằng Philippines sẽ áp giá trần đối với gạo sau khuyến nghị từ Bộ Nông nghiệp và Thương mại. Giá trần sẽ có hiệu lực vô thời hạn, quy định mức giá tối đa là 41 peso (0,72 USD)/kg đối với gạo xay thông thường và 45 peso (0,79 USD) đối với gạo xay kỹ. Giới hạn chính thức về giá của mặt hàng thiết yếu này nhằm giảm bớt chi phí cho các hộ gia đình trong bối cảnh giá tăng vọt.
Philippines đang nỗ lực ngăn chặn chi phí tăng cao do thiếu nguồn cung, nhưng các nhà phân tích cảnh báo sự can thiệp này có thể không ngăn được chi phí lương thực tăng "phi mã".
Giá gạo - loại lương thực chủ yếu trong các hộ gia đình trên khắp châu Á, đã biến động trong những tháng gần đây do thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và nắng nóng. Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã chuyển sang hạn chế xuất khẩu gạo trắng non-basmati trong khi Thái Lan đang gấp rút tăng cường nguồn cung.
Xuất khẩu từ Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, đang tăng vọt để đáp ứng nhu cầu trên toàn khu vực. Khoảng 90% lượng gạo nhập khẩu của Philippines vào năm 2022 đến từ Việt Nam.
Sự can thiệp của Chính phủ vào giá gạo diễn ra trong bối cảnh tốc độ tăng giá tiêu dùng trên cả nước đang giảm tốc, với lạm phát chung giảm xuống 4,7% trong tháng 7. Tuy nhiên, lạm phát giá gạo đã đạt 4,2% trong tháng 7 năm nay từ mức 1,0% vào tháng 1 năm 2022. Mức giá cao như vậy đã gây tác động lớn đến các hộ gia đình nghèo phải chi phần lớn thu nhập của họ cho thực phẩm.
Tuy nhiên Nicholas Antonio Mapa, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng ING ở Manila, lập luận rằng mức trần giá chính thức không phải là giải pháp lâu dài cho vấn đề chi phí lương thực tăng cao.
Mapa nói với Nikkei: “Việc đặt ra giới hạn giá trong hầu hết các trường hợp có thể đặt ra mức trần giá tạm thời. Tuy nhiên, những giới hạn cứng như vậy có thể dẫn đến sự xuất hiện sự thiếu hiệu quả liên quan đến cung và cầu, có thể dẫn đến giao dịch ngầm hoặc thị trường chợ đen”.
Giá hàng hóa tăng vọt là điều đã diễn ra thường xuyên tại Philippines do việc mở cửa trở lại nền kinh tế vào năm 2022 sau đại dịch Covid-19 đã phục hồi nhu cầu tiêu dùng và đẩy giá tăng do nhu cầu bị dồn nén. Các mặt hàng thiết yếu như hành tây ghi nhận mức tăng giá trong năm qua.
Leonardo Lanzona, một nhà kinh tế tại Đại học Ateneo De Manila ở Philippines, cho biết động thái hạn chế giá gạo thậm chí có thể gây ra “thảm họa” cho cả nông dân và thương nhân.
Ông nói: “Trước đây, giới hạn giá đã dẫn đến chi phí lớn hơn cho Chính phủ. Tác động trước mắt của nó là kéo sản lượng xuống và giảm nguồn cung trên thị trường."
Trong 7 tháng đầu năm, Philippines là nhà nhập khẩu lớn nhất của gạo Việt với hơn 1,9 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 984,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 40% về lượng và 37% về kim ngạch trong cơ cấu xuất khẩu của gạo Việt.
Theo Nikkei Asia