Một quốc gia châu Á bị mất điện đến 114 ngày trong 5 tháng đầu năm, người dân ngán ngẩm vì mất điện hàng nửa ngày trời không báo trước

Như Quỳnh |

Đối với người dân quốc gia này, mất điện là chuyện “cơm bữa”. Vì đâu nên nỗi?

Một quốc gia châu Á bị mất điện đến 114 ngày trong 5 tháng đầu năm, người dân ngán ngẩm vì mất điện hàng nửa ngày trời không báo trước - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Những ngày gần đây, người dân Việt Nam không còn lạ lẫm với tình trạng cắt điện luân phiên. Tuy nhiên tại Bangladesh, tình trạng khủng hoảng điện đang tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Một phân tích của Reuters đã chỉ ra rằng, thời tiết thất thường và tình trạng khó thanh toán các lô hàng nhập khẩu nhiên liệu trong bối cảnh dự trữ ngoại hối và đồng tiền mất giá khiến quốc gia này đối mặt với cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất kể từ năm 2013.

Bộ trưởng Điện lực của Bangladesh đã cảnh báo những đợt nắng nóng vẫn tiếp diễn và mùa cao điểm từ tháng 7 đến tháng 10 đang đến gần, vì vậy 170 triệu người dân quốc gia này sẽ tiếp tục đối mặt tình trạng mất điện trong những ngày tới.

Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, cung cấp cho các nhà bán lẻ toàn cầu như Walmart, H&M và Zara, đã buộc phải cắt điện 114 ngày trong 5 tháng đầu năm 2023, vượt qua con số 113 ngày trong cả năm 2022.

Một quốc gia châu Á bị mất điện đến 114 ngày trong 5 tháng đầu năm, người dân ngán ngẩm vì mất điện hàng nửa ngày trời không báo trước - Ảnh 2.

Người dân Bangladesh bị mất điện 114 ngày trong 5 tháng đầu năm. Đồ họa: Reuters

Dữ liệu từ Power Grid Co của Bangladesh cho thấy, việc cắt điện diễn ra phổ biến nhất vào buổi tối muộn và sáng sớm và người dân phàn nàn rằng việc mất điện không báo trước kéo dài từ 10 -12 giờ đồng hồ.

Một phân tích của Reuters cũng chỉ ra rằng mức thâm hụt nguồn cung tổng thể đã đạt 15% trong tuần đầu tiên của tháng 6, gấp 3 lần mức trung bình 5,2% trong tháng 5 vừa qua.

Dữ liệu của Chính phủ cho thấy tình trạng thiếu nhiên liệu là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Báo cáo của nhà điều hành lưới điện quốc gia cho biết khoảng 1/4 công suất của nhà máy điện khí và 2/3 công suất nhà máy điện than đã đã phải ngưng vì thiếu nhiên liệu. Hơn 40% công suất của các nhà máy điện chạy bằng dầu diesel và dầu mazut cũng không thể vận hành do thiếu nhiên liệu.

Công ty xăng dầu nhà nước Bangladesh đã viết tâm thư đến Bộ điện lực vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, cảnh báo về việc không có khả năng thanh toán cho các công ty là Sinopec, Indian Oil và Vitol để cung cấp nhiên liệu do thiếu hụt ngoại tệ. Giá trị đồng tiền taka của Bangladesh đã giảm hơn 1/6 trong năm tài chính tính đến tháng 5 và dự trữ USD vào tháng 4 cũng giảm 1/3 xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Tỷ lệ điện khí LNG trong tổng sản lượng điện đã giảm trong năm 2022 do trữ lượng giảm và thiếu các hợp đồng với các nhà cung cấp toàn cầu. Dữ liệu cũng cho thấy nhập khẩu điện của quốc gia này được giữ ở mức dưới 10% trên tổng nguồn cung.

Sự phụ thuộc vào than để sản xuất điện đã tăng lên hơn 14% trong 5 tháng đầu năm 2023, so với khoảng 8% trong cả năm 2022. Tỷ lệ điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch trong tổng công suất phát điện của Bangladesh vào năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua.

Về giá điện, khảo sát tại Global Petro Prices cho thấy giá điện trung bình của Bangladesh ở mức 0,052 USD/kWh so với mức 0,08 USD/kWh tại Việt Nam.

Theo Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại