Một phương thuốc bí truyền có tuổi đời 1.000 năm bây giờ lại giúp các nhà khoa học chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh

ZKNIGHT |

Đầu những năm 2010, Christina Lee đang ngồi trong Thư viện Hoàng gia Anh ở London và lật giở từng trang của một cuốn sách cổ viết bằng tiếng Anglo-saxon. Cuốn sách có niên đại từ năm 905 Sau Công nguyên tên là Bald’s Leechbook, một trong những y điển đầu tiên trên thế giới ghi lại kinh nghiệm điều t

Đầu những năm 2010, Christina Lee đang ngồi trong Thư viện Hoàng gia Anh ở London và lật giở từng trang của một cuốn sách cổ viết bằng tiếng Anglo-saxon. Cuốn sách có niên đại từ năm 905 Sau Công nguyên tên là Bald’s Leechbook, một trong những y điển đầu tiên trên thế giới ghi lại kinh nghiệm điều trị và dược tính của nhiều loại thảo mộc.

Trong số tất cả các bài thuốc đã hơn 1.000 năm tuổi, Lee để ý đến một công thức gồm có tỏi, hành tây, rượu vang và muối mật (được lấy từ mật có trong dạ dày bò). Nó đã được các y sĩ thời Anglo-saxon sử dụng để điều trị nhiễm trùng mắt. Cô tự hỏi liệu bài thuốc này có thể chống lại các chủng siêu vi khuẩn kháng kháng sinh thời hiện đại hay không.

Một phương thuốc bí truyền có tuổi đời 1.000 năm bây giờ lại giúp các nhà khoa học chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh - Ảnh 1.

Bald’s Leechbook - một trong những cuốn y điển lâu đời nhất của loài người.

Lee bản thân là một nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ chứ không có chuyên môn y khoa. Vì vậy, cô đã đem ý tưởng nói với các nhà vi trùng học ở Trung tâm Khoa học Sinh học Phân tử Đại học Nottingham. Và họ đã thực hiện một thí nghiệm kiểm tra sự hiệu quả của bài thuốc được gọi là Bald’s eyeslave trên siêu vi khuẩn Staphylococcus aureus (MRSA) kháng Methicillin.

Kết quả cho thấy nó đã tiêu diệt được 90% vi khuẩn MRSA trong mô và cơ thể chuột.

***

Tiến sĩ Freya Harrison là một trong số các nhà vi sinh vật học tham gia vào nghiên cứu của Christina Lee năm 2015. Trong suốt 5 năm qua, cô vẫn luôn trăn trở làm hồi sinh phương thuốc có tuổi đời hơn 1.000 năm này để giúp loài người chống lại tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.

Harrison để ý thấy sự kết hợp của tỏi, hành tây, rượu vang và mật bò có thể giúp đánh bật các chủng vi khuẩn hình thành được màng sinh học (biofilm). Có thể tưởng tượng đó là một tổ hợp ma trận gồm hàng triệu vi khuẩn liên kết co cụm lại với nhau để cùng phòng thủ, tồn tại.

Những vi khuẩn có màng sinh học thường là những vi khuẩn kháng kháng sinh rất mạnh. Chúng ta sẽ cần một nồng độ kháng sinh cao gấp 100.000 lần để đánh bật màng sinh học này so với vi khuẩn trôi nổi trong môi trường thông thường. Nhưng với Bald's eyeslave, nồng độ đó có thể được hạ thấp hơn nhiều.

Một phương thuốc bí truyền có tuổi đời 1.000 năm bây giờ lại giúp các nhà khoa học chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh - Ảnh 2.

Các siêu vi khuẩn hình thành màng sinh học có thể kháng kháng sinh mạnh.

Vậy là trong nghiên cứu mới, Harrison và các đồng nghiệp tiếp tục tái tạo lại hỗn hợp Bald’s eyeslave và thử nghiệm nó trên 5 chủng vi khuẩn, bao gồm các loại vi khuẩn phù du và vi khuẩn có màng sinh học, tất cả đều là những chủng có thể kháng kháng sinh mạnh.

Ban đầu, họ phơi nhiễm các mô mềm với vi khuẩn Acinetobacter baumanii (thường được tìm thấy trong các vết thương trong chiến tranh), Stenotrophomonas maltophilia (thường liên quan đến nhiễm trùng phổi), Staphylococcus aureus (thường liên quan đến nhiễm trùng phẫu thuật) và Staphylococcus aureus (thường liên quan đến các bệnh nhiễm trùng như viêm amidan, viêm khớp, sốt phát ban, viêm mô tế bào).

Những chủng vi khuẩn kể trên cũng thường là thủ phạm khiến bệnh nhân tiểu đường bị loét bàn chân, và tất cả đều đã kháng được kháng sinh trong phác đồ điều trị tiêu chuẩn. Tuy nhiên sau đó Harrison sẽ cố gắng điều trị chúng bằng Bald’s eyeslave.

Kết quả cho thấy hỗn hợp hành tây, tỏi, rượu vang và mật bò đã chống lại được tất cả các chủng vi khuẩn ngoan cố trên. Nó cũng không gây hại cho tế bào chuột và cả tế bào người. Điều này cực kỳ quan trọng, vì chỉ khi không hủy hoại tế bào, Bald’s eyeslave mới có thể có tiềm năng trở thành một loại thuốc dành cho con người.

Một phương thuốc bí truyền có tuổi đời 1.000 năm bây giờ lại giúp các nhà khoa học chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh - Ảnh 3.

Bald’s eyeslave là một bài thuốc có tuổi đời hơn 1000 năm có thể chống lại siêu vi khuẩn kháng kháng sinh.

"Các loài thực vật đã được sử dụng làm thuốc chống nhiễm trùng trong nhiều thiên niên kỷ. Nhưng chúng ta ngày nay thì mới chỉ hiểu được một chút tiềm năng thực sự của các bài thuốc cổ ấy", Cassandra Quave, một nhà dân tộc học tại Đại học Emory cho biết.

Cô nói thêm rằng nghiên cứu về bài thuốc Bald’s eyeslave thú vị ở chỗ, nó đã chỉ ra được sự hiệu quả của việc kết hợp các thành phần thực vật có tính kháng sinh lại với nhau. Từng thành phần riêng lẻ của nó không thể chống lại vi khuẩn một cách hiệu quả, nhưng khi kết hợp lại, Bald’s eyeslave lại trở thành một vũ khí mạnh mẽ để chống lại nhiễm trùng.

Giải thích về cách thức hoạt động của Bald’s eyeslave, các tác giả cho biết chính sự kết hợp của các hợp chất kháng sinh có mặt tự nhiên trong từng thành phần của bài thuốc đã dẫn tới hiệu quả tuyệt vời của nó.

Chẳng hạn, chúng ta biết trong tỏi có chứa allicin, đây là một hợp chất có hiệu quả khi chống lại các dạng vi khuẩn phù du, nhưng không hiệu quả lắm trong việc xử lý các vi khuẩn có màng sinh học. Nhưng khi kết hợp tỏi với rượu vang, hành tây và mật bò thì hiệu quả bổ trợ từ ba thành phần còn lại sẽ giúp Bald’s eyeslave chống lại được những vi khuẩn này.

Một phương thuốc bí truyền có tuổi đời 1.000 năm bây giờ lại giúp các nhà khoa học chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh - Ảnh 4.

Sự kết hợp của hành, tỏi, vang và mật bò đem lại bí quyết cho Bald’s eyeslave.

Điều kỳ lạ là không một thành phần riêng lẻ nào trong bài thuốc có tác dụng chống khuẩn màng sinh học. Các tác giả cho biết chỉ có cách kết hợp chúng lại với nhau, Bald’s eyeslave mới đạt tới được khả năng chống vi khuẩn phổ rộng.

Harrison cho biết đây là một bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm các nguồn cung ứng hợp chất kháng sinh nhiều thành phần. Khi vi khuẩn đã có thể chống lại các hợp chất kháng sinh đơn lẻ, chúng ta phải có hướng cải thiện các loại thuốc theo hướng đa hợp chất.

"Hầu hết các loại kháng sinh mà chúng ta sử dụng ngày nay đều có nguồn gốc từ tự nhiên, nhưng công việc của chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải khám phá không chỉ các hợp chất đơn lẻ mà cả hỗn hợp các sản phẩm tự nhiên để điều trị nhiễm trùng màng sinh học", Harrison giải thích.

Cô cho rằng bằng cách đi theo hướng tiếp cận này, con người có thể tìm thấy những loại kháng sinh mới trong tương lai, giúp chúng ta chống lại tình trạng nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh như hiện nay. Gần nhất thì bài thuốc Blad’s Eyesalave có thể được điều chế thành một kháng sinh giúp điều trị các vết thương nhiễm trùng hoặc loét chân cho bệnh nhân tiểu đường.

Tham khảo Nature, Gizmodo, Nottingham

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại